Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Gerd Muller - Vua dội bom

Thứ Sáu 30/05/2014 14:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Ông được người hâm mộ nước Đức trìu mến gọi với biệt danh "Der Bomber" (Người dội bom) vì khả năng "tàn khá" khung thành đối phương đáng kinh ngạc.

"Dị nhân" Muller

Gerd Muller sinh ngày 3 tháng 11 năm 1945 tại thành phố Nordlingen ở miền Nam nước Đức, cách Munich khoảng một giờ rưỡi xe chạy. Năm lên 9 tuổi, Muller đã bắt đầu rong ruổi khắp nơi với trái bóng và kể từ đó, nó luôn đồng hành cùng với cậu bé, kể cả trong những giấc mơ.

Năm 15 tuổi, Muller tới dự tuyển vào trường đào tạo bóng đá của câu lạc bộ tại thành phố quê hương là TSV 1861 Nordlingen vì cảm thấy chán ngán công việc buồn tẻ ở xưởng dệt địa phương. Người huấn luyện viên chịu trách nhiệm tuyển chọn cầu thủ cho câu lạc bộ thoạt đầu nhìn thấy bộ dạng của Muller ngay lập tức phán một câu xanh rờn: "Cậu sẽ không thể tiến xa được trong bóng đá đâu! Nên tìm một công việc khác thích hợp thì hơn!"

 

Theo miêu tả của những nhân viên tuyển trạch CLB, Muller là một gã trai tỉnh lẻ, người vạm vỡ nhưng thấp, đậm, thậm chí còn hơi béo. Với dáng vẻ bề ngoài như thế, Muller không thể là mẫu tiền đạo lý tưởng. Nhưng rồi họ đã ngay lập tức đổi ý khi Muller được tung vào sân để thử việc.

Ở cậu thanh niên tuổi teen này ẩn chứa một bản năng "sát thủ" ghê gớm. Cậu ta có thể ghi những bàn thắng dễ dàng như lấy đồ vật trong túi, với những kỹ thuật khác lạ mà hậu vệ đối phương, dù đã chăm chăm phang vào chân cậu, Muller vẫn có thể thoát đi và ghi bàn. Cặp đùi to quá khổ và đôi chân ngắn hơn bình thường của "dị nhân" Muller hóa ra lại là một lợi thế, giúp cậu có thể xoay trở cực tốt trong cự ly hẹp, bất ngờ đổi hướng dẫn bóng mà không hề mất thăng bằng, mặc cho đối phương ngã nhoài xuống đất.

Muller nhanh chóng thăng tiến ở trường đào tạo của Câu lạc bộ TSV 1861 Nordlingen, được đưa vào đội trẻ rồi sau đó lên đội hình chính thức của câu lạc bộ. Chỉ sau 3 năm chơi bóng ở đây Mulller đã ghi tới 51 bàn thắng trong 32 trận ra sân, trước khi được giới thiệu tới Bayern Munich. Nhưng cũng giống như ngày đầu dự tuyển vào TSV, Muller vấp phải ánh mắt đầy ngờ vực của HLV Bayern Munich khi ấy, ông Zlatko Cajkovski, thường được gọi một cách thân mật là "Tschik".

Đó là quãng thời gian khó khăn của Hùm xám nước Đức, khi họ trầy trật thi đấu ở giải hạng hai và ngày càng xa vị trí thăng hạng. Điều kỳ lạ là đội bóng của xứ Bavaria có một dàn cầu thủ không đến nỗi nào. Họ là những cầu thủ trẻ, đầy nhiệt huyết, hừng hực quyết tâm muốn chứng tỏ cho thế giới biết họ là ai. Khốn nỗi, Hùm xám lại không có nanh vuốt sắc nhọn vì chẳng có ngôi sao nào thực sự biết ghi bàn. Thế nhưng, nhìn bộ dạng của Muller, "Tschik" cũng chẳng dám đánh bạc với gã trai tỉnh lẻ được đồn thổi đã ghi cho đội bóng TSV tổng cộng tới 180 bàn thắng. Để rồi, trong suốt 10 trận đấu sau đó của Bayern Munich để chuẩn bị cho mùa bóng mới, Gerd Muller được xếp ở vị trí... dự bị.

Tuy nhiên, sau những buổi tập miệt mài thể hiện của Muller, "Tschik" đã phần nào nhìn ra tài năng tiềm ẩn trong cậu thanh niên trẻ tuổi. Để rồi, cùng với hai "ngôi sao mai" là Franz Beckenbauer và Sepp Maier, Muller đã đưa Bayern thăng hạng nhất, mở ra trang sử vàng chói lọi của Hùm xám những năm 1960.

Từ năm 1964-1979, Muller đã ghi 365 bàn sau 427 trận ra sân ở Bundesliga, trở thành "Vua dội bom" trong lịch sử giải đấu số 1 nước Đức, bỏ xa người đứng thứ hai, Klaus Fischer, tới gần 100 bàn. Ông đã 7 lần giành ngôi Vua phá lưới, đưa Bayern giành 4 chức vô địch Bundesliga, 4 lần đăng quang cúp quốc gia, đồng thời chắp cánh cho Hùm xám 3 lần bước lên bục cao nhất ở đấu trường châu Âu. Cho đến nay, thành tích ghi 66 bàn trong 74 trận ở các cúp châu Âu của Muller vẫ là một kỷ lục.

