Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Vũ Như Thành: Những giai thoại về một "huyền thoại"

Thứ Sáu 21/06/2013 05:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tôn trọng, nể, sợ và tránh… càng xa càng tốt, một giai đoạn dài, Như Thành bị xem như một loại virus dễ lây nhiễm. Có hẳn những giai thoại về một trong những sản phẩm ưu tú bậc nhất (nếu không muốn nói là hay nhất) thế hệ cầu thủ 8X, Vũ Như Thành, và cho đến lúc này, nó vẫn không ngừng được thêu dệt như truyện Ngàn lẻ một đêm ở xứ Ba Tư.

Vẫn có câu: “Chỉ có huyền thoại mới sinh ra những giai thoại” và ngược lại. Tuy nhiên, tất cả đều không mong đợi cái cách mà cựu trung vệ Thể Công (cũ), đội tuyển Việt Nam và câu lạc bộ Xi măng Vicem Hải Phòng (XMV.HP) trở thành huyền thoại.

Huyền thoại & giai thoại

Thành “kếu” người gốc Nam Định, có thời gian sinh sống tại Đức và trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công. Với khả năng và tư duy chơi bóng vượt trội, Như Thành là một trong những ngoại lệ hiếm hoi trong lứa của anh, được đôn lên đội một từ rất sớm. Hai mươi hai tuổi, Thành đã là đội trưởng U23 Việt Nam, chuẩn bị SEA Games 22 trên sân nhà, nếu như không có biến vào phút cuối (JVC Cúp 2003 tại sân vận động Mỹ Đình)…

Nghi án tiêu cực và án phát được đưa ra rất nhanh. Một mình Thành đứng mũi chịu sào, khi những người có trách nhiệm với sự tồn vong của nền bóng đá cũng ý thức luôn rằng, nếu làm tới, chúng ta sẽ không còn đủ quân khi SEA Games 22 đã cận kề. Cú ngã đau đớn đầu tiên, báo hiệu một tương lai đầy giông bão với Vũ Như Thành. Nhưng, bất luận thế nào, Thành vẫn là hàng hiếm và vào thời điểm đó, anh mới chỉ bước qua tuổi 20.

Năm 2006, Thành ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Becamex Bình Dương (B.BD) và dùng làm của để dành, đợi mãn hạn treo giò sẽ sử dụng. Huấn luyện viên Lê Thụy Hải không phải là người phát hiện và đào tạo Thành, nhưng rõ là có con mắt nhìn người. Ở khía cạnh chuyên môn, với tư duy chơi bóng cấp tiến, Thành “kếu” là số một. Tầm ảnh hưởng lên lối chơi tập thể, cùng những tác động hậu trường, cũng không ai qua mặt Như Thành…

Có lẽ không cần phải nhắc nhiều đến giai đoạn thăng hoa của Như Thành với B.BD, cũng như đội tuyển Việt Nam (từ năm 2006 tới 2009) nữa. Năm 2010, trận đấu giao hữu quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và Olympic Brazil (với đầy đủ những danh thủ như Ronaldinho, Anderson…), trên khán đài sân Mỹ Đình vẫn còn một nhóm Thể Công, rất chân phương, với biểu ngữ: “Thành “kếu” ơi, ông là số 1”. Một chi tiết rất đáng lưu tâm.

AFF Cup 2010, giải đấu mà đội tuyển Việt Nam là những người mang danh bảo vệ danh hiệu, chính là dấu chấm hết cho Như Thành, bởi cũng từ đây, huyền thoại trượt dài cùng những giai thoại. Trên một tờ báo chuyên ngành, Như Thành đã từng thừa nhận, anh có tham gia cá cược bóng đá quốc tế qua mạng và chuyện nợ nần là có thật. Nhiều ý kiến cho rằng, Thành “ảo”. Nhưng: “Còn người còn của”, Thành vẫn tự nhủ mình còn trí tuệ và sức lao động. Có điều…

Càng cố, càng chơi, Thành càng lún. Từ cờ bạc, đến bay lắc, đập đá và đương nhiên, không thể thiếu chuyện vay giật, lãi mẹ đẻ lãi con. Đấy là Như Thành, cầu thủ từng là thần tượng của một bộ phận giới quần đùi áo số đương đại. “Chơi như anh ấy mà vẫn có thể đá bóng được, thì đúng là tài thật. Tôi chỉ phục mỗi Như Thành”, những ý kiến phát biểu của đồng đạo, nghe chừng rất bùi tai. Từ “huyền thoại” lúc này mới đúng theo cả nghĩa đen và bóng của nó.

