Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Van Persie: Chất xúc tác cho mùa giải thăng hoa

Thứ Sáu 22/02/2013 09:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu quay trở lại thời gian một năm trước, chắc thậm chí tôi còn không nghĩ rằng Robin van Persie sẽ nằm trong bộ nhớ của tôi khi viết về Manchester United. Thế mà giờ đây, cái tên Robin Van Persie trở nên quen thuộc với tôi, với tất cả các CĐV United.

Tháng 5/2012, United kết thúc trận đấu cuối cùng trong tâm trạng hồi hộp và đầy cảm xúc. Phút 89, Man City đang tuyệt vọng khi tỉ số vẫn là 2-1 nghiêng về QPR. Trên sân Ánh Sáng của Sunderland, những chiếc tai nghe, điện thoại luôn được túc trực chờ tin vui từ Etihad. Để rồi cái đầu của Edin Dzeko và đặc biệt là khoảnh khắc thiên tài của Aguero đã nhấn chìm những cố gắng và hi vọng lật ngược thế cờ của thầy trò Sir Alex Ferguson.

M.U đang sở hữu hàng công mạnh với nhân tố Robin van Persie
 

Từ cái khoảng cách 8 điểm tưởng chừng như xa vời ấy, Man City đã lầm lũi tiến lên và cuối cùng đạt được chức vô địch sau gần mấy chục năm chờ đợi. United đã thất bại bằng sự chủ quan, thứ đáng lẽ không có trong đầu của các cầu thủ Man United khi bước vào những vòng cuối. Sự bẽ bang hiện lên trên những khuôn mặt tiếc nuối và đau đớn của các cầu thủ, CĐV United trên sân The Light. Họ thậm chí đã chuẩn bị băng rôn, chương trình ăn mừng từ hơn 1 tháng qua. Để rồi, những CĐV Mèo Đen đã lại xát muối vào trái tim đầy tổn thương của Quỷ Đỏ bằng những tiếng hô vang Man City trên khán đài.

Tháng Năm năm ấy, 30 ngày mùa hè đã cho Manchester United đầy đủ thứ cảm xúc từ hạnh phúc, vui sướng vỡ òa, thất vọng và chìm nghĩm trong sự đau đớn. Một mình Rooney không thể giúp cho United chiến thắng, những tính toán của Sir Alex đã mang âm hưởng của tuổi già bằng những sai lầm ở những trận cuối. Trái ngược với Man City với những cảm xúc vô địch mà cách đây 4-5 năm có nằm mơ họ cũng chẳng nghĩ đến, hệt như một đứa trẻ sung sướng khi đi được những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Họ sung sướng đến nỗi mà C. Tevez còn cười tươi với tấm biển R.I.P Fergie, sự việc mà cả thế giới lên án El Apache. Nhưng người United không dễ đầu hàng như vậy. Những kế hoạch đã được vạch ra, nhưng mục tiêu đã được khoanh tròn và đánh dấu đỏ, tất cả cho mục tiêu vô địch thứ 20 và đưa gã hàng xóm ồn áo Man City trở lại vị trí đúng với chính họ.

Thành London cũng mở hội. Không chỉ vì Chelsea đã phủ màu xanh của mình lên toàn cõi châu Âu bằng sự phi thường và quả cảm. Ở London còn là một Arsenal dường như đã tìm được người kế vị xứng đáng cho Thiery Henry một thời, đó chính là Robin Van Persie. 38 bàn thắng của anh đã giúp Arsenal kết thúc ở vị trí thứ 3, khiến cho Arsene Wenger vẫn còn đó chút ít danh dự sau hơn 7 năm trắng tay. Trong một mùa giải mà chấn thương đã không còn là nỗi sợ của anh, cùng với đó là việc thay đổi vị trí xuất phát khiến cho anh bùng nổ dữ dội. Người ta đã quá quen với một Robin đã dạt cánh để hỗ trợ cho những Henry, Aderbayor… để rồi khi được đá trung phong, bản năng sát thủ đã ngủ quá lâu khiến anh trở nên đáng sợ…

Sẽ chẳng một CĐV Quỷ Đỏ hay một CĐV Arsenal nghĩ rằng giữa họ sẽ có một vụ trao đổi khi sự hân thù giữa hai đội là không thể chối cãi. Sự cạnh tranh của Sir Alex và Arsene Wenger hơn 15 năm qua đã là quá đủ cho sự hận thù ấy, dẫu rằng nhưng sự trỗi dậy của Chelsea và Man City góp phần khiến cho cuộc cạnh tranh ấy bị xóa nhòa trong mắt nhiều người. Nếu cần thêm dẫn chứng? Vieira-Keane hay những lần đụng độ nảy lửa mấy chục năm qua có lẽ đã đủ. Hãy bỏ qua cái tên Silvestre đi, vì đó có chăng chỉ là một vụ CN tự do không mang nặng tính chuyên môn. Để rồi, khi Van Persie trở thành Quỷ Đỏ, cả thế giới phải kinh ngạc… há hốc miệng tự hỏi cái gì khiến tạo nên điều “đặc biệt“ như vậy.

