NHM đã quá quen với những cái tên như Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovic, Wayne Rooney hay Fernando Torres… nhưng đó chỉ là một vài danh thủ mới nổi trong thời gian qua, trong khi làng túc cầu thế giới đã chứng kiến những cây săn bàn từng làm khuynh đảo cầu môn đối phương. Họ có thể là những người gặt hái vô số danh hiệu như Pele, Maradona, Muller… nhưng cũng có người chưa một lần chạm vào chiếc cúp vàng thế giới như Eusebio… song tất cả đều được vinh danh trong ngôi nhà huyền thoại của môn thể thua Vua.
Trước khi được biết đến với biệt danh “Vua bóng đá”, người ta vẫn gọi ông là Pele, mặc dù nó chẳng liên quan chút nào đến tên thật của ông: Edson Arantes do Nascimento. Thậm chí, so với cái tên thân mật Dico mà các thành viên trong gia đình gọi cậu bé thích đá bóng này, nick-name Pele hoàn toàn xa lạ. Giai thoại về cái tên Pele có nhiều, nhưng có lẽ chính xác nhất là câu chuyện liên quan đến một thành viên của Vasco da Gama, CLB mà Dico thần tượng khi còn là cậu nhóc. Cầu thủ mà Dico thích nhất khi ấy là thủ thành Bilé, cái tên mà bọn trẻ vẫn đọc chệch thành "Pilé".
Huyền thoại Pele.
Năm lên 10 tuổi, Dico đã tự lập ra một đội bóng của riêng mình để đi thi đấu với những đội bóng của bọn trẻ con ở các khu lân cận. Một hôm, trong khi trận đấu trên đường phố đang diễn ra, một đứa trẻ bỗng hét lên gọi cậu là Pele! Tất cả những đứa khác cũng gọi theo. Dico không khoái cái tên này một chút nào, vì trong tiếng Bồ Đào Nha, nó chẳng có một ý nghĩa nào hết. Nhưng Dico càng không thích, lũ bạn ương bướng càng réo tên cậu là Pele. Đã có lần, cậu đánh lộn với một thằng bạn chỉ vì cậu cho rằng cái tên đó là một sự xúc phạm. Nhưng rồi cậu buộc phải chấp nhận và cái tên Pele sẽ theo cậu suốt cuộc đời, không chỉ trên sân cỏ mà còn cả trong cuộc sống. Cậu không thể biết rằng trong mấy chục năm sau, Pele sẽ trở thành một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Pele chơi cho Santos trong phần lớn sự nghiệp “quần đùi áo số”, và cùng với cựu thủ thành người Bồ Đào Nha Victor Baia, Pele trở thành một trong hai cầu thủ gặt hái nhiều danh hiệu nhất, ở cấp CLB. Ngoài ra, Pele còn là danh thủ duy nhất vô địch 3 kỳ World Cup, đóng vai trò chủ đạo trong chiến thắng của Brazil năm 1958 và 1970. Sau 92 lần khoác áo Brazil, Pele ghi được 77 bàn thắng, một kỷ lục vẫn chưa bị phá vỡ. Tổng cộng, “The King of Football” đã có 1281 bàn thắng trong 1363 trận thi đấu chính thức.
Ở kỳ World Cup 1958, Pele có được bàn thắng đầu tiên vào lưới xứ Wales tại tứ kết (bàn duy nhất của trận đấu), trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong VCK World Cup ở tuổi 17 và 239 ngày. Trong trận bán kết, Pele thậm chí còn ghi hat-trick vào lưới ĐT Pháp, giúp ông giữ danh hiệu cầu thủ trẻ nhất ghi hat-trick tại các VCK World Cup. Đến trận chung kết gặp Thụy Điển, Pele lập cú đúp, giúp Selecao đánh bại đối thủ với tỉ số 5-2. Bàn thắng đầu tiên của ông, được thực hiện khi Pele lốp bóng qua đầu một hậu vệ Viking rồi kết thúc bằng cú vô lê thẳng căng vào góc chết, được coi là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử cúp thế giới.
Thiên thần và Ác quỷ, nổi tiếng gắn liền với tai tiếng… đó là những gì đã biến Diego Maradona thành huyền thoại có một không hai trong làng bóng đá thế giới. Tốc độ, những cú dốc bóng lắt léo, khả năng khống chế bóng điệu nghệ và những pha độc diễn không tưởng của ông thậm chí còn không có trong bất kì một giáo án kỹ thuật nào. Sở hữu thể hình khiêm tốn, nhưng những bài học bóng đá trên những con phố nghèo ở thủ đô Buenos Aires đã dạy cho Maradona biết làm cách nào để chiến thắng những cầu thủ to lớn hơn mình: “Nếu không thắng được bằng sức mạnh cơ bắp, hãy sử dụng đôi chân và cái đầu”.
