(Bongda24h) - Nền bóng đá Tây Ban Nha hào nhoáng, bóng bẩy và hấp dẫn như vậy, nhưng không có nghĩa rằng đằng sau lớp vỏ nhung ấy không có những mối nguy tiềm tàng.
Nguy hiểm ấy đang đẩy nền bóng đá xứ bò tót vào tình cảnh mất phương hướng, hay chính xác hơn là mất khả năng tự chủ, y hết như những gì nền kinh tế của quốc gia Nam Âu này đang phải đối mặt. Đó chính là những món nợ khổng lồ.
Premier League mua sắm nhiều và nợ cũng chẳng ít. Song ít ra thì họ cũng tạo dựng được một hệ thống thương mại rộng khắp trên toàn cầu để giữ được các khoản thu, qua đó duy trì khả năng tự chủ tài chính của mình. Bundesliga hay Serie A có khác chút ít, là họ kiếm được không nhiều nên chi tiêu khá dè xẻn. Chính sách đó tạo điều kiện cho các đội bóng đứng vững được trong cơn khủng hoảng kinh tế. Còn La Liga, dường như những cuộc chạy đua vũ trang trên thị trường chuyển nhượng đang đẩy giải đấu này đến gần ranh giới của một cuộc khủng hoảng tín dụng khi họ tiêu rất nhiều song lại kiếm không được bao nhiêu.
Theo thống kê của Chính phủ Tây Ban Nha, số nợ của các đội bóng ở La Liga đã leo thang lên mức báo động. Hiện Barca, đội bóng hùng mạnh nhất thế giới đang bị chi phối bởi món nợ lên tới 578 triệu euro. Trong khi Real cũng bị chi phối bởi một “gọng kìm” lớn ngang ngửa – 589 triệu euro.
Càng sở hữu nhiều ngôi sao, La Liga càng nợ nần
Tất cả cũng bởi sự ganh đua về thành tích của 2 gã khổng lồ này. Trên sân cỏ, họ có thể là bất khả chiến bại, nhưng trên sàn đấu kinh tế thì coi như cả Real lẫn Barca đang đứng trước tình cảnh bị những món nợ cùm chân. Điều này khiến Chính phủ TBN không khỏi lo ngại. Họ đã hơn 1 lần tuýt còi song kết quả thì vẫn chưa đâu vào đâu. Đặc biệt là Real, đây là niềm tự hào của Hoàng gia TBN, là đối trọng duy nhất của La Liga với Barca, vì thế mà các thế lực tài chính hay hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha không ngừng viện trợ cho Real. Thậm chí ngân hàng Santander còn cho Real vay không thế chấp và liên tục gia hạn các khoản nợ.
Real thuận lợi là thế, song không thể phủ nhận không sớm thì muộn, họ vẫn phải thanh toán sòng phẳng các khoản nợ. Với Barca thì khó khăn hơn đôi chút, số tiền họ kiếm được qua các danh hiệu cũng chỉ đủ chi trả lương thưởng cho đội hình siêu sao của mình. Chủ tịch Sandro Rosell còn phải vất vả với chiến dịch “dọn dẹp” mớ hỗn độn từ triều đại Laporta để lại. Cách chi tiêu phung phí của người tiền nhiệm khiến Barca nợ chồng chất, trong khi ngân sách thì vẫn phải oằn mình chi trả lương cho những cái tên hàng thải như Henrique, Keirrison…
Real và Barca là 2 đầu tàu về khoản nợ nần ở La Liga, và phần còn lại cũng “ấn tượng” không kém. Rayo Vallecano, Racing Santander, Real Betis, Zaragoza, Granada và Mallorca đang trong diện bị ngân hàng siết nợ. Còn Valencia, tuy đã cải thiện được nhiều điều, song vẫn chưa thể có quyền tự chủ. Như tuyên bố của Jose Maria Gay de Liebana, giáo sư ngành kinh tế đại học Barcelona, người cũng rất quan tâm đến bóng đá nước nhà, thì La Liga đang đối diện với một nguy cơ lớn hơn bao giờ hết. Nguy cơ ấy đi cùng thành công của nền bóng đá hùng mạnh này. Real, Barca lớn mạnh vậy nhưng lại rất mong manh. Vậy, phải chăng trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay, không còn con đường nào vững chãi cho các đội bóng tiến đến vinh quang?
Trà My