Triết lí sống khá đơn giản, cầu thủ được xem là “đáng giá” nhất của bóng đá Việt Nam vài năm gần đây có vẻ xứng với danh hiệu Quả bóng Vàng, không chỉ trong sân cỏ…
Ngày Công Vinh xuất hiện, đó chỉ là sự nhập cuộc lặng lẽ. Năm đó – năm 2003, cặp tiền đạo Văn Quyến – Thanh Bình nổi như cồn, thống trị hàng công cả đội trẻ lẫn ĐTQG. Và vì thế, thi thoảng mới thấy dáng người mảnh khảnh của Vinh xuất hiện, thường thì vào lúc đàn anh đã “yếu” pin hoặc tàn giờ. Cậu em chỉ là sự lựa chọn thứ 4, thứ 5 của bất cứ BHL nào…
Phương châm giản đơn
Nhưng đó chính là một phần “định hướng” cho quan điểm sống - lao động của chàng trai trẻ. “Em luôn nỗ lực để tiến lên phía trước, bằng chính khả năng của mình. Đơn giản thôi, nhưng càng ngẫm càng thấy đúng, ít nhất là với em...”.
Luôn chơi rất năng nổ
“Xã hội phân công nghề nghiệp hết, ai cần ngồi đâu đều được xếp đúng chỗ. Với nghiệp VĐV, phong độ là quan trọng nhất. Và để có phong độ ổn định, không gì sáng nước hơn luyện tập thật nhiều, học hỏi đồng nghiệp, đồng đội. Trong làng cầu thủ nội, anh Huỳnh Đức là mẫu cầu thủ lí tưởng cho đàn em noi theo. Tất cả những gì anh có được đều nhờ vào sự khổ luyện, chăm chỉ đến mức bất ngờ. Em đã nghĩ nhiều về điều này và tự hướng cho mình một con đường gần giống thế. Và bây giờ em đang bước đàng hoàng trên con đường ấy, với sự tự giác và quyết tâm không bao giờ ngừng nghỉ. Chỉ vậy thôi!”.
Vật đổi sao rời
Với Công Vinh, 3 năm qua như một giấc mơ. Thành công gối đầu, danh hiệu đến liên tiếp và dường như mọi bước chân chàng trai này bước chỉ trải toàn hoa hồng và thảm đỏ. “Thường thì ít ai dám hài lòng với bản thân. Nhưng thú thật, cũng có lúc em từng rơi vào tình trạng thỏa mãn và muốn vươn lên cao để quan sát.Đó là lúc nhận Quả bóng Vàng lần thứ 2, năm 2005. Thành công ngoài sức tưởng tưởng trong 2 năm liên tiếp làm mình mờ mắt. Thật may thời điểm đó qua nhanh, cuốn văng tất tật suy nghĩ nông nổi của tuổi trẻ. Em nhớ không nhầm thì việc có quá nhiều động lực cùng ùa đến đã kéo đôi chân - cái đầu trở lại mặt đất. Nghĩ lại, em thấy mình cũng hên. Bởi không riêng VĐV tụi em, mà một bộ phận giới trẻ bây giờ không có ý thức chuẩn bị hành trang vào đời. Họ vùi đầu vào những trò giải trí rẻ tiền, tiêu tốn thời gian vô bổ và dễ dàng buông xuôi trước những vấp ngã đầu đời… Mà sống như thế vô nghĩa lắm. Từ một cầu thủ đội sổ khi thi tuyển vào đội U-13 SLNA, đến vị trí hiện tại, nếu gọi đó là giấc mơ liệu có quá không?”.
“… Lại có những đối tượng, khi nhìn thấy đồng đội của mình lên nhanh quá lại khó chịu. Thay vì phấn đấu bản thân cho theo kịp, thì họ tức tối, dè bỉu, thậm chí nói xấu sau lưng. Chuyện này bị phê phán dữ dội trong xã hội, không ai lạ, nhưng với giới thể thao vẫn nặng nề lắm”.
