Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

HA.GL xây nhà từ gốc

Thứ Tư 10/07/2013 06:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cú lốp bóng có chủ ý và khá đẹp mắt của Khuất Hữu Long đã giúp HA.GL giành chiến thắng cách biệt tối thiểu trước XM V.HP, qua đó, lần đầu tiên chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng sau 15 lượt trận của V-League 2013.

Lại thêm một cánh chim lạ phố núi nữa tỏa sáng. Sau những bể dâu, HA.GL quyết định từ bỏ thói quen đổ tiền mua ngôi sao nhằm gặt hái thành tích trước mắt, để quay lại với các sản phẩm của mình và thành công.

Với những Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long, Minh Hoàng, Bùi Trần Vũ, Tạ Thái Học, Lê Duy Thanh, Hoàng Thiên, Vũ Anh Tuấn, Thái Dương…, chưa bao giờ, dòng máu trẻ ở HA.GL lại dồi dào đến thế.

Hoàng Thiên (trái) từng khoác áo các ĐT U23 Việt Nam và thậm chí cả ĐTQG
Hoàng Thiên (trái) từng khoác áo các ĐT U23 Việt Nam và thậm chí cả ĐTQG

Dồi dào tài năng trẻ

Chỉ cần nhìn cách chạm bóng, người ta có thể đoán ngay đó là Hoàng Thiên, cầu thủ có cái chân trái khéo léo. Hoàng Thiên (sinh năm 1990) có thể không phải là đại biểu ưu tú nhất ở thế hệ trẻ thứ 2 của HA.GL, nhưng rõ ràng là so với những Duy Thanh, Thái Học, Bùi Trần Vũ, Thanh Tân…, Hoàng Thiên (cùng Xuân Hiếu, cựu hậu vệ U23 Việt Nam vẫn chưa thể trở lại sân cỏ sau tai nạn giao thông hồi năm ngoái-PV) chơi khá nhất và cũng được biết đến nhiều hơn khi từng khoác áo các ĐT U23 Việt Nam và thậm chí cả ĐTQG.

So với lứa đầu (đều sinh năm 1986-1988) do Sở TDTT Gia Lai (cũ) đào tạo từng đoạt ngôi á quân VCK U21 QG-Cúp báo Thanh Niên 2006 (Đà Nẵng), với những Thái Dương, Vũ Anh Tuấn, Tăng Tuấn, Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long, Văn Thuận…, lớp của Hoàng Thiên mỏng hơn, nhưng không hề kém chất. Câu hỏi đặt ra là, kể từ sau năm 2006, những Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long, nói chung là một nửa đội hình á quân U21 QG…, đã ở đâu trong các kế hoạch sử dụng của HA.GL, cho đến trước khi họ trở lại và tỏa sáng?

Suốt một thời gian dài, bộ đôi cầu thủ tên Long, cũng như Út Cường, Thanh Liêm…, gần như chỉ tập trẻ (dù quá tuổi) và mới được đăng ký trong danh sách đội một HA.GL kể từ V-League 2012. Khi Văn Trương còn đỉnh cao phong độ hay lúc Việt Cường vẫn ở phố núi, hỏi Bùi Văn Long đứng ở đâu so với những thương hiệu tiền tỷ ấy?

Sự tích cực trên thị trường chuyển nhượng của HA.GL là nguyên nhân khách quan dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa. Nếu bóng đá đơn thuần là thành tích, đó có thể đã là những vụ đầu tư sai lầm.

Không còn “ốc mượn hồn”

Cho đến thời điểm này, chắc không nhiều người còn nhớ cái tên Văn Thuận. Cũng giống như Thái Dương, Tăng Tuấn và Vũ Anh Tuấn, Văn Thuận được lên đội một HA.GL từ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, chỗ quen thuộc nhất của tiền vệ nhỏ con này lại là khán đài, hoặc phụ xách nước đập đá, trước khi phải tìm đường chuyển ra K.KH.

Từ hơn một năm qua, cả Thái Dương hay Anh Tuấn, những cựu tuyển thủ QG, cũng đang phải chịu chung thảm cảnh. Bóng đá là thế, với cuộc cạnh tranh vị trí cực kỳ khốc liệt và đó là một tín hiệu đáng mừng với HA.GL.

Chơi rất đa năng ở cánh, có thể lên công về thủ và đặc biệt có lối đá rắn và rát khi cần thiết, Bùi Văn Long chính là tác nhân đẩy các đàn anh như Minh Thiện và Văn Trương lên băng ghế dự bị. Trong thời gian Đoàn Văn Sakda nghỉ dưỡng thương dài hạn, Khuất Hữu Long và Tạ Thái Học đã không ít lần được cất nhắc bên cạnh Quý Sửu.

Và Bùi Trần Vũ nữa, một tiền vệ đa năng và có xu hướng bó vào trong. Phần lớn những cầu thủ trẻ được sử dụng nhiều ở HA.GL trong mùa giải này đều chơi trên mức tròn vai.

Chỉ có khoảng 50% các cầu thủ trẻ (sinh sau năm 1986) trưởng thành từ hệ thống đào tạo của Sở TDTT Gia Lai (cũ) và HA.GL sau này là người bản địa, số còn lại đến từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Đắc Lắk (những “vệ tinh” của bóng đá Gia Lai), thậm chí từ Thanh Hóa, Nghệ An…

Điều đáng nói là họ tìm lên phố núi từ khi còn rất trẻ, khoảng 15 -16 tuổi và nghiễm nhiên là sản phẩm của bóng đá xứ này. “Đất lành chim đậu” mà thôi, và ngay lúc này, HA.GL có thể tự hào mà rằng họ không mua tất cả bằng tiền như trước nữa và cũng hết sống vội rồi.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X