Cú sốc đầu tiên của tứ kết giải U23 châu Á 2024 diễn ra khi U23 Indonesia bất ngờ giành thắng lợi sau loạt đá luân lưu trước U23 Hàn Quốc. Về giá trị đội hình, Transfermarkt chỉ định giá đội bóng xứ vạn đảo ở mức 4.8 triệu euro.
Phía bên kia chiến tuyến, con số này của đại diện tới từ xứ sở kim chi lên tới 12.6 triệu euro, gấp 2.63 lần U23 Indonesia và cao thứ 3 toàn giải, chỉ sau U23 Nhật Bản (12.6 triệu euro) cũng như U23 Uzbekistan (17.35 triệu).
Đây mới chỉ là lần đầu tiên Garuda dự VCK U23 châu Á trong lịch sử. Còn U23 Hàn Quốc đã dự mọi kỳ U23 châu Á từ năm 2013 và chưa từng phải dừng bước ở vòng bảng. Trong 6 lần góp mặt tại sân chơi này, đại diện xứ kim chi có 1 lần vô địch (năm 2020) và 1 lần kết thúc giải ở vị trí á quân (2016).
Về mặt lý thuyết, U23 Indonesia gần như không có cửa vượt qua U23 Hàn Quốc, tập thể toàn thắng, giữ sạch lưới cả 3 trận vòng bảng, có hiệu số +4 và đứng nhất bảng B. Nhưng những gì vừa thực tế diễn ra làm đảo lộn mọi dự đoán.
Trận thắng của đội bóng xứ vạn đào trước đại diện xứ kim chi không chỉ khiến mọi khán giả phải ngỡ ngàng, mà còn viết nên câu chuyện cổ tích cho U23 Indonesia, và kéo dài nỗi buồn của bóng đá Hàn Quốc.
Chiến tích lịch sử của U23 Indonesia
Không phải chờ tới tận vòng tứ kết và chạm trán U23 Hàn Quốc, U23 Indonesia mới khiến tất cả phải bất ngờ. Ngay từ vòng bảng, đoàn quân của HLV Shin Tae Yong hạ U23 Úc 1-0 rồi đả bại U23 Jordan với tỷ số 4-1 và giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp với tư cách đội nhì bảng A.
U23 Indonesia còn là đội bóng Đông Nam Á có thành tích thi đấu tốt nhất vòng bảng. U23 Thái Lan chỉ có 3 điểm, kèm hiệu số bàn thắng/thua -4 và đứng bét bảng C. U23 Malaysia toàn thua cả 3 trận, đứng chót bảng D với hiệu số -5. U23 Việt Nam có bằng 6 điểm với Garuda. Tuy nhiên, hiệu số của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ là +1, của U23 Indonesia là +2.
HLV Shin và các học trò tiếp tục mang về niềm vui cho NHM Indonesia trong nửa đầu năm 2024. Hồi tháng 1, đại diện xứ vạn đảo mang tới cho các CĐV nơi quê nhà một cảm giác trên cả hài lòng khi có lần đầu tiên vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023 (thua Úc 0-4 ở vòng 1/8). Ở cả 4 lần dự giải trước đó (từ năm 1996 tới 2007), Indonesia đều phải dừng cuộc chơi ở vòng bảng.
Trở lại giải U23 châu Á 2024, sau vòng tứ kết, hành trình cổ tích của đại diện xứ vạn đảo và quãng thời gian HLV Shin gắn bó với bóng đá Indonesia vẫn tiếp diễn. Cụ thể, Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) đã gia hạn hợp đồng với vị chiến lược gia 53 tuổi tới năm 2027, dù trước đó, từng có những tin đồn cho rằng đôi bên sẽ chia tay nhau trong năm nay.
Sau khi đánh bại U23 Hàn Quốc và giành vé vào bán kết, HLV Shin cho biết ông tin các học trò của mình “hoàn toàn đủ sức tiến vào tới trận chung kết”.
Ở kỳ U23 châu Á năm nay có 3.5 suất dự Olympic Paris 2024. 3 đội xếp nhất, nhì, ba sẽ giành vé tới thẳng nước Pháp. Đội thua trong trận tranh HCĐ sẽ có vé vớt nếu thắng đại diện châu Phi trong trận play-off.