Sự đặc biệt trong một logic cũ mèm của Arsene Wenger. Cứ mỗi mùa chuyển nhượng qua, người Arsenal lại bắt đầu làm một công việc đau đớn: thống kê những ai đã ra đi, và sực mình ngộ ra rằng những đội trưởng của họ cứ lần lượt bỏ đi màu áo đỏ trắng truyền thống để khoác lên một màu áo khác, vinh quang hơn. Nhưng Vieira, Henry, Fabreagas... đã ra đi theo cách như thế. Arsenal đã nhận được rất nhiều tiền, gấp 70 lần số tiền 500 nghìn Euro rẻ mạt để đổi lấy 35 triệu của Barca cho Fabregas... Nhưng Van Persie thực sự khác, rất khác, chuyển tới đầu quân cho kình địch Man United với cái giá 24 triệu bảng.

Khi vụ CN được chính thức thông qua, người United ra sức bảo vệ cho Persie tránh khỏi sự uất hận và tù địch ở thành London. Người ta đề cập đến sự cống hiến, lòng trung thành của anh đã thi đấu cho Arsenal kể từ khi là một cậu nhóc chân ướt chân ráo chuyển đến Arsenal từ Ferenord Rotterdam. Nhưng cá nhân tôi thì nghĩ rằng, sự công bằng của Persie nó hoàn toàn khác xa với Fabregas hay Henry, Vieira, thậm chí chính xác hơn Persie chính là một Judas chính hiệu. Sự ra đi của chàng trai ấy không phải là cái cách mà NHM Arsenal đã chấp nhận với thứ tình yêu được hun đút từ một cậu nhóc với Barca của F4 hay sở thích chinh phục của Henry, đó chính là sự hận thù dành cho anh. Họ không thể chấp nhận một con người mà mới mấy tháng trước còn tung hô như thánh bỗng chốc khoác lên một màu áo không đội trời chung. Họ đã đốt áo, đã nguyền rủa, đã thầm cầu cho anh chấn thương hay chết đi. Cảm xúc ấy, ai cũng có thể giải thích và cảm thông cho họ.

Ngày 03/11/2012, Old Trafford chứng kiến khoảnh khắc Van Persie gặp lại đội bóng cũ. Những cái ôm trìu mến trong đường hầm cũng chẳng thể thay thế cảm giác hồi hộp của Van Persie và những con người bên phía Arsenal. Những cái bắt tay xã giao không thể che giấu hay làm dịu đi được thứ cảm xúc thù hận của những CĐV Arsenal ở phía khán đài. Trách sao được những con người đó, khi Arsenal của họ vẫn đang chìm trong nỗi thất vọng còn United lúc ấy vẫn đang lên đỉnh cùng Van Persie.

Phút thứ 3, mành lưới Arsenal rung lên sau pha ghi bàn của anh. Nhưng mặc kệ cho những cảm giác phấn khích trên sân, cho cái thái độ ăn mừng đè đầu thường thấy của Rooney, anh giơ tay lên trời và im lặng. Anh bước đi chậm rãi, mặc kệ những âm thanh hò reo sung sướng của đồng đội. Tôi tự hỏi trong cái khoảnh khắc đó, những người nguyền rủa anh sẽ nghĩ gì. Sẽ tiếp tục nguyền rủa anh hay ân hận về một điều gì đó? Hãy nhìn đấy, thứ tình yêu được hình thành với Arsenal của anh là không thể chối cãi. Tôi tự hào bởi anh đã là một Quỷ Đỏ, nhưng cũng hạnh phúc khi tính cách anh, một tính cách rất đàn ông được hình thành từ Arsenal. Cảm ơn họ đã tạo ra một VPS hoàn hảo đến vậy, cả về tài năng lẫn tâm hồn.

Arsenal hận anh. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài cho thứ cảm xúc bất lực trong mỗi tâm hồn yêu Arsenal. Họ hận anh vì anh đã bỏ qua 8 năm ở Arsenal, bỏ qua những NHM, công sức của GS đào tạo nên. Nhưng anh đã 29 tuổi, anh phải đi tìm một đỉnh vinh quang cho mình. Anh đã cống hiến quá đủ cho một Arsenal thực dụng trong tài chính, khi vinh quang được đong đếm bằng những con số % lãi từ hoạt động kinh doanh hơn là những chiếp Cup vô địch. Italia đã từng là một mảnh đất hứa, nhưng xứ sở mỳ ống ấy chưa bao giờ là điểm dừng chân vinh quang của những cầu thủ NHA. Anh không hề đắn đo giữa Man City và Man Utd, vì không muốn khiến hình ảnh của mình trở nên tệ hại như cách Aderbayor và Nasri đã thể hiện. Những thứ cảm xúc trơn tuột khi ăn mừng bàn thắng của Aderbayor hay Nasri sẽ chẳng thể lớn hơn được một cái giơ tay đầy nhẹ nhàng của VPS. Mãi mãi là thế!

Hình ảnh Van Persie ôm GS Wenger có lẽ sẽ mãi được nhắc đến. TÌnh cảm trong 8 năm qua đâu dễ vứt đi một cách dễ dàng như vậy. Những nụ cười xuất hiện trên môi cả hai như để khẳng định rằng, họ sẽ mãi là thầy trò, dù cho United và Arsenal có thù địch đi chăng nữa. Tôi tin, nhiều CĐV cũng sẽ hiểu anh... dù sớm hay muộn...

(Theo Bongda)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X