Hai lượt trận vòng 1/8 Champions League đã chứng kiến 2 thẻ đỏ cho trung vệ Demichelis của Manchester City và thủ môn Szczesny của Arsenal, sau các lỗi ngăn chặn cơ hội ghi bàn rõ rệt. Nhiều người cho rằng những hình phạt ấy quá nặng.
Hai đội Manchester City và Arsenal đã vừa phải chịu các quả phạt đền vừa bị mất người, và ngoài ra, cầu thủ bị thẻ đỏ cũng bị treo giò ở trận tiếp theo. Các CĐV bóng đá thế giới đã tranh cãi gay gắt về những hình phạt ấy dành cho hai đội bóng, vì dường như nó quá nặng.
Hai nhân vật quyền lực nhất bóng đá thế giới là Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini đã nhiều lần đặt ra câu hỏi này. Họ đang suy tính về một điều luật khác phạt đúng người đúng tội, và không quá nặng như hiện nay, sau các lỗi khi đối phương đang có cơ hội rõ rệt để ghi bàn trong vòng cấm.
"Nó (hình phạt thẻ đỏ và bị treo giò trận tiếp theo) dường như là quá nặng", ông Platini nói vào tháng 12 năm ngoái.
"Cho đội bị phạm lỗi một quả phạt đền là đủ rồi. Tôi nghĩ đây là quan điểm cả UEFA và FIFA đều đồng ý, cũng như Chủ tịch FIFA Sepp Blatter sẽ không phản đối. Tuy nhiên, 1-2 thành viên trong Liên đoàn bóng đá thế giới lại phản đối điều này".
Chính vì chưa có sự chấp thuận tuyệt đối của các thành viên, FIFA chưa thể thay đổi luật lệ. Nhưng Liên hiệp bóng đá quốc tế (IFAB) sẽ có cuộc họp để thảo luận về vấn đề này vào ngày 28 tháng Hai tới. Họ muốn thay đổi điều luật để áp dụng ngay tại World Cup 2014 vào tháng Sáu.
Szczesny đã bị phạt quá nặng?
Đã đến lúc phải thay đổi, nhà báo David Weiner viết:
Có nhiều điều chúng ta đơn giản là phải chấp nhận trong một trận bóng đá, nhưng tại sao? Sự bất bình với hình phạt nhân ba với cầu thủ phạm lỗi trong một cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương đã tăng cao.
Trong pha phạm lỗi của Szczesny, trọng tài nhìn nhận rằng đấy là một lỗi nguy hiểm, vì Szczesny là chốt chặn cuối cùng và Robben có cơ hội ghi bàn rõ rệt, nên thủ môn Arsenal xứng đáng bị đuổi khỏi sân? Vấn đề là liệu chúng ta có chắc chắn về cái gọi là "Cơ hội ghi bàn rõ rệt" của Robben hay không. Anh đi bóng ở tốc độ cao, đã mất kiểm soát, có vài hậu vệ xung quanh anh có thể lùi về và góc sút không quá rộng. Tất cả chỉ xảy ra trong một cái nháy mắt.
Vì thế, với một giả định không chắc chắn mà đã đuổi một cầu thủ khỏi sân, cộng thêm một hình phạt khác cho đội của anh là quả phạt đền và treo giò anh trận tiếp theo, có là quá nặng không? Trong nửa giờ đầu tiên khi đủ người, Arsenal vẫn có những cơ hội và chơi tốt. Nhưng kể từ khi chỉ còn 10 người trên sân, câu chuyện khác hẳn. Họ lùi xuống chỉ biết chịu trận và trận đấu thay đổi hoàn toàn.
"Thẻ đỏ ấy không chỉ thay đổi trận đấu, mà nó giết chết trận đấu", HLV Arsene Wenger nói. "Cho đến khi ấy thì trận đấu vẫn có chất lượng cao nhưng vào hiệp Hai thì quá nhàm chán. Nó trở thành trận đấu một chiều. Trọng tài đã đưa ra quyết định giết chết trận đấu. Luật này ở mỗi nước một khác và ở Italy thì còn có nhiều lý do hơn để bạn bị đuổi khỏi sân".
"Thủ môn của chúng tôi chỉ chủ định phá bóng, cậu ấy đã chạm vào Robben... Nhưng Robben đủ kinh nghiệm để trọng tài chú ý. Nói chung, tôi cảm thấy cậu ta đã phản ứng hơi quá sau một tác động đơn thuần". Vì thế, đừng tự ý đuổi cầu thủ trong tình huống này?
Trong tình huống Demichelis bị đuổi cũng vậy. Anh đã phạm lỗi với Lionel Messi, nhưng chưa bàn đến điểm phạm lỗi ở ngoài vòng cấm, thì việc đuổi anh khi trọng tài chưa nhìn rõ hết tình huống là một sự bất công. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người hiếm khi lên tiếng giải thích về các vấn đề kiểu này, đã bày tỏ quan điểm rằng "hình phạt hat-trick" (thẻ đỏ, treo giò, penalty) cần được áp dụng một cách thận trọng. Các trọng tài không được dùng nó chỉ bằng "trực giác và cảm giác".
"Chuyện áp dụng điều luật này phụ thuộc vào tình huống trọng tài gặp phải... Các quyết định được đưa ra phải thật sự thận trọng và chính xác tuyệt đối", Chủ tịch FIFA nói. Trong các trường hợp chưa xác định chính xác hoàn toàn, Chủ tịch UEFA Michel Platini đề xuất giải pháp một hình phạt trung dung hơn, là "Thẻ cam".
Hãy giữ nguyên điều luật này, chẳng vấn đề gì cả, nhà báo Huw Bonello viết:
Szczesny xứng đáng bị đuổi và anh ta xứng đáng bị treo giò. Hãy tưởng tượng, nếu thay đổi luật này, anh ta sẽ ở trên sân và cản được quả phạt đền. Như thế thì thật ra Bayern đâu có được lợi gì dù họ là "nạn nhân"? Hãy nhớ lại hành vi dùng tay cản bóng trên vạch vôi của Luis Suarez ở World Cup 2010. Nếu điều luật này được gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ, thì giống như chúng ta đang khuyến khích các hành vi gian lận trong thể thao, và hãy nhớ là các hành vi gian lận này có mức độ nghiêm trọng.
Thậm chí nếu một cầu thủ gian lận mà cứu cho đội nhà một bàn thua, anh ta còn là người hùng. Điều đó thật nực cười. Hãy đối mặt với chuyện này. Chẳng có lý do gì để đổi luật.
Không ai thích xem một trận đấu 10 đấu 11 nhưng các hành vi gian lận cần phải bị trả giá. Công lý phải được thực thi với một đội bóng đã đổ mồ hôi tạo ra cơ hội. Bóng đá là môn thể thao đối kháng với nhiều nguyên tắc chơi nên đôi khi, công bằng phải đứng trên nhu cầu giải trí của CĐV.
Theo Thể Thao Văn Hoá