Hàn Quốc không còn cơn sốt World Cup như cách đây 4 năm. Bầu không khí tang thương vẫn bao trùm đất nước của những Chiến binh Taeguk sau thảm họa chìm phà Sewol hôm 16/4, khiến 288 người chết và 16 người vẫn đang mất tích.
Trên diễn đàn Daum của Hàn Quốc, hơn 4.500 thành viên đã đồng tình với bản kiến nghị, yêu cầu thay đổi slogan của ĐTQG tại World Cup 2014.
Chính quyền lúng túng vì World Cup
“Tận hưởng đi, các chàng trai áo đỏ” là biệt danh mà nhà tài trợ World Cup lựa chọn cho đội quân của HLV Hong Myung-bo sau thời gian dài bàn thảo. Nhưng những người ký tên vào kiến nghị cho rằng từ “tận hưởng” không phù hợp với một quốc gia đang trải qua chuyện buồn đau.
Trên Twitter, một fan có nickname “jun****” cho biết: “Tôi sẽ không ra đường để cổ vũ đội tuyển trong mùa World Cup. Tôi thậm chí sẽ không xem các trận đấu trên truyền hình. Chúng tôi vẫn cần thêm thời gian để chữa lành vết thương lòng”.
“Tổ chức một bữa tiệc rượu tại một đám tang ư? Đó là điều hoàn toàn vô nghĩa”- một người có nick “ji ***” phản đối khi được hỏi về World Cup.
Trở ngại cho chiến dịch cổ vũ cho ĐTQG của Hàn Quốc là Seoul Plaza. Nơi đây thường xuyên có hàng trăm nghìn fan tới tập trung cổ vũ mỗi dịp World Cup. Năm 2010, khi đài truyền hình Hàn Quốc truyền đi những hình ảnh về một lượng lớn fan hâm mộ tụ tập tại Seoul Plaza với toàn một sắc đỏ rực rỡ, báo chí nước ngoài đã sửng sốt về sức hâm mộ của người Hàn Quốc. Vào ngày diễn ra trận bán kết với Đức cách đây 12 năm, hơn 1 triệu người đã tụ tập tại Seoul Plaza và hơn 7 triệu người trên toàn quốc tràn ngập trên đường phố với hy vọng một chiến thắng của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Seoul Plaza lại được chọn là nơi để tang cho các nạn nhân của thảm họa Sewol. Khu vườn ruy băng được tạo ra ở đây nhằm tưởng nhớ, cầu nguyện cho các nạn nhân hay thể hiện niềm hy vọng mong manh những người còn mất tích sẽ trở về.
Các quan chức thành phố bởi vậy đang bị giằng xé giữa việc tưởng nhớ những công dân xấu số và chuẩn bị cho người dân một nơi để thưởng thức World Cup.
Hàn Quốc hãy là “Chile mới”
“Bất cứ khi nào đi ngang qua ban thờ cho các nạn nhân ở Seoul Plaza, tôi vẫn cảm thấy rất buồn. Nhưng chúng tôi không thể cứ mãi bi thảm như vậy. Tôi nghĩ rằng World Cup có thể là giải đấu hữu ích để thay đổi tâm trạng của cả quốc gia, từ đau buồn đến hy vọng”- anh Park Sang Joon, một cư dân Seoul 32 tuổi cho biết.
Mong muốn lớn nhất của những người như Park Sang Joon là Hàn Quốc có thể trở thành một “Chile mới”. Hai năm trước khi World Cup 1962 khởi tranh, tai họa đã bất ngờ đổ ập xuống Chile. Cơn động đất mạnh 9 độ rích-te đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người dân và biến một vùng rộng lớn của Chile thành đống đổ nát. Nhưng vượt lên nỗi đau, họ đã tổ chức thành công VCK World Cup 1962 với khẩu hiệu: “Chile đã mất tất cả, nên phải giữ lại bằng được World Cup”.
“World Cup không chỉ là bóng đá”- ông Kim Jong, nhà hoạt định chính sách của Bộ văn hóa Hàn Quốc cho biết. “Đây là cơ hội để các nước nâng cấp hình ảnh của họ. Cao hơn nữa, với trường hợp của Chile, nó là động lực để khắc phục một thảm họa quốc gia”.
Hàn Quốc không phải kém khả năng trong việc sử dụng World Cup là chất kết dính, đưa mọi người sát lại bên nhau trong thời điểm khó khăn. Trở lại năm 2002, việc đăng cai World Cup cùng với Nhật Bản, đã giúp Hàn Quốc động viên người dân đi qua được cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Giờ đây, khi World Cup 2014 cận kề, một niềm hy vọng mới lại dấy lên!
Theo Thể Thao Văn Hoá