Mùa giải 2012 đã qua được một nửa chặng đường, và chừng đó có lẽ là đủ để đưa ra cái nhìn tương đối chuẩn xác về mùa bóng đầu tiên mà quyền tổ chức và điều hành giải được trao lại cho các CLB với VPF là đại diện. Nhìn vào bảng thống kê bên cạnh rất dễ nhận thấy một nghịch lý là trong khi chất lượng chuyên môn của giải VĐQG được cải thiện rõ rệt (thể hiện rõ thông qua sự gia tăng của số trận đấu hay, số bàn thắng đẹp hoặc những pha bóng giàu tính cống hiến), thì số lượng khán giả tới sân lại thấp nhất trong vòng 5 mùa giải gần đây.
Phải chăng con số này biểu thị sự thất vọng của một bộ phận không nhỏ khán giả khi thấy V-League của VFF và V-League của VPF chưa thực sự có nhiều khác biệt, trong khi dấu ấn đáng kể nhất của V-League 2012 là sự tiến bộ về chuyên môn lại được coi là yếu tố nằm ngoài ý chí chủ quan của VFF cũng như VPF, bởi sự tiến bộ như thế là kết quả của cả một quá trình phát triển lâu dài và liên tục chứ không thể là sản phẩm có thể tuỳ ý phát sinh từ mong muốn hay nguyện vọng của ai đó?Chất lượng chuyên môn của V-League 2012 được cải thiện rõ rệt
Cũng không khó để trả lời câu hỏi này khi nhớ lại rằng chưa bao giờ trong lịch sử V-League, công tác trọng tài lại gây ra nhiều phản ứng dữ dội đến thế từ phía các đội bóng, trong đó SHB.ĐN đã làm công văn khẩn gửi BTC giải đề nghị cân nhắc khả năng tạm dừng giải nếu như không giải quyết dứt điểm vấn đề trọng tài. Mà SHB.ĐN là ai? Là nhà quán quân V-League 2009 và là một trong những biểu tượng của V-League trong khoảng 5, 6 mùa giải trở lại đây, và quan trọng hơn, lãnh đạo SHB.ĐN (ông Bùi Xuân Hoà, TGĐ Cty CP TT SHB.ĐN) còn có chân trong HĐQT VPF. Tức là đội bóng của một thành viên trong bộ máy lãnh đạo VPF còn bức xúc và phẫn nộ với trọng tài như vậy thì các CLB bị xem là “thấp cổ bé họng” có thể làm được gì?
Điều rất lạ ở mùa giải năm nay là số lượng trọng tài mắc sai sót không chỉ rơi vào nhóm trọng tài trẻ mới được đôn lên làm nhiệm vụ, mà tình trạng lỗi lầm còn thấy ở cả đội ngũ trọng tài FIFA dày dạn kinh nghiệm đã có nhiều năm cầm còi ở trong nước cũng như quốc tế. Sẽ là không công bằng nếu như trút bỏ mọi trách nhiệm lên đầu trọng tài, bởi suy cho cùng họ cũng chỉ là một bộ phận cấu thành của nền bóng đá, và khi bức tranh bóng đá VN vẫn còn mang nhiều màu sắc u ám thì không thể đòi hỏi công tác trọng tài phải ở mức độ hoàn hảo.
Cũng là không công bằng nếu quy mọi trách nhiệm cho VPF vì những sự cố nổi cộm của V-League trong suốt lượt đi, bởi quỹ thời gian chuẩn bị cho mùa giải 2012 quá ít nên việc phát sinh những trục trặc trong quá trình vận hành giải là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lẽ ra VPF có thể làm tốt hơn nữa nếu như họ thật sự tập trung toàn lực vào công việc chính của mình là điều hành và quản lý giải VĐQG, thay vì mất quá nhiều thời gian sa đà vào những tranh cãi “không đâu” như chuyện tên giải hay vấn đề bản quyền truyền hình.
Với một giải đấu mà số lượng khán giả tới sân đang giảm dần đều qua từng mùa, năm sau thấp hơn năm trước, và năm nay giảm tới 28% so với 3 năm trước đó thì việc VPF quá say sưa vào cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình có phải là một hành động thiết thực? Chỉ cần nhìn vào thông số về số lượng khán giả tới sân và số lần xảy ra sự cố trọng tài ở lượt đi V-League 2012 có lẽ cũng là quá đủ để đưa ra câu trả lời.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)