Năm 2006 có thể là năm đẹp nhất đối với các tifosi nước Ý sau những giọt nước mắt cay đắng tại EURO 2000, tại USA 1994 khi lần đầu tiên sau 24 năm, Squadra Azzurri mới lại là một "cái gì đó" trong làng bóng đá thế giới.
Nhưng năm 2006 cũng lại là một năm... tồi tệ nhất với vụ scandal Moggiopoli làm rung chuyển cả Calcio, làm sụp đổ cả một tượng đài tưởng như không bao giờ đổ của Serie A, Juventus. Sẽ không ngoa khi nói rằng đó là quãng thời gian 365 ngày đầy thăng trầm của bóng đá Italia.
Moggi, Juve, Calciopoli & nửa bên kia tăm tối của Calcio
Scandal Calciopoli liên quan đến 4 CLB lớn (Juventus, AC Milan, Lazio, Fiorentina) đã làm rung chuyển cả nước Italia
Đã lâu nay, người ta quen với những lời xì xào về trọng tài này là... người nhà của Juventus, trọng tài kia là bạn thân của Luciano Moggi, quen với vô số câu bình phẩm đầy cay đắng sau trận đấu của các vị HLV thất bại: "Ngày hôm nay, chúng tôi thua vì đối phương (ám chỉ Juve) có đến... 15 người ở trên sân (thêm trọng tài chính và 2 trợ lý)", quen với nhiều nguồn tin khẳng định rằng có đến phân nửa số cầu thủ và HLV đang hành nghề trên đất Italia là thân chủ của GEA World.
Thế nhưng vào giữa thời điểm người ta nghĩ rằng Juventus sẽ tiếp tục thống trị Serie A, bố già Mafioso Moggi tiếp tục nắm Calcio trong lòng bàn tay của mình thì cái đế chế hùng mạnh đó bỗng nhiên sụp đổ một cách thảm hại và rất nhanh chóng.
Khi tờ Gazzetta dello Sport và Corriere della Sera đăng tải những trang đầu tiên trong tổng số... 272 trang giấy A4, trong đó, thể hiện toàn bộ nội dung những cuộc điện đàm giữa Moggi và những nhân vật quan trọng trong giới trọng tài Italia vào ngày 04/05/2006, đã có không ít người nghĩ ngay đến một kết cục "đâu lại hoàn đấy" cho vụ scandal lần này bởi nói cho đúng, đó là điều mà ai cũng biết từ lâu, chỉ có chưa nói ra mà thôi.
Nhân vật chính của scandal, Luciano Moggi
Tuy nhiên, mọi sự đã vượt ra ngoài sự tiên liệu của tất cả, có lẽ là thậm chí cả với những kẻ đã đứng đằng sau giật dây và đạo diễn cho tấn bi kịch lớn nhất của Calcio trong vòng hơn 20 năm qua (bằng việc tổ chức cho Telecom Italia ghi âm lại các cuộc điện đàm bằng di động của Moggi trong 2 năm qua). Cơn bão Moggi đã lôi tuột gần như mọi thành phần tinh hoa nhất của bóng đá Italia vào vòng xoáy của sự hỗn loạn.
Franco Carraro, Chủ tịch LĐBĐ Italia (FIGC), Innocenzo Mazzari, Phó Chủ tịch FIGC, rồi đến Adriano Galliani, Chủ tịch Lega Calcio (Ủy ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Italia) nối đuôi nhau lần lượt từ chức vì báo chí phanh phui ra những dính líu của họ trong cái gọi là scandal Moggiopoli hay Calciopoli.
Hơn 20 quan chức hàng đầu của giới trọng tài, từ người phụ trách công tác điều hành trọng tài tại Serie A, Pairreto cho đến những trọng tài đầy uy tín như De Sanctis hay Paparesta. Thậm chí hàng loạt ông chủ của các đội bóng như Della Valle (Fiorentina), Claudio Lolito (Lazio)... cũng đối mặt với những lời cáo buộc nặng nề.“Lão bà“ Juventus phải xuống chơi ở Serie B .....
