Olympic Việt Nam thất thủ tại Muscat, không hề gì! Olympic Việt Nam bị giã tới 3 bàn, không vấn đề gì! Lý do là: các cầu thủ của chúng ta đã biết cắn răng đá, và đã thua trong thế ngẩng cao đầu. Nhưng đấy mới chỉ là một góc nhìn về một trận đấu mà nếu theo dõi kỹ người ta hẳn sẽ có rất nhiều suy tưởng…
|
Việt Nam không thể ngăn cản được chủ nhà Oman. Ảnh: VTC |
1. Sự suy tưởng trước hết đến từ không khí của cái SVĐ ở trung tâm Muscat. Chỉ lèo tèo 2-3 ngàn người trong một “chảo lửa” đích thực có sức chứa 42.000 người, song những gì mà những CĐV ít ỏi kia thể hiện chắc hẳn sẽ khiến nhiều khán giả Việt Nam bất ngờ.
Ở đó, có những người đàn ông đầu quấn khăn, mình mặc áo dài theo đúng phong cách người Ả rập. Ở đó, có những giai điệu âm nhạc mang đúng hồn Tây Á. Những giai điệu ẩn chứa trong nó một nét gì đó thật hoang dại, huyền bí, mà nói như nhà báo Nguyễn Lưu là “phảng phất mùi vị thần thánh của kinh cô - ran”. Giai điệu đó cộng hưởng với những tiếng thanh la, tạo nên một không khí bóng đá cực kỳ đặc biệt.
Có lẽ lâu lắm rồi khán giả Việt Nam mới được thả hồn trong một không khí bóng đá như thế. Lâu lắm rồi, chúng ta mới được chứng kiến một trận đấu bị bao bọc bởi một “từ trường huyền bí” với đầy đủ những cung bậc thần thánh, man dại, hoang vu đến thế.
2. Trên sân, người Oman cũng thể hiện rất rõ cái tính chất huyền bí – khó lường ấy. Cả một hiệp một họ bế tắc trước hàng thủ tầng tầng lớp lớp của Olympic Việt Nam. Bế tắc đến mức chỉ có thể tạt bóng từ hai biên theo kiểu “được chăng hay chớ” hoặc thi thoảng mới tung ra những cú sút xa theo kiểu “bắn chim lên trời”. Sau hiệp một ấy, ai cũng bảo: “Oman thường thôi”, thậm chí còn bảo: “Chắc chắn thầy trò Mai Đức Chung có điểm!”.
Thế nhưng Oman của hiệp hai lại chơi một thứ bóng đá khác và rất khác so với hiệp một. Thay vì đưa bóng xuống biên họ bó đội hình tấn công vào giữa, liên tiếp thực hiện những pha bật nhỏ. Thay vì sử dụng những quả bóng dài, bóng bổng, họ xoay sang chơi bài “chọc khe”, đánh trúng vào cái nách giữa trung vệ dập và hậu vệ cánh Việt Nam.
|
Zahir (14) mở tỷ số cho Oman. Ảnh: VTC |
Thế là “cái nút” của trận đấu được mở. Oman ghi 1 bàn, 2 bàn, rồi 3 bàn, mà bàn thắng thứ 3 thì đẹp và bay bổng hệt như một nét vẽ. Sau khi thoát khỏi 2 cái bóng áo trắng, cầu thủ số 17 Maktoom Obai dùng má ngoài chân trái vẩy bóng vào góc xa khung thành Đức Cường. Quả bóng bay vút lên không trung, lượn một nhịp, rồi từ từ cuộn vào trong…
3. Ở phía ngược lại, Olympic Việt Nam cũng chẳng có gì phải buồn bã. Bởi lẽ trong sự thua thiệt trông thấy (từ thể hình, thể lực đến thế trận các cầu thủ vẫn giữ được tinh thần, thậm chí còn ghi được 1 bàn danh dự. Cứ nhìn vào khoảng thời gian 10 phút trước và sau bàn thắng của Châu Phong Hòa là có thể nhận ra điều đó. Trong 10 phút ấy, thủ thành Oman đã phải 2 lần rướn hết cỡ người đẩy bóng. Trong 10 phút ấy, bóng đã 1 lần đập cột dọc khung thành Oman.
Rõ ràng là chúng ta biết mình yếu thế nhưng chúng ta không mang cái mặc cảm của người yếu thế, điều mà ngay cả ĐTQG Việt Nam trước đây cũng không làm được. Cho nên dù thua đấy, dù bị lọt lướt những 3 bàn đấy nhưng các học trò của ông Mai Đức Chung vẫn khiến người xem yên tâm đặt lên vai từ HY VỌNG.
Một trận đấu nằm trong một “từ trường huyền bí”, một Oman chơi bóng cũng rất huyền bí, khôn lường, một Việt Nam vào trận với tư thế “không sợ chết” – đấy có lẽ là 3 điểm nhìn rõ nhất từ trận đấu này.
Còn nếu phải chỉ ra một điểm nhìn thứ 4 thì đó là: hãy đợi Oman đến Mỹ Đình, chơi trận lượt về với VN tại Mỹ Đình để kiểm chứng lại tất cả những gì chúng ta khẳng định hôm nay.
(Theo Dân Trí)