Thiên tài Maradona - huyền thoại của bóng đá thế giới
Mặc dù tài năng sớm được công nhận, nhưng cho đến năm 1982, khi World Cup được tổ chức ở Tây Ban Nha, Diego Maradona mới được tham gia đấu trường số một hành tinh này. Nhưng đây cũng chưa phải là dấu mốc lịch sử mà người ta nghĩ đến mỗi khi nói về ông. Hai bàn thắng trong trận đấu với Hungary chưa đủ để "cậu bé vàng" giúp cho Argentina thành công ở giải đấu năm đó. Chia tay World Cup 1982 một cách buồn bã, Maradona và các đồng đội hướng đến kỳ đại hội sau đó 4 năm ở Mexico.
Với 5 bàn thắng trong cả giải đấu, Maradona đã dẫn dắt đội nhà đến với trận chung kết lịch sử với người Đức. Ở đó, cũng chính sự xuất sắc của thiên tài này đã giúp các đồng đội đánh bại ĐT Tây Đức với tỷ số 3-2 và lên ngôi một cách đầy thuyết phục. Khi nói đến năm 86, những người yêu bóng đá nghĩ ngay đến Maradona, một cầu thủ kiệt xuất của bóng đá Argentina nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Một bàn thắng gian lận bằng tay vào lưới ĐT Anh (nhưng vẫn được NHM gọi là “Bàn tay của Chúa, “Bàn thắng thế kỷ”), sau đó là một pha độc diễn mà người ta vẫn nói là "độc nhất vô nhị" cho đến thời điểm này. 5 cầu thủ xứ sở sương mù trở thành trò hề trước mũi giầy của ông. Maradona - đứa con của Chúa - đã đi vào lòng người hâm mộ như thế.
Khả năng định đoạt số phận trận đấu của “cậu bé vàng” giúp ông trở thành một trong những cầu thủ hiếm hoi có thể chèo lái cả đội bóng, mang về một chức vô địch Argentina, một cúp Tây Ban Nha, hai ngôi Vua Serie A, một cúp QG Italia và một UEFA Cup. 3 danh hiệu sau cùng được ông gặt hái cho Napoli, CLB giống như tia sáng chói lòa sau màn đêm kể từ khi Maradona đặt chân đến. Trong màu áo Argentina, ông ghi dược 34 bàn sau 91 lần khoác áo trắng-xanh. Cùng với Pele, Maradona được bầu chọn là “cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20”.
Mặc dù không có được những yếu tố cần thiết mà một tiền đạo điển hình cần có, như chiều cao, khả năng tranh bóng trên không, sức mạnh càn lướt... Nhưng bù lại, Puskas lại sở hữu một chiếc chân trái vô cùng khéo léo. Ngoài ra, trung phong có biệt danh “chiến hạm bay” còn sở hữu tốc độ của một vận động viên chạy nước rút. Ông ghi tổng cộng 84 bàn thắng trong 85 lần khoác áo ĐTQG Hungary. Một kỷ lục mà Puskas đã giữ suốt thế kỷ trước. Nó chỉ bị phá vỡ bởi tiền đạo người Iran - Ali Daei vào năm 2003 (cầu thủ này đã ghi được 109 bàn thắng cho ĐTQG, nhưng phải mất đến 149 trận đấu).
Puskas với chiếc chân trái siêu phàm, trong buổi tập trước trận gặp ĐT Anh
“Siêu tiền đạo” Puskas là một thành viên quan trọng trong đội hình “siêu kinh điển" của ĐT Hungary và “kẻ thống trị” Real Madrid những năm thuộc thập kỷ 50-60 thế kỷ trước. Ở kì World Cup năm 1954, Puskas cùng Hungary gieo rắc "nỗi kinh hoàng" cho tất cả các đối thủ, trước khi dừng chân trong trận chung kết với ĐT Tây Đức - đối thủ mà họ đã từng đánh bại với tỷ số 8-3 ở vòng đấu bảng. Trước đó, Puskas đã dẫn dắt đội tuyển Hungary giành chiếc HCV Olympic1952 trước khi có chuyến vượt biển để tới sân Wembley đánh bại ĐT Anh 6-3 trong trận đấu được coi là đáng nhớ nhất của đất nước Đông Âu này.
Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Puskas đã gặt hái được vô số danh hiệu: 5 chức vô địch Hungary, 5 ngôi Vương Tây Ban Nha và 3 chiếc cúp vô địch châu Âu. Ông ghi 514 bàn thắng trong 529 trận ra sân, được ghi nhận là tiền đạo có hiệu suất ghi bàn cao nhất lịch sử bóng đá thế giới. Năm 1962, Puskas đã trở thành công dân Tây Ban Nha và cùng đội tuyển nước này tham dự World Cup trong năm đó.