Có một điều kỳ lạ ở vụ scandal này ở chỗ, đây là lần đầu tiên người ta công khai nói ra những gì mà họ biết từ lâu lắm rồi (!?) bởi đơn giản, Calcio xưa nay được vận hành trong bóng tối nhiều không kém ngoài ánh sáng. Thế mới có chuyện Inter của Simoni và Ronaldo bị từ chối scudetto 97/98 vì một quả penalty bị từ chối trong cuộc đối đầu với Juve, có chuyện Milan được bù giờ nhiều một cách không tưởng (đến gần 10 phút) trong trận trận đấu tại Serie A 04/05.
Nhưng sự trớ trêu của Calcio vẫn chưa dừng lại ở đó, mà nó còn được thể hiện ngay ở cái cách "công lý được thực thi như thế nào". Juve phải xuống hạng mà không ai phải nhỏ một chút thương xót nào, bởi đội bóng này xứng đáng phải nhận được hình phạt này cũng như chuyện họ bị tước mất 2 scudetto gần nhất. Cái làm người ta phẫn nộ nằm ở chính hình phạt này.
Juve không phải xuống Serie C1 như không ít kẻ dậm dọa ban đầu, họ chỉ phải xuống Serie B. Chưa hết, khi đã xuống Serie B rồi, người ta lại cố gắng tìm cách đưa nó trở lại Serie A nhanh nhất (đương nhiên, không "chối" như chuyện đưa Fiorentina thẳng từ Serie C2 lên Serie B với lý do đội bóng này là 1 phần của lịch sử Calcio) khi 2 lần giảm án phạt trừ điểm, từ 30 xuống còn 17 và bây giờ là 9, tạo điều kiện cho họ nằm trong tốp đầu của Serie B vào thời điểm này.
Cũng tương tự như vậy, Milan từ vị thế suýt phải xuống hạng đường hoàng trở lại và tham dự Champions League, Fiorentina và Lazio trở về từ Serie B (nơi họ không phải chơi trận nào trước khi được cho về lại Serie A), số điểm bị trừ giảm xuống mức tối thiểu và giờ thì cả 2 đang tràn trề hy vọng lọt vào tốp đua tranh Champions League năm sau.
.... còn Inter thành “kẻ thống trị“ tuyệt đối ở Serie A
Đến cả Inter Milan nữa. Hóa ra họ không "ngây thơ vô tội" như cái cách mà họ cố tỏ ra như vậy để đón nhận scudetto 05/06 trên trời rơi xuống. Báo chí đã phanh phui ra rằng Telecom Italia đã chủ ý ghi âm lại những cuộc điện đàm của Luciano Moggi theo yêu cầu của chính Massimo Moratti, một cổ đông của tập đoàn truyền thông này.
Guido Rossi, một người bạn thân của Moratti, kẻ được CONI ủy nhiệm lãnh đạo FIGC trong giai đoạn chuyển giao thời hậu Carraro, đã ra tay đẩy Juventus xuống Serie B, đã đột nhiên rời bỏ FIGC để về làm Chủ tịch... Telecom Italia, khiến cho người ngây thơ nhất cũng phải mường tượng về một kịch bản được đạo diễn hoàn hảo nhằm triệt hạ Juve (!?).
Bản thân Inter Milan cũng đang bắt đầu giống với Juve, khi hàng loạt đối thủ của họ tại Serie A đang la làng lên với những quyết định khó hiểu của các trọng tài nhằm có lợi nhất cho đội bóng xanh đen.
Calcio hậu Moggiopoli đã không sạch sẽ hơn, thay vào đó, có vẻ như nó chỉ chuyển giao quyền lực từ kẻ này (Juve, Milan) sang tay kẻ khác (Inter).
World Cup 2006, giấc mơ bỗng thành hiện thực
Trước vòng chung kết trên đất Đức, người ta chỉ nhắc đến Brazil với bộ tứ huyền ảo Kaka, Ronaldinho, Adriano và Ronaldo, đến điệu tăng-gô Argentina, rồi chủ nhà Đức, bất ngờ Tây Ban Nha, chứ không một lời nhắc đến đoàn quân Italia.
