Susy Campanale, cây bút của Football Italia và bình luận viên của BBC, đã có bài viết về việc Balotelli khóc khi bị thay ra trận Napoli - Milan.
Quan điểm của riêng cô: Đừng vội vàng quy kết chuyện Balo khóc với chuyện phân biệt chủng tộc ở Ý. Cầu thủ bóng đá cũng có quyền khóc và cũng là con người. Hãy tôn trọng họ. Thethaovanhoa.vn lược dịch bài viết của Susy:Đây không phải lần đầu Balotelli khóc.
"Bóng đá Ý và xã hội Ý nói chung, vẫn còn phải đi một chặng đường dài để xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, truyền bá những lời dối trá và đưa ra các kết luận vô bổ chắc chắn không thể cải thiện tình hình. Mario Balotelli bật khóc trong trận đấu gặp Napoli, và truyền thông ngoài Italy cho rằng đấy là hệ quả của việc anh bị phân biệt chủng tộc trong trận, mà không quan tâm đến bất kỳ sự kiện nào khác. Sự giả dối đã lây lan quá nhanh.
Tất cả chúng ta đều biết Internet và thời đại Twitter có thể khiến thông tin lan đi như một đám cháy rừng. Những câu chuyện trên đó đôi khi chỉ là hư cấu, nhưng không phải ai cũng nhận thức được. Tôi chỉ kết thúc công việc trận Napoli – Milan khi tôi nhìn thấy “Balotelli” trở thành một “trending” trên twitter ở Vương quốc Anh. Tôi vào chủ đề này, hy vọng được thấy gì đó về trận đấu hay về cầu thủ được nhiều người yêu mến, về chuyện anh bị thay ra và khóc. Nhưng thay vào đó, tôi đọc được ý kiến yêu cầu UEFA cấm các CLB Ý thi đấu tại các giải châu lục, và thậm chí cấm, cả các cầu thủ da màu vì phân biệt chủng tộc đã tệ đến mức Balotelli phải khóc khi bị thay ra.
Tôi không biết tin đồn dấy lên từ đâu, có thể từ tài khoản twitter của một nhà báo nào đó. Nhưng thực tế, nước mắt Balotelli không có nguyên nhân từ việc bị phân biệt chủng tộc và ngay cả Seedorf cũng không đề cập đến chuyện này trong cuộc phỏng vấn sau trận.
Tuần này thật sự khó khăn với Mario Balotelli. Anh dính vào một cuộc chiến pháp lý cay đắng với bạn gái cũ liên quan đến chuyện thừa nhận bé Pia là con đẻ, sau các cuộc xét nghiệm ADN. Anh tránh gặp con vì muốn chắc chắn mình là cha đẻ của bé, cho đến khi thực sự kết nối tình cảm với đứa bé. Pia và mẹ Raffaella Fico sống ở Napoli, và Milan đến làm khách trên sân Napoli chỉ vài ngày sau khi Balo nhận Pia làm con đẻ. Rất có thể, những giọt nước mắt là sự thất vọng của người cha muốn chào con gái bằng một bàn thắng ngay tại nơi con sống. Balo đã phải sống trong khoảnh khắc bỏ lỡ 1 cơ hội rõ rệt và thua trận cùng Milan, nên đương nhiên anh thất vọng. Những giọt nước mắt ấy không vô lý.
Đây không phải lần đầu tiên Balo khóc trong một trận bóng đá. Anh đã khóc khi ôm mẹ nuôi sau khi ghi cú đúp trước Đức tại bán kết EURO 2012. Sau đó anh đã khóc khi thua Tây Ban Nha trong trận chung kết EURO. Có lẽ những người thích thổi phồng mọi chuyện không quen thấy một cầu thủ bóng đá khóc trong một khoảnh khắc cảm xúc, nhưng đấy là niềm đam mê tuyệt vời của môn thể thao này, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ở Anh bạn sẽ nhớ đến Paul Gascoigne, người đã khóc ngay trong trận khi biết mình bị treo giò ở chung kết World Cup 1990, khi thậm chí đội bóng chưa thắng bán kết.
Balotelli đã chứng minh rất nhiều lần rằng anh thực sự quan tâm đến Milan, và đã rất tức giận với bản thân khi không giúp đỡ được đội bóng. Tình cảm của anh nên được đón nhận, không phải để phỉ báng.
Một video cầu thủ khóc khác được truyền trên internet tuần trước, là Hernanes đã khóc trong xe khi chào người hâm mộ Lazio lần cuối. Anh biết đấy là lần cuối cùng anh được gặp các CĐV ấy trước khi đến Inter, và các CĐV ấy đã không trách anh, đã không mắng anh, mà dịu dàng an ủi anh. Nó trái hẳn với những gì chúng ta biết về đám Ultras được miêu tả bằng những từ như “manh động”, “tàn bạo”, muốn đánh cầu thủ của đội bóng đúng không? Họ đã ôm Hernanes vì anh đang khóc.
Một lần nữa, xin đừng đánh giá thấp khả năng truyền cảm xúc của bóng đá đến các CĐV. Cầu thủ cũng là con người. Họ có quyền khóc. Những giọt nước mắt Balotelli, Gascoigne hay Hernanes đều đáng trân trọng như nhau. Xin đừng vội vàng kết luận".
Theo Thể Thao Văn Hoá