"Vua dội bom" của những cỗ xe tăng Đức

Với 68 bàn thắng sau 62 trận khoác áo những chú đại bàng, Muller trở thành cầu thủ hiếm hoi đạt hiệu suất lập công trên một bàn mỗi trận. Với phong độ "hủy diệt" của mình, Muller đã xé toang mảnh lưới đối phương tới 10 lần tại World Cup 1970. Và mặc dù niềm vui chưa trọn vẹn, khi ĐT Đức bị Italy hạ gục 4-3 sau 120 phút thi đấu kịch tính tại bán kết, nhưng Muller đã có cái kết đẹp cùng những cỗ xe tăng 4 năm sau đó. Trong trận chung kết World Cup 1974, ĐT Đức đụng độ một Hà Lan đầy sức mạnh với lối đá tấn công tổng lực. Nhưng Muller đã bóp nát giấc mơ Vua của cơn lốc màu da cam bằng bàn thắng ấn định tỷ số 2-1.

Trận chung kết World Cup 1974 với Hà Lan cũng đồng thời là trận cuối cùng mà Muller chơi cho đội tuyển quốc gia, nhằm chuyên tâm cống hiến cho Bayern Munich. Với 14 bàn thắng qua hai kì World Cup, Muller đồng thời đoạt ngôi vị "Vua dội bom" trong lịch sử cúp bóng đá thế giới, trước khi Ronaldo phá vỡ kỷ lục này năm 2006 (nhưng "người ngoài hành tinh phải mất tới 4 kì World Cup để viết nên kỷ lục mới).

Giã từ nghiệp cầu thủ đỉnh cao, Muller chọn nước Mỹ làm nơi kết thúc sự nghiệp vẻ vang của mình vào năm 1979. Tuy nhiên, đây lại không phải là bến đỗ bình yên đối với Gerd Muller. Chơi ba mùa bóng cho Fort Lauderdale Strikers, Muller ghi được 40 bàn thắng trong 80 trận thi đấu cho đội bóng này, kết quả hết sức ấn tượng đối với một tiền đạo đã chạm ngưỡng 36 tuổi. Đến năm 1981, Muller chính thức treo giày và mở một quán bar ở ngay Florida để sinh sống, khởi đầu cho tấn bi kịch cuộc đời.

Rời bỏ sân cỏ cùng cái không khí cuồng nhiệt trên khán đài, những đợt tập huấn căng thẳng nhưng cũng đầy niềm vui, rồi khoảnh khắc sau những bàn thắng, khi khắp các khán đài hô vang tên ông, Muller rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Thời gian rảnh rỗi, Muller không biết làm cách nào để lấp đầy khoảng trống buồn tẻ ấy và rồi trung phong xuất sắc của mọi thời đại tìm đến một người bạn tồi tệ: rượu!

Rượu đã từng phá hỏng cuộc đời và sự nghiệp của không ít cầu thủ kiệt xuất trong bóng đá thế giới như Garrincha, George Best và với Gerd Muller cũng không phải là ngoại lệ. Cô con gái yêu của Muller đã nhiều lần không nhận ra nổi người bố của mình, còn vợ ông đệ đơn ly dị vì không thể chịu nổi một người chồng luôn luôn say mèm. Cuộc ly dị tốn kém theo luật pháp Mỹ cùng những thất bát trong chuyện làm ăn đã tước đi của Muller những đồng tiền cuối cùng. Không gia đình, không tiền bạc, cuộc đời của Muller có nguy cơ rơi vào tấn thảm kịch như nhiều người nghiện rượu khác.

Nhưng khác với Garrincha và George Best, số phận đã không quá nghiệt ngã với huyền thoại một thời của bóng đá Đức, khi những người đồng đội cũ đã không quên "Vua dội bom". Chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng đội, "Hoàng đế" Franz Beckenbauer đã kêu gọi: "Bóng đá Đức sẽ không thể có được chức vô địch châu Âu năm 1972 cũng như vô địch thế giới năm 1974 nếu không có Muller. Chúng ta không thể để cho một người bạn như Muller phải chịu cảnh bi đát như vậy".

Vậy là, một chiến dịch do những người bạn cũ của Muller ở CLB Bayern Munich và ĐT Đức được lập nên, đứng đầu là Uli Hoeness, khi đó đã là một thành viên trong ban lãnh đạo của câu lạc bộ. Ban đầu, họ quyên góp tiền để có thể trả lệ phí cho Muller điều trị tại một trung tâm cai nghiện rượu, trước khi đưa Muller về làm công tác huấn luyện ở Bayern. Giờ đây, Muller đang chịu trách nhiệm đào tào đội hình trẻ Hùm xám, một công việc giúp ông có thể truyền tải kinh nghiệm "dội bom" cho lớp hậu bối.

World Cup 1970

Chủ nhà: Mexico
Đội bóng: 16 (từ 5 châu lục)
Vô địch: Brazil (danh hiệu thứ 3)
Á quân: Italy
Hạng ba: Tây Đức
Hạng tư: Uruguay
Số trận: 32
Bàn thắng: 95 (2,97 bàn/ trận)
Khán giả: 1.603.975 (50.124 người/ trận)
Vua phá lưới: Gerd Muller (Tây Đức, 10 bàn)
  
Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X