Năm 2009, khi Thành chia tay B.BD, đội bóng mà anh vừa ký hợp đồng cống hiến trọn đời không lâu trước đó, để chuyển về đầu quân cho Vissai Ninh Bình, với lý do là anh muốn thi đấu gần gia đình, sau bao năm bôn ba?! Rất nhiều người đã cười mỉm cái lý rất ư trẻ con ấy. Thực tế là một câu chuyện khác. Thành cần tiền, thậm chí là rất cần tiền, cho những thú vui “tao nhã” mà một thời gian dài, cầu thủ vẫn rỉ tai nhau là “thời thượng”.

Dù đồng đội Thế Anh đã hộ tống giúp Thành đem cả bao tải tiền vào đất Thủ để mua lại hợp đồng cũ, nhưng con số âm lại được cho là còn hơn 2 tỷ đồng. Sau này, biết Thành dính nợ nần, lãnh đạo B.BD không truy thu nữa mà cho luôn. Chưa có con số chính thức về giá trị bản hợp đồng mà Thành ký với Vissai Ninh Bình (đợt một), nhưng chắc chắn không dưới 10 tỷ đồng. Cho đến đầu mùa giải năm ngoái, khi Thành có ý định ra đi, tiền đền bù vẫn rơi vào khoảng 3 đến 5 tỷ đồng.

Những giai thoại về Như Thành thì nhiều không đếm hết, với triết lý số đông. Tất cả đều bắt đầu từ chữ TIỀN, sau đó là THÚ VUI và kết cục luôn là điều tiếng xấu, rất xấu. Căn nhà riêng mà Thành mua ở mạn Lê Văn Sỹ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng trôi sông trôi biển tự bao giờ, rồi vụ chiếc xe Porsche... Từ Hoa Lư (Ninh Bình), đến Lạch Tray (Hải Phòng) và thậm chí vào cả TP.HCM, luôn có vài gã bặm trợn đội mũ lụp xụp theo sát chân Thành, hỏi có mệt mỏi không?

Đã biết đến nhục, đến vinh?

Ngày còn chơi cho Vissai Ninh Bình, có khi cả tuần Như Thành (và tổ bay) không có mặt tại đại bản doanh câu lạc bộ, nhưng cuối tuần vẫn ra sân đều như vắt chanh. Vì nhiều lý do, các huấn luyện viên ở Vissai Ninh Bình buộc phải sắp Thành đá, nhưng cơ bản là, Thành cần những trận đấu để chứng minh rằng mình vẫn tồn tại. Cũng trong giai đoạn này, Thành rơi xuống đến tận đáy. Chuyện mượn tạm vài người bạn hay đồng đội thân một đôi triệu tiêu vặt, cũng là một giai thoại khác.

“Đến lúc này, điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là đã không dứt khoát, chuyển về Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Kiên (chủ tịch Nguyễn Đức Kiên) hồi đầu mùa giải 2012. Với 7 tỷ đồng tiền phí lót tay khi ấy, một nửa để mua lại hai năm hợp đồng của Vissai Ninh Bình, nửa còn lại tôi vẫn làm được khối việc. Cơ hội để bạn làm lại đôi khi chỉ đến một lần trong đời”, Thành nói ngắt quãng. Thành tiếc thời vàng son hay vẫn tiếc một cơ hội kiếm thêm bị bỏ qua?!

Chuyển về XMV.HP, nhiều ý kiến cho rằng Thành vẫn còn may, khi ở tuổi “băm” vẫn còn kiếm được một bản hợp đồng tiền tỷ, thời điểm mà bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ đang chịu cơn bão tài chính và khủng hoảng trên diện rộng. Nhưng vấn đề là Như Thành có thực sự muốn làm lại, hay vẫn chỉ những tiếc nuối, ăn mày dĩ vãng? Nếu ngay lúc này, Thành “kếu” biết cách khoanh vùng nợ cũ, có thể vẫn còn kịp, bởi không phải tất cả đều quay mặt với Thành!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X