Bầu Kiên từng nói: bóng đá là sân khấu bốn mặt, không gì qua mắt được người hâm mộ. Đúng thế, không có gì che mắt được người hâm mộ…
1. Hôm nay, giải Ngoại hạng, hay nói cách khác mùa giải chuyên nghiệp lần thứ 12, sẽ khởi tranh. Có lẽ, những người hâm mộ chân chính, kể cả các bộ phận đang tham gia cuộc chơi đang được gọi bằng cái tên mỹ miều Super League, đều muốn tất cả những tồn tại của quá khứ, trước hết ở tầm vĩ mô, được giải quyết dứt điểm để tất cả an tâm lật giải nội địa sang một trang mới.
Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến lời một tuyển thủ QG thuộc hàng ngôi sao từng nói trước đây: “Các bác, các chú đánh nhau xong chưa, để chúng cháu còn đá bóng”?Quả bóng Super League chưa lăn nhưng chuyện bản quyền truyền hình đã khiến dư luận và báo chí sôi lên sùng sục
Bóng đá chuyên nghiệp VN đang đứng trước một giai đoạn được coi là bản lề. Cũng có thể gọi, chưa bao giờ cơ hội để làm một cuộc cách mạng cho cả nền bóng đá và giải nội địa nói riêng, thích hợp và triệt để như lúc này. Để ra đời một VPF là cả một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa VFF với các ông bầu, do ông Nguyễn Đức Kiên khởi xướng. Cuộc chiến giữa dư luận và VFF, hay đang nóng hổi là bản quyền truyền hình, cũng nên coi là chuyện bình thường. Đã đấu tranh thì… tránh đâu. HĐTT QG, với nhiều tên tuổi lẫy lừng tan tành; trưởng BTC giải cũ cũng “đứt”, nhường chỗ cho nhiều nhân tố mới; đến TTK VFF, HLV trưởng Falko Goetz gãy ghế…Có thể sự tan rã chưa dừng lại. Đấy là chuyện bình thường, hợp với quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.
Để đi đến một sự thống nhất mang ý nghĩa tích cực, sẽ còn “đánh nhau” dài dài. Có điều, mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu như các bên nghĩ đến cái chung: vì sự phát triển của bóng đá VN, vì lợi ích khán giả. Như vụ bản quyền truyền hình, thay vì bên nào cũng khăng khăng mình đúng, thì phải ngồi lại với nhau, cùng nhìn thẳng vào vấn đề và tháo gỡ vướng mắc như những người đàn ông. Phải nhận thức rằng cái mới ra đời, không có nghĩa là phủ nhận hết tất cả những mặt tích cực của cái cũ. Sự thống nhất chỉ đạt được khi cái mới có sự kế thừa những mặt tích cực của cái cũ.
Trong đó, VFF với tư cách là đứng đầu một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tên bóng đá, họ không thể đóng vai trò tọa sơn quan hổ đấu, dỏng tai lên thăm dò dư luận, tệ hơn là muốn trở thành vị trọng tài như nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến quyền lợi trong bóng đá trước đây. Với bản hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn kỷ lục 20 năm đã ký với VFF, AVG không có lỗi, bởi đơn giản với tư cách một doanh nghiệp, thấy lợi là họ mua, dựa trên sự hợp lý và hợp pháp.
2. Bóng đá là sân khấu 4 mặt. Thời gian sẽ giải mã tất cả ai thực sự vì sự phát triển của bóng đá VN. Khán giả sẽ là thước đo chính xác nhất chất lượng chuyên môn, độ hấp dẫn của giải có tăng lên so với trước.
Cuối cùng, thật là tiếc nuối khi mùa giải mới diễn ra trong điều kiện vội vội, vàng vàng, mang tính đối phó. Ra đời VPF cũng vội, trảm tướng; quyết định giữ lại rồi đồng ý cho TTK VFF nghỉ; AVG lập ngôn bày tỏ quan điểm thì hôm sau VPF cũng phản đòn…
Tại sao không tạm dừng tất cả, tiến hành đại hội bất thường, tái cấu trúc một cách hệ thống VFF và cả nền bóng đá. Khi nào, “đánh nhau” cơ bản xong, rồi mới tiến hành khai mạc giải?
Đến đây, căn cứ vào những gì đang diễn ra, có thể trả lời với người hâm mộ cả nước là: “các bác, các chú” còn lâu mới đánh nhau xong. Thế nên, mùa giải chuyên nghiệp 2012 vẫn sẽ diễn ra với cụm từ quen thuộc: quá độ,.
Bao giờ bóng đá VN mới thoát ra được 2 từ đó, khi “các bác, các chú” cứ đánh nhau hoài khiến cho bóng lăn rồi mà các bên cứ ngơ ngác, bất an vì thượng tầng chưa yên!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)