Nhiều cầu thủ chưa nhận thức được việc mình chịu ảnh hưởng của hiệu ứng giá trị ảo ở làng bóng đá Việt. Cái ngày mà Quang Hải được đội Navibank Sài Gòn mua về từ Khánh Hòa với giá 9 tỷ đồng, ai cũng mừng cho tiền đạo này. Khi đó, nhà của Hải ở Nha Trang nghèo lắm.
Trước khi được Navibank Sài Gòn mua, Hải có một mùa giải “hoành tráng” với Khánh Hòa (năm 2010) khi anh ghi 13 bàn, dẫn đầu danh sách các cầu thủ nội ghi nhiều bàn nhất để giúp Khánh Hòa có được hạng 4 chung cuộc, vị trí cao nhất của đội này trong lịch sử V-League. Coi như Hải đã “trả nghĩa” cho quê hương và xứng đáng với số tiền mà anh được nhận từ đội bóng mới.Quang Hải từng bỏ túi 9 tỷ đồng khi về Navibank Sài Gòn
Nhưng hai mùa bóng liên tiếp đá cho Navibank Sài Gòn, Quang Hải là nỗi thất vọng lớn nhất. Là tiền đạo mà anh chỉ ghi được có 9 bàn trong hai mùa bóng và thường xuyên phải ngồi dự bị. Nói cách khác, khoản đầu tư của Navibank Sài Gòn đã thất bại hoàn toàn, trong khi đó, với khoản tiền lót tay cao nhất Việt Nam ấy, Hải đã có nhà mới, có bè cá riêng và một trường trại gà chọi cùng khoản lương, thưởng lên đến 55 triệu đồng mỗi tháng.
Chính vì thế, khi nghe Quang Hải than thở chuyện bị Navibank Sài Gòn nợ lương 3 tháng làm anh “khánh kiệt”, người chia sẻ thì ít mà chê trách thì nhiều. Nhất là khi Quang Hải còn mạnh miệng đề nghị có đội nào mua lại anh từ Navibank Sài Gòn thì “xin giảm lương ít thôi”.
Quang Hải thì còn đề nghị “giảm ít thôi” chứ Văn Quyến thì tuyên bố không giảm mức lương lên đến gần 30 triệu mỗi tháng mà anh này đang nhận tại SLNA. Do Quyến còn một năm trong hợp đồng và không tiện thanh lý hợp đồng nên phía SLNA đề nghị Quyến giảm lương tháng còn 20 triệu đồng. Theo lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ, đấy là mức giảm đã bao gồm sự cảm thông cho tiền đạo lừng danh một thời cũng như tránh việc hai bên gặp rắc rối về đền bù hợp đồng. Quyến không chịu.
Ngược dòng thời gian một chút. Khi Văn Quyến bị treo giò 5 năm sau vụ án tiêu cực tại SEA Games 2005, chính SLNA đã bảo bọc và sau đó xin giảm án để Quyến có thể trở lại thi đấu vào cuối năm 2009. Cũng thời gian đó, với yêu cầu của nhà tài trợ, SLNA ký hợp đồng dài hạn với Quyến cùng mức lương cao ngất ngưởng như trên. Thế nhưng, từ đó đến nay, Quyến chỉ ra sân thi đấu được 1/3 số trận và ghi được đến 10 bàn thắng. Anh vẫn đi xe SH xịn, vẫn là “tay chơi” có tiếng ở thành Vinh bất chấp giá trị của anh trên sân cỏ sụt giảm đến mức chẳng còn ai nhận ra một Quyến “béo” đầy mê hoặc của 5 năm trước.
Ấy vậy mà khi phía tài trợ giảm tiền buộc đội bóng phải giảm quỹ lương, Quyến không đồng ý. Trong cùng thời điểm đó, một tài năng cùng thời và cũng từng dính tù tội như Quyến là Quốc Vượng còn tuyên bố đá không lương cho SLNA chỉ để được trở lại với bóng đá.
Họ đều là những ngôi sao của bóng đá Việt Nam và ở thời đỉnh cao phong độ, họ cũng đã được nhận những gì xứng đáng nhất. Ở thời điểm đó, xã hội cũng đánh giá khá nhẹ nhàng về những khoản thu nhập quá lớn của họ bởi ai cũng biết đời cầu thủ không dài và quan trọng hơn là chính những CLB là tác nhân chính đẩy giá cầu thủ lên quá cao.
Nhưng phải chăng cũng chính các cầu thủ là người tạo ra các giá trị ảo đó. Bằng chứng là chính họ, đến thời điểm này, vẫn cho rằng mình xứng đáng với mức lương cao bất chấp mọi thứ đã thay đổi và xã hội đang còn muôn vàn khó khăn. Họ vẫn tự cho mình được phép đứng bên lề xã hội và than vãn, trách móc về việc người khác nợ lương, làm giảm thu nhập. Họ dường như không hiểu rằng, số tiền ngất ngưởng mà họ nhận được 2-3 năm trước không xứng đáng với những gì họ cống hiến trên sân. Giá như họ hiểu ra điều đó. Giá như họ chịu nhìn nhận sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh mình. Giá như những người lớn biết cách giúp họ tìm ra giá trị của chính họ.
(Theo SGGP)