Eusebio chính là tên tuổi vĩ đại nhất của bóng đá Bồ Đào Nha. Sinh ra ở Mozambique, Eusebio trở thành cầu thủ gốc Phi đầu tiên vươn tới tầm quốc tế ở vị trí tiền đạo trung tâm. NHM thường gọi ông là "con báo đen" vì tốc độ, sức mạnh và khả năng săn bàn bẩm sinh trước khung thành đối phương. Còn người Bồ Đào Nha coi ông như "viên ngọc đen" – quốc bảo của Seleccao. Eusebio đã làm nên thời kì vàng son cho Benfica những năm 1960, giúp đội bóng này không chỉ thống lĩnh các giải đấu trong nước, mà còn vươn cánh tay quyền lực ra tận châu lục.
Eusebio khiến đối thủ phải ngã quỵ trước mũi giầy của ông
Trong những năm "Viên ngọc đen" xứ Mozambique cống hiến cho "Những chú đại bàng" (biệt danh của Benfica), ông ghi được 727 bàn trong 715 trận khoác áo Benfica (có số liệu ghi 1137 bàn), trong đó có 317 bàn trong 301 trận chơi ở giải VĐQG. Ảnh hưởng to lớn của Eusebio đến thành công của Benfica được thể hiện rõ từ năm 1962. Khi vắng ông, đội ĐKVĐ cúp C1 đã thất bại 1-3 trong trận tứ kết lượt đi mùa giải 1961-1962 gặp Nuremberg. Với sự trở lại của Eusebio, Benfica đã có chiến thắng thuyết phục 6-0 trong trận lượt về.
Ở tuổi 20, ông đã trở thành nguồn cảm hứng sau chiến thắng của Benfica ở cúp C1 châu Âu, đặc biệt là 2 bàn trong trận thắng 5-3 trước Real Madrid hùng mạnh của huyền thoại Alfredo Di Stefano. Ông cũng cùng Benfica có thêm 3 lần nữa lọt vào chung kết cúp C1 dù không giành được chiến thắng (các năm 1963, 1965 và 1968). Với phong độ ghi bàn xuất sắc ở Benfica, Eusebio được bầu chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu" năm 1965, một năm trước khi đưa Bồ Đào Nha lọt tới bán kết World Cup 1966. Tới năm 1968, ông là người đầu tiên nhận giải thưởng "Chiếc giày vàng" dành cho cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất ở các giải VĐQG châu Âu. Ông cũng 7 lần là Vua phá lưới giải VĐ BĐN, giúp Benfica giành 10 chức VĐQG và 5 cúp QG.
"Der Bomber" – Kẻ dội bom – là biệt danh người ta dành cho Gerd Muller. Ông đóng vai trò không nhỏ trong những thắng lợi lịch sử của Bayern Munich và ĐT Đức, không hề thua kém "Der Kaiser" – Hoàng đế - Franz Beckenbauer. Tần suất ghi bàn của Muller trong màu áo cả hai đội bóng trên đều hết sức đáng nể,
Gerd Muller: Kẻ dội bom
Trong màu áo LB, Muller, Sepp Maier và Franz Beckenbauer đã đưa Bayern Munich trở thành một "thế lực" ở Bundesliga, bắt đầu từ năm 1965 (Kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3 và mang về chiếc cúp quốc gia Đức) Ở những mùa giải 1967, 1969 và 1971 họ tiếp tục đem về 3 chiếc cúp quốc gia. Cùng với "bộ ba siêu đẳng", Bayern Munich đã có được chiếc cúp vô địch nước Đức vào năm 1969, trước khi lập một cú hat-trick vô địch quốc gia trong 3 mùa giải liên tiếp vào các năm 1972, 1973 và 1974. Cũng vào giai đoạn đó, "Hùm xám" đã có được chức vô địch cúp C2 vào năm 1967, 3 chức vô địch C1 vào các năm từ 1974 đến 1976. Người góp công lớn nhất vào thời kì huy hoàng ấy không phải ai khác, ngoài Gerd Muller. Ông là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho CLB từ mùa giải 1964/65 đến 1977/78, đồng thời là "vua phá lưới" của Bundesliga không dưới 7 mùa giải mà ông thi đấu. Dấu mốc lớn nhất là 40 bàn thắng mà Gerd Muller ghi được ở mùa giải 1971/72. Cho đến nay đó vẫn là một kỷ lục mà chưa một cầu thủ nào phá được. Tổng cộng, ông đã ghi 582 bàn sau 669 trận cho Nayern.
Hiệu suất ghi bàn của “Kẻ dội bom” còn đáng sợ hơn ở khía cạnh ĐTQG, với 68 bàn thắng trong 62 trận đấu, góp công lớn vào chức vô địch châu Âu 1972 và World Cup 1974 của những cỗ xe tăng. Năm 1970, ông được bầu chọn Qur bóng vàng Ballon d'Or. 30 năm sau, Muller được trao tặng danh hiệu “cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại”, trước khi bị Ronaldo phá vỡ năm 2006 (Muller ghi được 14 bàn trong 2 kì World Cup, Ronaldo ghi được 15 bàn, nhưng phải mất 3 kì World Cup).
- Phong Hải (Tổng hợp)