(Bongda24h) - Hẳn nhiều người hâm mộ đã biết đến cái tên Ottmar Hitzfeld, chiến lược gia nổi tiếng người Đức đã giành rất nhiều danh hiệu cao quý (2 Champions League, 7 chức VĐ Bundesliga) trong quá khứ và hiện tại đang dẫn dắt ĐTQG Thuỵ Sĩ, đối thủ sắp tới của Tam sư ở vòng loại Euro 2012. Hồi mùa giải 2001-2002, Hitzfeld đã được MU ngỏ ý mời về kế nhiệm Alex Ferguson dẫn dắt MU khi mà "Ngài máy sấy" nuôi ý định nghỉ hưu nhưng ông đã từ chối thẳng thừng.
Hitzfeld đã nếm trải đủ mọi vinh quang trong nghề huấn luyện với trọn bộ chức VĐQG, cúp QG, Champions League, cúp Liên lục địa (nay là FIFA Club World Championship). Ông cũng là HLV thứ 2 trong lịch sử sau Ernst Happel (Feyenoord - Hamburg) đoạt 2 cúp vô địch C1/Champions League với 2 CLB khác nhau (về sau có thêm Jose Mourinho lọt vào danh sách ít ỏi này). Một bản lý lịch như vậy cũng đủ để chứng minh cho tài năng huấn luyện và kinh nghiệm dày dạn của "cáo già" Hitzfeld. Vì thế, không có gì bất ngờ khi MU (và nhiều đội bóng lớn khác) đã từng tiếp cận với Hitzfeld.Ottmar Hitzfeld từng "chê" MU
Cần phải nhắc lại hoàn cảnh khi đó. Hồi đầu mùa giải 2001-2002, Sir Alex đã thông báo quyết định nghỉ hưu vào cuối mùa trong khi Hitzfeld vừa mới đưa Bayern đến danh hiệu Champions League, 4 năm sau khi thành công cùng Dortmund cũng ở giải đấu cấp CLB danh giá nhất thế giới (chính Bayern của Hitzfeld đã thua đau đớn MU của Ferguson trong trận chung kết Champions League khó quên tại Nou Camp mùa giải 1998-1999, năm mà MU đoạt cú ăn ba vĩ đại). Tình thế buộc MU phải bắt đầu lên kế hoạch tìm vị thuyền trưởng mới cho đội bóng và giám đốc điều hành của MU khi ấy, Peter Kenyon (về sau chuyển sang Chelsea, hiện đang thất nghiệp sau khi chia tay đội bóng thành London) đã nhắm ngay đến Hitzfeld. Tuy về sau, Sir Alex đã đổi ý nhưng cần phải công nhận, Hitzfeld là người thay thế xứng đáng nhất cho chiến lược gia người Scotland vào thời điểm đó. Mới cả, bản thân Hitzfeld cũng đã nhã nhặn từ chối trong buổi gặp gỡ với Kenyon.
Nhà cầm quân 61 tuổi này kể lại: "Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết bởi đó là "bí mật" giữa tôi và MU. Song tôi đã quyết định ở lại nước Đức bởi tôi chỉ thích dẫn dắt những đội mà tôi có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi không nghĩ mình có thể làm tốt công việc nếu phải dùng tiếng Anh với các học trò. Như thế, tôi không thể bày tỏ một cách chính xác, cảm xúc cũng như thái độ của mình mà với tôi, những điều này rất quan trọng trong nghề HLV. Một khi bạn vẫn giành chiến thắng thì ngôn ngữ không phải là rào cản lớn nhất. Tuy nhiên, khi kết quả không được như ý, khó khăn sẽ bắt đầu nảy sinh. Lúc này, một chiến lược gia cần phải là người trực tiếp giảng giải, phân tích cho đội bóng. Nếu bạn không thể sử dụng thành thạo cùng một thứ ngôn ngữ như đa số các học trò thì thực sự đó là chuyện lớn".
Có lẽ ngôn ngữ chính là nguyên nhân chủ yếu lý giải tại sao một người không kém cỏi như Hitzfeld mà lại chẳng bao giờ chịu làm việc ở một nơi nào khác ngoài Đức, quê hương ông và Thuỵ Sĩ, một quốc gia coi tiếng Đức là "quốc ngữ". Xem ra, quan điểm của Hitzfeld khác hoàn toàn so với đối thủ ông sắp chạm trán, Fabio Capello. Là một người Italia chính hiệu, một chữ tiếng Anh "bẻ đôi" cũng không biết nhưng Capello vẫn quyết định tới làm việc ở xứ sở sương mù. Thậm chí, sau 2 năm, Capello chẳng tiến bộ hơn chút nào về vốn liếng ngoại ngữ. Ông vẫn phải thông qua phiên dịch để giao tiếp, truyền đạt đến cầu thủ. Không thể phủ nhận, đây chính là điểm yếu lớn nhất của Capello, khiến ông không thể phát huy một cách tốt nhất năng lực của mình tại ĐT Anh.
Ngày mai, 2 HLV được kính trọng của bóng đá thế giới sẽ có trận đối đầu. Thuỵ Sĩ bị đánh giá thấp hơn nhưng lại có lợi thế sân nhà trong khi Tam sư đang đà hưng phấn sau thắng lợi trước Bungari. Vì thế, vai trò của các chiến lược gia càng được đề cao. Ai cao tay hơn, người đó sẽ thành công.
Bảo Phương