Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

U23 Việt Nam: Nỗi lo hàng phòng ngự

Thứ Tư 16/11/2011 09:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khi Bửu Ngọc xuất hiện trong khung gỗ (lấy vị trí của Tuấn Mạnh), người xem có cảm giác yên tâm hơn rất nhiều, rõ nhất bởi Ngọc không có biểu hiện dính trạng thái. Tuy nhiên, vị trí thủ môn nói riêng và tuyến phòng ngự của U23 VN nói chung vẫn cần phải cải thiện, bởi sự thật là chúng ta ít (thậm chí là chưa) phải chịu một sức ép đủ lớn bên phần sân nhà, kể từ khi bảng B khai cuộc.

Môi hở thì răng lạnh

Vị trí trong khung thành là rất đặc biệt, với sự ổn định là ưu tiên số một và nếu không dính “phốt” thực sự nặng, sẽ rất ít có sự thay đổi. Thế nên việc BHL mạnh dạn gạt bỏ Tuấn Mạnh, người đã kinh qua 2 giải đấu tập huấn ở TP.HCM và Hà Nội, chỉ sau trận đấu với U23 Philippines, cho thấy BHL thực sự thức thời (trong mối quan hệ công việc, HLV Goetz đặc biệt tôn trọng vai trò của trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Văn Phụng - PV). Tạm thời, Bửu Ngọc đã chứng tỏ anh là sự lựa chọn an toàn hơn. Nhưng chỉ là so với Tuấn Mạnh, chứ bản thân thủ thành này cũng không phải là không có những vấn đề.

HLV Goetz đã rất kiên nhẫn để chờ đợi sự trở lại của Long Giang (3)

Như đã nhắc ở trên, Bửu Ngọc giữ được trạng thái tâm lý tốt hơn so với Tuấn Mạnh và đó là lý do anh liên tục bắt chính cho U23 VN cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, chúng ta chưa một lần được chứng kiến những cú phát động tấn công nhanh theo kiểu một phát ăn ngay từ vị trí của thủ thành người Đồng Tháp. Nguyên nhân có thể vì thân trên hơi đồ sộ nên làm ảnh hưởng đến kỹ năng xử lý bóng bằng chân của Ngọc. Ngoài ra, trong những tình huống cần phải giải vây, Bửu Ngọc cũng luôn cần đến nhiều hơn một điểm chạm.

Những phút cuối trận đấu với U23 Myanmar, lối chơi của U23 VN có phần hoảng loạn. Khi lần lượt các bàn thắng bị từ chối, thì ở tuyến dưới, Huỳnh Phú và Lâm Anh Quang cũng không ít lần mắc sai lầm, chuyền bóng vào chân đối thủ. Môi hở răng lạnh, đương nhiên khung thành của Bửu Ngọc phải đặt trong trạng thái báo động. Đã một lần Ngọc đứng chôn chân sau cú đá phạt hàng rào của U23 Myanmar (với pha phạm lỗi của hậu vệ U23 VN), rất may là bóng tìm đến điểm nối xà ngang và cột dọc.

Kỳ vọng Long Giang

Anh Quang có thể là một trung-vệ-tấn-công (như libero cổ điển của bóng đá Đức) có triển vọng, nhưng chơi “dập” lại chưa thật tròn vai. Không ít lần Quang đỡ hụt bóng, chuyền hỏng và không theo kịp tiền đạo đối phương (2 trận gặp Myanmar và Timor Leste là những minh chứng tiêu biểu). Trong khi đó, dù nhận được sự nhất trí cao của BHL, nhưng Huỳnh Phú cũng không khá hơn. Cũng như Quang, Phú thích nhô cao, khiến có thời điểm trước mặt khung thành U23 VN cứ trống hoác.

Rất may khi vào thời điểm cần nhất, Long Giang đã trở lại. Dù khó thể chơi với 100% khả năng tốt nhất, nhưng trung vệ N.SG là sự khác biệt rất lớn so với phần còn lại, với phong thái đĩnh đạc, đọc tình huống cực tốt. Nếu như cả Anh Quang và Huỳnh Phú đều không có thiên hướng đá “thòng” (bọc lót và chỉ huy hàng phòng ngự), thì Long Giang đã và đang là số một ở các ĐT “U” cho vai trò này. Với những phẩm chất bổ trợ cho nhau rất tốt, Giang và Huỳnh Phú có thể hơp với nhau thành 1 tấm lá chắn thép ở hàng phòng ngự.

Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Bởi không ai chắc Giang có thể chơi tốt ngay khi trở lại và duy trì được phong độ cao cho tới hết giải. Trường hợp của Long Giang khiến chúng ta không thể không nhớ tới chuyện xảy ra với Trọng Hoàng ở SEA Games 25 trên đất Lào. HLV Henrique Calisto năm đó đã phải rất kiên nhẫn chờ Hoàng bình phục chấn thương, vì vai trò của cầu thủ người Nghệ An là quá quan trọng. Nhưng, Hoàng cũng chỉ chơi tốt được một trận đấu (thắng U23 Malaysia 3-1 ở vòng bảng), còn lại mờ nhạt cho tới hết giải.

Như Calisto, HLV Goetz cũng đã đặt trước một chỗ cho Long Giang ở hàng thủ. Đó là một lựa chọn đúng. Chỉ hi vọng Giang sẽ không như Hoàng khi xưa, và trung vệ này sẽ vá kín mọi lỗ hổng trong bức tường phòng ngự của U23 VN tại SEA Games 26.
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X