Trong lịch sử, U23 Indonesia chưa từng một lần chạm được tay vào tấm vé dự Olympic. Bóng đá xứ vạn đảo từng góp mặt tại đấu trường này năm 1956, nhưng khi đó, môn bóng đá nam Olympic vẫn là sân chơi dành cho các ĐTQG.
Vào lúc này, mọi NHM bóng đá Indonesia đều đang kỳ vọng vào suất dự Olympic Paris 2024 của HLV Shin và các học trò.
Nỗi buồn chưa nguôi ngoai của bóng đá Hàn Quốc
Đối lập với sự tiếp diễn của HLV Shin và U23 Indonesia là sự kết thúc của U23 Hàn Quốc. Sau thất bại trước Garuda, đại diện xứ kim chi phải trải qua lần thứ 2 liên tiếp phải dừng bước ở tứ kết VCK U23 châu Á và lần đầu tiên sau 40 năm thất bại trong việc đoạt vé dự Olympic.
Vết đen này khiến thầy trò HLV Hwang Sun Hong phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ báo chí nước nhà. Tờ DongA tỏ ra “sốc”. Tờ Yonhap nhận xét đội nhà “phòng ngự kém” và “thi đấu vô kỷ luật”. Tờ Osen khẳng định “sự ngạo mạn” là nguyên nhân khiến U23 Hàn Quốc thua trận và đây là một “trận thua thảm họa, không thể chấp nhận nổi”.
Tờ Chosun và tờ Hansbiz “chĩa mũi giáo” về HLV Hwang, họ cho rằng nhà cầm quân 55 tuổi “thiếu sự chuẩn bị”, chỉ có những chiến thuật “đơn điệu” và thất bại trên sân Abdullah Bin Khalifa là “vết nhơ” trong sự nghiệp của ông Hwang. Từ chỗ là một trong những ứng viên vô địch, U23 Hàn Quốc giờ đây còn thất bại trong mục tiêu giành vé dự Olympic.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, NHM bóng đá xứ kim chi đã 2 lần phải chán nản với màn trình diễn của đội nhà. Hồi tháng 1, ĐTQG Hàn Quốc bị loại ở bán kết Asian Cup 2023.
Thất bại 0-2 trước Jordan khiến Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) sa thải HLV trưởng Jurgen Klinsmann. NHM xứ kim chi còn đứng ngồi không yên với vụ xô xát giữa sao trẻ Lee Kang In và đội trưởng Son Heung Min. Sau khi tuyển Hàn Quốc về nước trong tư thế cúi mặt, CĐV xứ kim chi còn gửi cả… vòng hoa tang đến trụ sở KFA để bày tỏ sự phản đối và phẫn nộ.
Hơn 2 tháng sau, màn trình diễn của U23 Hàn Quốc ở giải U23 châu Á được kỳ vọng sẽ giúp các khán giả ở quê nhà nguôi ngoai đi nỗi thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng ấy vẫn chưa chấm dứt sau thành tích đáng quên của HLV Hwang và các học trò.
Chưa dừng lại ở đó, cảm giác cay đắng với U23 Hàn Quốc càng gia tăng khi người gieo sầu cho họ ở vòng tứ kết lại cũng chính là một người Hàn Quốc (HLV Shin Tae Yong).
Lật lại quá khứ, nhà cầm quân sinh năm 1970 từng cùng ĐT quê hương trải qua lần thứ 2 liên tiếp bị loại khỏi vòng bảng World Cup năm 2018. Khi trở về Hàn Quốc, HLV Shin và các học trò phải hứng chịu “cơn mưa” vật thể, bao gồm cả trứng thối của các CĐV nhà. Việc Hàn Quốc không thể giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp của giải đấu diễn ra trên đất Nga cũng dẫn đến sự ra đi của vị thuyền trưởng 47 tuổi.
6 năm trước, HLV Shin phải cúi đầu khi trở về quê nhà. 6 năm sau, ông khiến chính những người đồng hương phải cúi đầu trước tài điều binh khiển tướng của mình. HLV Shin đã giúp U23 Indonesia tạo nên một hành trình đáng nhớ, và kéo dài nỗi buồn của bóng đá Hàn Quốc.