Sau chiến thắng trước Đông Timor, liệu chuyên gia người Đức đã chọn cho mình một lối chơi hợp lý hơn hay tiếp tục với những bài tấn công biên rồi tạt bổng vào cho các chân sút chỉ cao trên 1,7m dứt điểm bằng... đầu?
U23 Việt Nam đánh biên thế nào?
Hiện tại, người cao nhất trên hàng công của U23 Việt Nam là tiền đạo Tuấn Anh khi sở hữu chiều cao gần 180cm, nhưng chân sút đang đá cho Đồng Nai lại không được ra sân thường xuyên.
Hoàng Thiên, Văn Thắng thấp hơn so với đồng đội vài cm, khi cùng cao 175cm, đó là những cầu thủ có chiều cao tốt nhất trên hàng công của U23 Việt Nam.Sau môt thời gian tiếp cận BĐVN, HLV Goetz đã tìm ra chiến thuật phù hợp?
Phần còn lại, thấp hơn rất nhiều, thậm chí Thành Lương chỉ là 165cm, hay Đình Tùng nhỉnh hơn một chút. Nói thế để tự chúng ta nhìn vào và đặt câu hỏi rằng với những bài tấn công biên, và tạt bổng vào trong liệu cơ sở để thành công là bao nhiêu?
Không thể trả lời ngay được, nhưng với dẫn chứng 4 bàn thắng hiện ghi được (không tính pha đá phản lưới nhà của Philippines) tất cả đều không phải ghi bằng đầu.
Hoặc, 3/4 pha ghi bàn hiện tại cũng không xuất phát từ những bài tấn công biên. Văn Quyết nhận bóng từ pha chuyền tầm thấp của Thành Lương và dứt điểm vào góc cao và xa.
Văn Hoàn ấn định chiến thắng cho U23 Việt Nam trong trận đấu với Đông Timor cũng ở 1 pha tấn công với bài phối hợp nhỏ cùng đồng đội Trọng Hoàng.
Bàn thắng của tiền vệ mang áo số 8 của đội bóng áo đỏ, có hơi hướm một chút trong các bài tấn công thường thấy của U23 Việt Nam, đó là từ biên Văn Hoàn chuyền dài rồi khống chế và dứt điểm, nhưng cũng lại... bằng chân.
Nói đến tất cả điều đó để thấy rằng rõ ràng các bài tấn công thường thấy đó mà HLV Falko Goetz yêu cầu các học trò thực hiện hiệu quả là rất thấp, chưa kể những pha tạt bóng thành công cũng không hẳn là cao, chứ chưa nói đến việc tận dụng được những cú tạt từ biên như thế hay không.
Đá nhỏ, tại sao không?
Chuyên gia kỳ cựu, đồng thời cũng là cầu thủ Vàng của bóng đá Việt Nam, ông Lê Thế Thọ đã từng hỏi các học viên của lớp HLV rằng "nếu tấn công biên không được thì làm thế nào?". Tất cả đều ngồi im và không tìm được câu trả lời.
Rất đơn giản, cựu danh thủ này đã trả lời hộ các học trò "Tấn công biên không được, thì đương nhiên phải vào đánh trung lộ thôi". Đó là một giai thoại, nhưng rõ ràng đáng để thuyền trưởng U23 VN tham khảo vào lúc này.
Và có một thực tế khác, gần như các ông thầy ngoại khi đến Việt Nam đều rất muốn đội bóng mình dẫn dắt chơi theo kiểu thiên về sức mạnh, và đương nhiên HLV Falko Goetz không phải là ngoại lệ.
Nhưng, rõ ràng sức vóc và chiều cao của các cầu thủ Việt Nam nói chung và U23 nói riêng là rất khó có thể chơi như thế. Tất cả đều phù hợp với lối đá nhỏ, nhanh hoặc có ra biên là những đường tạt bóng tầm thấp mà thôi.
Không phải vô cớ mà nói vậy, cứ nhìn vào thời điểm mà U23 Việt Nam phá nát hàng thủ của Đông Timor ở trận đấu đã qua thì đủ thấy. Rất nhiều những pha đan lát, chuyền ngắn và chơi 1 chạm.
Bàn thắng kết liễu của Văn Hoàn là một điển hình, chưa kể đến hàng tá cơ hội của Hoàng Thiên, Văn Quyết chẳng hạn. Thế thì tại sao lại không chơi như thế, khi chúng ta có sở trường ở cách đá đó, có con người đủ kỹ thuật để làm điều đó?
Mỗi HLV có một trường phái, và có trách nhiệm xây dựng lên lối đá cho đội bóng của mình. Nhưng, rõ ràng phải phù hợp với tố chất của từng nền bóng đá.
Như cái cách Brazil, Argentina... không thể chơi theo kiểu "Kich and Run" như người Anh, hoặc Tây Ban Nha chỉ có thể "phát" nhờ cách đá đặc trưng tiqui-taca vậy.
Thế thì tại sao cứ phải chơi biên và tạt bổng?
(Theo Vietnamnet)