Chưa đủ bản lĩnh, sợ mất việc là nguyên nhân khiến ba ứng viên Thanh Hùng, Huỳnh Đức, Hữu Thắng lắc đầu với lời mời ngồi ghế HLV tuyển Việt Nam.
Lương 200 triệu đồng mỗi tháng. Hợp đồng tối thiểu có thời hạn hai năm. Chế độ mà VFF giành cho người kế vị Falko Goetz được chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đánh giá là “quá tốt”. Nhưng cả ba ứng viên Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T), Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam Nghệ An), Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng), vì lý do gia đình hoặc muốn kiêm nhiệm công việc ở CLB, đã lắc đầu.
“HLV đội tuyển khác hẳn với CLB. Có thể chỉ sau một vài trận thua, HLV sẽ mất việc. Sức ép là rất ghê gớm. Đồng ý là lương HLV đội tuyển cao, tới 200 triệu/tháng nhưng nếu mất việc chỉ sau một giải đấu, anh có thể mất tất cả. Công việc ở đội tuyển không còn, quay về CLB cũng khó bởi khi ấy anh đã bị xem là người thất bại. Đó là thực tế mà các ứng viên phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng. Tôi ủng hộ phương án dùng HLV nội và hy vọng một trong ba ứng viên sẽ ngồi lên ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam. Nhưng có vẻ như HLV nội còn thiếu bản lĩnh, sợ mất việc làm, sợ chịu trách nhiệm nên chưa dám ngồi lên ghế nóng”, chuyên gia Trần Văn Phúc bình luận.HLV Phan Thanh Hùng đang có công việc ổn định ở Hà Nọi T&T
Việc các ứng viên muốn kiêm nhiệm thêm công việc ở CLB, theo ông Phúc, là điều khó chấp nhận: “Chẳng đội tuyển mạnh nào trên thế giới làm cách này. HLV đội tuyển một năm chỉ cầm quân vài trận nhưng công việc là rất nhiều. Ở ta, có lẽ chưa ai đủ sức làm điều đó”.
Chia sẻ với người đồng nghiệp, HLV Vương Tiến Dũng không cho việc kiêm nhiệm là chọn lựa chính xác bởi “một HLV chỉ có thể làm tốt công việc ở một đội bóng mà thôi". Ông Dũng cho rằng các ứng viên dù thành công ở CLB nhưng vẫn không dám mạnh dạn nhận dẫn dắt đội tuyển vì HLV giỏi ở CLB chưa chắc đã thành công ở đội tuyển.
VFF,ban đầu đặt kế hoạch tới tháng 5/2012 sẽ tìm ra người kế vị Falko Goetz. Thời hạn đó được chuyển xuống tháng 8 – thời điểm V-League 2012 kết thúc. HLV mới sẽ có khoảng 4 tháng chuẩn bị cho AFF Cup 2012. Theo Tổng thư ký VFF, Ngô Lê Bằng thì quãng thời gian đó đủ để HLV mới chuẩn bị. Chuyên gia Trần Văn Phúc phản đối quan điểm này. Theo ông Phúc, chuẩn bị có nhiều kiểu.
“10 ngày chuẩn bị cũng xong! Nhưng chuẩn bị thế nào để đá tốt, đá thắng lại là chuyện khác. Riêng việc theo dõi, tuyển chọn cầu thủ đã mất cả năm trời. Làm thế nào để có những cầu thủ tốt nhất? Cách nào để tìm ra những cầu thủ có tiềm năng? Anh phải có thời gian theo dõi mới biết được. Bốn tháng chuẩn bị, với tuyển Việt Nam – nơi mà các cầu thủ còn thiếu chuyên nghiệp, có thể từ chối lên tuyển thì chỉ việc chọn người, đá tập vài trận đã rất mệt. Phải khẩn trương kiếm HLV mới để đội tuyển có thể chuẩn bị một cách tốt nhất”, ông Phúc phân tích.
VFF phủ nhận khả năng mời HLV ngoại nhưng để ngỏ phương án ký hợp đồng ngắn hạn, chừng 4 tháng với một trong ba ứng viên. Ông Phúc cho rằng, nếu ký hợp đồng ngắn hạn, lại mắc phải cách làm bóng đá theo kiểu ăn xổi ở thì.
“Phải đặt tình huống 3 ứng viên từ chối đến cùng. Khi ấy sẽ giải quyết thế nào? Tôi cho rằng, lên tuyển phải tâm huyết. Nếu không thiết tha, không nên mời theo kiểu cưỡng cầu. Ngoài 3 ứng viên, tôi cho rằng còn người đủ khả năng dẫn dắt đội tuyển dù không nhiều. Nếu không tìm được HLV nội, thì tính chuyện mời HLV ngoại. Bao đội tuyển mạnh trên thế giới cũng phải đi thuê HLV ngoại đó thôi. HLV ngoại không phải là giải pháp tồi nếu tìm được đúng người phù hợp. Đừng nên cứng nhắc, đừng bắt buộc phải dùng HLV nội. Nếu phương án này không ổn, hãy tính đến chuyện tìm HLV ngoại, một cách sớm nhất bởi đội tuyển không thể thiếu HLV trưởng quá lâu”, ông Phúc kết luận.
(Theo Vnexpress)