Chủ Nhật, 17/11/2024Mới nhất
Zalo

Sốc vì lương trọng tài V-League

Thứ Bảy 10/12/2011 07:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mùa giải 2011 điêu đứng vì tiếng còi trọng tài và khiến HLV Hòa Phát - HN Nguyễn Thành Vinh phải rên lên: “Trọng tài là Mafia và đang thao túng bóng đá Việt Nam”. Đại diện VFF lý giải lý do trọng tài “thổi bậy” là vì thu nhập chưa tương xứng. Sự thực không phải như vậy.

Những trận đấu bị xử ép trắng trợn dẫn đến một cơn tức nước vỡ bờ trong cuộc tổng kết cuối mùa: ông chủ Hòa Phát bỏ bóng đá, bầu Kiên đăng đàn tạo ra cơn địa chấn trong làng bóng đá và 3 trọng tài bị loại ra khỏi nghề cầm còi.

Đội ngũ trọng tài cách đây ba tháng đã có một sự phản ứng mạnh mẽ sự tấn công của các ông bầu. Ông Bùi Như Đức, Ủy viên Hội đồng trọng tài từng phát biểu rằng, mức đãi ngộ giành cho giới còi cờ là chưa thỏa đáng. “Tiền di chuyển từ sân bay Nội Bài về đến địa điểm thi đấu tại Hà Nội là 350.000 đồng nhưng các trọng tài chỉ được thanh toán có 90.000 đồng. Nếu không vì yêu nghề, chẳng ai đi làm trọng tài cả. Mức phí cho trọng tài, giám sát nhất là ở các giải trẻ còn quá thấp. Như thế có đủ tự tin để chống tiêu cực hay không?” Ông Đức chia sẻ.

Trọng tài V-League là lực lượng đã dính "viên đạn bọc đường" và có những quyết định gây nhiều tranh cãi trong mùa giải 2011

Với thực tế đó, ông Đức cho rằng, không kể trọng tài, mà tất cả các thành phần dính dáng đến V-League hay hạng Nhất đều có thể bị “bắn thủng” bởi “viên đạn bọc tiền”.

Thế nhưng, trong bản tin thể thao 24/7 của VTV1 tối qua, một loạt những con số bộc lộ những bất cập trong bức tranh tài chính của giải V-League 2011 đã được đưa ra, phơi bày một giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bùng nhùng.

Một trong những con số này là chuyện lương trọng tài. Theo quy định mùa trước, trọng tài nhận 3 triệu cho một trận bắt chính, và 400 ngàn đồng tiền ăn ở cho một ngày làm nhiệm vụ.

Một ngày làm nhiệm vụ là thế nào? Họ sẽ đến sân vào thứ bảy, làm việc vào chủ nhật và ra về vào thứ hai, lĩnh 400.000 đồng nhân ba ngày là 1,2 triệu đồng. Nhưng một bản đề nghị thanh toán tổ trọng tài và giám sát gửi cho đội bóng mùa giải 2011 mà VTV đưa ra cho thấy sự thật không phải như vậy,

Họ bắt đầu tính ngày làm việc từ thứ Hai đầu tuần này cho đến tận thứ Hai của tuần sau với tổng cộng là tám ngày và họ bỏ túi thêm 2 triệu đồng nữa. cho những ngày mà họ thực tế đang ở nhà với gia đình mình. Con số này chưa cộng tiền di chuyển và các khoản lặt vặt khác.

Nghĩa là mỗi một vòng đấu, trọng tài chính nhận 6,2 triệu đồng. Trọng tài biên nhận ít hơn 1 triệu đồng. Mỗi trọng tài bắt V-League trung bình một tuần một trận. Nếu một trọng tài bắt chính đủ 4 trận trong tháng, họ cầm về 24,8 triệu đồng, chưa kể lương tháng bình thường.

Với một mức lương như thế này mà những người trong đội ngũ quản lý trọng tài như ông Đức vẫn đặt ra câu hỏi: “Như thế có đủ tự tin để chống tiêu cực hay không?”.

Dù rằng không phải trọng tài nào cũng lĩnh đủ 24,8 triệu đồng mỗi tháng và duy trì được điều này trong cả mùa giải kéo dài 10 tháng vì một số bị kỷ luật, không đủ điều kiện ra sân như thể lực yếu, bị ốm, hoặc không đảm bảo yếu tố là trọng tài trung gian…, nhưng so với mức thu nhập bình quân của đa số cán bộ các ngành nghề khác trong xã hội, khó có thể gọi mức lương trọng tài là thu nhập thấp như VFF từng nhận xét.

Và cũng vì mức lương “chết đói” như thế, số tiền dành cho công tác tổ chức mùa giải 2012 tăng vọt lên 7.6 tỷ đồng, dẫn đến trong phép tính tài chính mùa đầu tiên mà VPF vận hành, con số lỗ dự kiến là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, những vị trọng tài đang phải “chịu thiệt thòi vì lương bổng” cùng các giám sát sẽ được nâng mức cát xê từng trận từ mức ba triệu đồng lên tám triệu đồng.

(Theo Vnexpress)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X