Khoảnh khắc vui sướng của cả đất nước Italia
Cũng đúng thôi, một Squadra Azzurri vừa thất bại thảm hại tại World Cup 2002 và EURO 2004 bất chấp những kỳ vọng trước giải, lại vật lộn sự xuống dốc về mặt tinh thần sau vụ scandal Calciopoli khủng khiếp khi HLV Lippi phải đối mặt với sức ép phải từ chức, khi 2/3 số tuyển thủ quốc gia là thành viên của Milan, Juve, Lazio và Fiorentina, những CLB đang trong tâm bão, khi Nesta, Zambrotta, Buffon... bị tố cáo có những hành động cá cược bất hợp pháp tại Serie A.
Nói một cách ngắn gọn như lời nhận định của Sepp Blatter: "Đừng có nói đến tên Italia, họ không xứng đáng có mặt ở đây (ám chỉ đến vụ scandal tồi tệ trong nước) huống chi đến việc góp mặt tại trận chung kết", Italia không còn được coi là một ứng cử viên vô địch.
Ấy thế mà kỳ tích đã được tái lập, giống hệt như 24 năm về trước. Tại Espana 1982, Enzo Bearzot với đội hình Italia được xem là yếu nhất trong lịch sử, với niềm tin xuống thấp nhất sau vụ scandal Totonero tống Lazio và AC Milan xuống hạng, với một chân sút vừa hết hạn treo giò, 2 năm không được thi đấu như Paolo Rossi. Nhưng Italia của Bearzot đã giành Cúp vàng thế giới.
Năm 2006, một câu chuyện thần kỳ như thế cũng đã xảy ra, nhưng không cần đến một người hùng như Paolo Rossi, thay vào đó, toàn bộ 23 tuyển thủ Italia đều là những người hùng, ngay cả Marco Amelia, người duy nhất không được ra sân một phút nào trong cả chiến dịch World Cup.
Lippi đã thổi ngọn lửa chiến thắng vào những tân binh đang khát khao như Grosso, Luca Toni, Andrea Pirlo, Iaquinta, đã giúp những cựu binh quen thất bại như Del Piero, Totti... quên đi mặc cảm. Và chặng đường đi của Italia cũng không hề phẳng lặng.
Họ đã phải chiến đấu để vượt qua khắc tinh Guus Hiddink và Australia ở vòng 1/8 nhờ một khoảnh khắc láu cá của Fabio Grosso cùng cú sút penalty lạnh lùng của Totti ở phút 95. Vào đến trận chung kết, họ lại phải chịu đựng sự bất công của số phận với cú ngã có phần hơi láu cá của Malouda để sớm lâm vào cảnh phải bám đuổi.
Materazzi: Tên "đồ tể" đáng ghét bỗng chốc biến thành người hùng của dân tộc
Nhưng cái kịch bản sụp đổ như tại trận CK EURO 2000 đã không diễn ra khi có người hùng Materazzi, người đã có công ghi bàn gỡ hòa cũng như tận dụng cái bài mà bất cứ hậu vệ Ý nào cũng rất thạo: khiêu khích để Zidane phải nhận thẻ đỏ để ra sân.
Thậm chí sự bất công còn diễn ra ngay cả khi họ đã chiến thắng, đã đứng trên bục nhận Cúp vàng như chuyện Sepp Blatter từ chối làm nghĩa vụ mà mọi Chủ tịch FIFA cần phải làm: ông đùn đẩy cho Chủ tịch UEFA, Lennart Johansson trao Cúp cho đội tuyển Italia.
Tuy nhiên, dù có không ít người nói ra, nói vào, nhưng Italia vẫn là nhà ĐKVĐ thế giới, và trong 4 năm tới, mọi thành viên của Squadra Azzurri vẫn tự hào với ngôi sao vàng thứ tư vừa xuất hiện trên ngực áo của họ.
Italia xứng đáng nhận được sự tôn trọng bởi cái cách họ đã vượt qua sức ép tệ hại của Calciopoli, bởi điều mà họ đã làm được là chiến thắng trong khi Brazil, Argentina hay Tây Ban Nha đều không thể làm.
Quả thật, năm 2006 là một năm đầy vinh quang cũng như đầy cay đắng đối với Calcio, với bóng đá và con người Italia!
(Theo VTC)