Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

U23 Việt Nam: Những “sát thủ” bỗng dưng… đầu mưng mủ

Thứ Bảy 26/11/2011 07:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bộ khung chính rung rinh liên tục, chưa xác định được lối chơi, việc tổ chức giải tiền SEA Games một phần để lộ hết bài vở… đã khiến các sát thủ U23 VN đầu bỗng nhiên “mưng mủ” khi vào giải.

Có vẻ khác so với những người tiền nhiệm, ông Falko Goetz không quá chú trọng thành tích của U23 Việt Nam ở các giải đấu tập huấn như Cup TP.HCM, VFF Cup. Ông tung ra sân tất cả các tuyển thủ, đặt họ vào một guồng máy kiểm tra trước các đối thủ khác nhau hòng tìm ra một bộ khung ưng ý và một lối chơi thích hợp.

Nhưng đến SEA Games 26, các đối thủ của U23 Việt Nam dù được đánh giá mạnh yếu khác nhau thì trên thực tế đã đặt ra nhiều bài toán vừa lạ, vừa khó cho thầy trò ông Goetz.

Ở SEA Games 26, Thanh Trung không có suất đá chính

Trước hết là việc gọi vào đội tuyển một loạt các cầu thủ ngoại gốc nội đang thi đấu ở các nền bóng đá phát triển trên thế giới của Philippines, Đông Timor đã làm cho lối chơi của họ tiến bộ đáng kể. U23 Việt Nam dính đòn phòng ngự phản công trong trận mở màn gặp Philippines, gặp vô vàn khó khăn trong 20 phút nguyên vẹn đội hình của Đông Timor.

Và nói trắng ra, việc tiền vệ chơi rất hay ở HP.HN là Đinh Thanh Trung mất suất đá chính lẫn dự bị trong 4 trận đấu quan trọng sau này của U23 Việt Nam vừa rồi một mặt do phong độ chưa thuyết phục nhưng cũng có nguyên nhân gián tiếp và sự cao lớn, khỏe mạnh của cầu thủ Philippines và Đông Timor cao lớn…khiến Trung lúng túng!.

Những khác biệt, bất ngờ và những diễn biến sau đó khiến ông Goetz không thể tung ra một bộ khung ưng ý so với ban đầu và kết quả ăn tập ròng rã mấy tháng trời.

Ông Goetz tin, rồi không tin, không tin rồi lại tin dùng một số cầu thủ, khiến bộ khung cứ… rung rinh liên tục.

Một sai sót khiến đội nhà bị dẫn bàn trong trận mở màn gặp Philippines khiến thủ môn Tuấn Mạnh mất suất vào tay Bửu Ngọc. Phải đến khi thủ môn người Đồng Tháp bị chấn thương, Tuấn Mạnh mới được xỏ găng từ đầu trong trận tranh HCĐ.

Tiếp đó là Thanh Trung được đá chính 2 trận, bị thay ra, cho thay người trong trận thứ ba chơi trái kèo và cuối cùng thậm chí không có tên cả trong danh sách dự bị liên tục 4 trận quan trọng (ngay cả thủ môn Lâm Ấn Độ còn có tên dự bị ở trận cuối tranh HCĐ).

Hoàng Thiên sau khi vào thay người, ghi bàn thắng trong trận gặp Philippines liền được trọng dụng hơn. Nhưng cũng chỉ trong tích tắc bị coi là chơi quá cá nhân trong trận đấu bế tắc với Myanmar, Thiên bị thay ra. Rồi Thiên đá chính liên tục trong 3 trận được coi là không quá xương, nhưng đến trận bán kết thì Thiên mất chỗ, trận cuối lại được xếp dự bị, thay người nửa cuối hiệp 2…

Ở SEA Games 26, U23 Việt Nam thực tế cũng không thực hành một lối chơi nào rõ rệt.

"Ngòi nổ" Thành Lương thì bị "khóa chặt"

Vòng bảng các đối thủ cơ bản là co cụm, chờ thời, U23 Việt Nam thoải mái ban chuyền đan lát. Đến bán kết thì U23 chịu không nổi nhiệt nên lối chơi nếu có trong giáo án của ông Goetz cũng nhanh chóng phá sản. Các “sát thủ” của U23 Việt Nam sau quá trình tập huấn và thi đấu vòng bảng, cơ bản đã lộ bài trong mắt các đối thủ. Thành Lương, Trọng Hoàng, …không được đối thủ nhường cho một tấc đất nào để phô diễn tài năng.

Những cú tăng tốc, bứt phá của Thành Lương vẫn có thể xảy ra nhưng dứt khoát không có một kẽ hở nào lộ ra để Lương chuyền bóng hoặc sút bóng thuận lợi. Những pha đá phạt rất khó chịu của Lương cũng biến mất.

Sức tì đè, thoát đi bất ngờ và sút hiểm của Trọng Hoàng cũng trở nên xa lạ và quá ư phù phiếm.

“Sát thủ” Thành Lương, quả là ngẫu nhiên có thật, tả xung hữu đột đến thế, đến mức đầu quấn dày băng mà vẫn thi đấu đến giây bất lực cuối cùng. Thành Lương xứng đáng có tên trong danh sách những cầu thủ chơi cống hiến và xuất sắc nhất là như vậy .

Có một lứa cầu thủ tài năng nhưng ông Goetz không sao tìm ra được một bộ khung ổn định và vận hành trơn tru. Qua bao nhiêu đời HLV ngoại mà đến nay bóng đá Việt Nam vẫn cứ loay hoay với bài toán lối chơi dù chỉ ở tầm khu vực trũng, úng lụt nặng về trình độ?

Và có nên không nhỉ, nếu việc bỏ ra rất nhiều tiền để tổ chức các giải giao hữu, để đối thủ không bao giờ tung hết quân, hết bài, chỉ tận dụng cơ hội là chính, tìm cách bắt bài và bóng đá Việt Nam khiến cho rất nhiều “sát thủ” đầy tiềm năng, đang yên lành bỗng dưng …“đầu mưng mủ” một cách thật đau đớn!

(Theo Vietnamnet)


Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X