Cuộc tái hôn lần thứ 3 của BĐVN với Alfred Riedl đã chấm dứt bằng một giải đấu thất bại đau đớn. Gần 3 năm qua, giấc mơ mà ông thầy người Áo có chung với hàng triệu người Việt Nam vẫn không đến và tệ hại hơn, chúng ta lại quay lại với điểm xuất phát của 3 năm trước.
3 năm đó, Alfred Riedl đã "ở" đâu?
Một lần nữa đưa U23 VN lọt vào trận chung kết SEA Games nhưng thất bại ê chề trước Thái Lan. 3 bàn thua trắng và một nỗi đau khôn nguôi: 7 cầu thủ tài năng của BĐVN dính vào vòng lao lý vì tiêu cực và nụ cười nửa miệng của người Thái vì đội bóng của Alfred Riedl vẫn thế, bị đánh bại rất đơn giản.
Một kỳ Asian Cup 2007 thành công rực rỡ với chiến tích vượt qua vòng đấu bảng vào tứ kết. Olympic VN của Alfred Riedl là đội bóng duy nhất ở Đông Nam Á giành quyền lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng năm 2007, năm cuối cùng trong hợp đồng của ông Riedl với rất nhiều thành công đó, giờ là vô nghĩa khi cái đích cuối cùng là SEA Games 24 thất bại cay đắng. Với BĐVN, 3 năm dưới thời Alfred Riedl không hoàn toàn là nhưng thất bại, dù mục tiêu lớn nhất không đến. Nhưng với cá nhân Alfred Riedl, đó là thất bại thảm bại. Những chiến công lớn nhất dấu ấn của ông không đậm trong khi những thất bại đớn đau nhất, ông bị xem là tác giả. Như sau trận chung kết SEA Games 2005, Trưởng đoàn Thavatchai đã thú nhận rằng Thái Lan đá dễ và thắng dễ là bởi U23 VN đã sai lầm trong chiến thuật và lối chơi đơn giản quá. U23 VN của Alfred Riedl bị HLV Charnvit bắt bài quá dễ và chỉ biết chịu trận trước người Thái. Đó cũng là thực tế của 2 trận bán kết AFF Cup 2006 (diễn ra tháng 1/2007 tại Singapore), khi mà ĐTVN bị người Thái làm cho bẽ mặt ngay trên sân nhà. Sự đơn giản trong lối chơi, khả năng đối phó và chỉ đạo trận đấu hạn chế của ông Riedl khiến ĐTVN như những chú cừu non trước "cáo già" Thái Lan. Asian Cup 2007, cái tên Alfred Riedl "nổi như cồn" bởi hiện tượng Việt Nam. Nhưng hãy cứ chú ý mà xem, ngay đến các tuyển thủ khi nói về Asian Cup họ cũng rất ít nhấn mạnh đến vai trò của ông Riedl. Quyền lực của HLV trưởng ĐTVN cũng chỉ được nhắc đến song song với một số yếu tố như may mắn, sân nhà... Còn ở Vòng loại Olympic Bắc Kinh, người ta nhớ nhiều đến trợ lý Mai Đức Chung hơn là Alfred Riedl. Ông Chung là người đặt nền móng cho Olympic VN với một cách chơi, một tinh thần và một niềm tin mới. 3 năm qua, Alfred Riedl để lại những gì? Ấn tượng lớn nhất là sự bảo thủ và những thay đổi theo hướng "Việt Nam hóa" trong cách làm, cách nghĩ. Ông thay đổi quá nhiều, rất buồn là theo hướng tiêu cực. Ông chỉ tiến lên so với chính ông ở khả năng biện hộ cho thất bại, kỹ năng đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm nhờ học được cách chung sống với những quan chức không có chuyên môn nhưng lại giỏi tính toán đối phó nơi hậu trường. Ông đã đánh mất rất nhiều, trong đó tệ hại nhất là mối quan hệ với cầu thủ. Điểm mạnh nhất của Alfred Riedl là thu phục cầu thủ bởi cách sống, cách làm việc rất tâm lý nhưng khả năng tập hợp đó cũng mất dần đi. Sự tôn trọng của các học trò dành cho ông cứ mất dần đi theo ngày tháng, vì sự thụt lùi về khả năng chuyên môn và sự cũ kỹ trong tư duy. Thất bại tại SEA Games và cách hành xử đáng phê phán của Alfred Riedl trong những ngày cuối cùng trên ghế HLV trưởng U23 VN giống như giọt nước tràn ly và khiến ông mất hết cả sự tôn trọng mà BĐVN vẫn dành cho. Ông đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, cho cầu thủ và cả nền bóng đá kém phát triển, ông nhất quyết không chịu nhận lỗi, không từ chức. Cuối cùng vẫn phải từ chức, nhưng chữ ký của Alfred Riedl chỉ đến khi đút túi thêm 40.000 USD. Ông rời mảnh đất mà ông luôn nói là quê hương thứ 2 và có một quả thận Việt Nam trong cơ thể không phải vì tự trọng. Gần 10 năm gắn bó với BĐVN, dù gì cũng phải nói một câu cảm ơn với Alfred Riedl. Nhưng nếu nói như các quan chức VFF rằng "thay mặt NHM cả nước cảm ơn ông Roedl vì những đóng góp của ông" thì nên phân vân. Bởi sẽ cảm ơn cái gì đây, khi nhìn vào những gì còn lại lúc Alfred Riedl ra đi? Sau 3 năm, bóng đá VN được gì? Bây giờ nhìn lại bỗng giật mình. Hóa ra sau 1 quãng đường dài và tưởng rằng chúng ta đã tiến thật xa nhưng cuối cùng lại quay trở về với điểm xuất phát của 3 năm trước. Những vấn đề trong cung cách hoạt động của bộ máy bóng đá, sự sụp đổ của niềm tin và sự chán nản khi nhìn về tương lai, tất cả cũng hệt như ngày Tavares ra đi. Chúng ta vẫn loay hoay với cái giấc mơ con mãi không thành hiện thực để rồi lại tự nhủ, bắt tay làm lại sau thất bại. Làm lại với một bài học kinh nghiệm lớn, đau đớn. Nhưng sau 3 năm của Alfred Riedl với BĐVN, thất bại có tiếp tục là "mẹ" của... thất bại nữa hay không, chẳng ai dám chắc! Bởi suy cho cùng, ông thầy người Áo cũng chỉ là nạn nhân và sản phẩm điển hình của một hệ thống những cách nghĩ, cách làm thất bại.Thất bại đáng nhớ trên sân Mỹ Đình
Một kỳ AFF Cup mà Việt Nam là đồng chủ nhà nhưng ĐTVN vẫn thất bại. Lại là người Thái với những chiến thắng rất dễ dàng trên cả đất Thái Lan lẫn Mỹ Đình.Được chào đón trong lần ký hợp đồng tháng 4/2005. Ảnh: VTC Ông Riedl ra đi để lại BĐVN phía sau. Ảnh: VTC
Sau thất bại ở Tiger Cup 2004, BĐVN lâm vào một cuộc khủng hoảng nặng nề, kéo theo sự thay đổi của cả bộ máy VFF. Làm lại và Alfred Riedl trở lại với giấc mơ chinh phục ngôi vị số 1 Đông Nam Á.
(Theo VTC)