SEA Games 24
Nói đi, nói về, chúng tôi vẫn trở lại với SEA Games 24. Nhắc đến, giọng Vinh trầm hẳn. Với chàng trai 22 tuổi, anh cùng đồng đội còn quá trẻ để chịu đựng dư luận suốt thời gian qua. Không hẳn qua nhanh chóng, nhưngSEA Games 24 quả là giải đấu đáng quên hơn đáng nhớ. Nguyên lứa đi U-20 năm 2003, 2004 có dịp tái ngộ ở Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, rồi SEA Games. Năm đó, Công Vinh là đội trưởng, và chiếc băng đỏ hình quốc kỳ vẫn theo anh đến tận bây giờ. Thất bại tại Sea games 24 là nỗi đau khó quên với Công Vinh
“Khỏi phải nói, cảm giác này thật khó tả. Em chỉ tiếc Xuân Thành, tiếc Quốc Anh, Phước Vĩnh, tụi nó đá tốt, triển vọng như thế mà nên nỗi. Trước khi sang Thái Lan, anh em tự bảo nhau rồi: Đợt này đá SEA Games không thành sự cũng thành nhân. Mọi người cố gắng đá để khẳng định lứa U-20 ngày xưa của mình. Vẫn Đức Cường, Việt Cường, Tiến Thành, Minh Chuyên, Thanh Bình… còn nguyên cả. Chắc chắn tất cả phải nỗ lực tiến lên nữa. Thế nhưng… Cuộc đời em nhiều “thế nhưng” quá rồi, nhưng cái vận mình nó thế. Vậy là hết cơ hội đá SEA Games, vì từ năm sau, tụi em đã bước qua tuổi U-23. Tambiệt SEA Games!”. Công Vinh vừa cười vừa nhìn một cách lơ đãng.
Một ngày làm thầy
“Lần gặp gỡ cuối cùng, hay nói chính xác hơn là buổi chia tay thầy Riedl, cả đội khóc như mưa. Câu đầu tiên ông nói khi bước vào khán phòng là lời xin lỗi. Hình như chưa báo nào viết về buổi chia tay ấy thì phải. Cả đội ngồi im, tai ù đi và 2 dòng nước mắt tuôn tràn. Em chỉ nghe loáng thoáng ông nói rằng, ông đã cố gắng hết sức, nhưng… Rồi ông chúc tất cả tiến bộ hơn trong tương lai và không đả động gì tới trận tranh ¾ sau đó. Lúc đó, ai cũng hiểu, thầy đau lắm, nhưng mọi việc buộc phải chấm dứt thôi. Sáng hôm sau, em cũng để ý, nhưng nghe nói ông Riedl lên Bangkok về trước rồi…”.
Công Vinh còn lưu giữ những kỉ niệm tốt đẹp về HLV Riedl
“Công bằng mà nói, ông đã nỗ lực hết sức. Tuy nhiên phần vì sức khoẻ, phần vì “bài vở” chưa thật phong phú. Nếu hợp đồng của ông kết thúc sớm hơn, có thể sau Asian Cup chẳng hạn, cái kết sẽ đẹp hơn. Dù sao em muốn gửi lời cảm ơn và chúc ông sớm tìm lại niềm cảm hứng sau cú shock U-23 vừa qua. Đó là người thầy ngoại gắn bó lâu nhất cùng lứa trẻ tụi em…”.
“Chỉ muốn ra nước ngoài thi đấu…”
“Em chưa dám khẳng định mình có đá V-League năm nay tốt không? Tình trạng quá tải sẽ đeo đẳng em ít nhất 2 tháng nữa, dù trong 3 trận khai mùa em đã có 2 “gậy” từ sớm.” Công Vinh hồ hởi nói. Về thông tin xung quanh việc chuyển nhượng, thủ quân đội U-23 cũng có những quan điểm khá tích cực. “Em còn nốt mùa này là hết hợp đồng với SLNA. Việc đi, ở còn chưa quyết định, nhưng đây sẽ là bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ. Thú thật, em chỉ muốn ra nước ngoài thi đấu”. “Chẳng phải đâu xa, nhìn Kiatisuk thì biết. Vì sao anh ấy thành công, duy trì phong độ đỉnh cao lâu thế, đó chính là cơ hội do chính Kiatisuk tạo thôi. Tập trẻ phải tốt, thực sự nghiêm túc và có ý thức, điều tiên quyết đó sẽ giúp một cầu thủ trở nên “lớn” trong chính tập thể nhỏ nhất. Kế đó mới độ may mắn và điều kiện phát triển”.
“Vì sao em nhắc nhiều tới anh Sắc thế, đơn giản vì em rất ngưỡng mộ, nhưng ngưỡng mộ chứ không phải thần tượng anh ấy. Nhìn anh Sắc, em hiểu ra nhiều điều, lấy đó để làm đích ngắm cho mình. Từ trẻ tiền đạo này đã được ra nước ngoài thử việc, rồi thi đấu ở rất nhiều nền bóng đá khác nhau, và thành công thế nào ai cũng biết. Em muốn được như anh Sắc…”.
(Theo Vn Media)