Thứ Ba, 26/11/2024Mới nhất
Zalo

Chủ tịch AVG “nói rõ” hợp đồng bản quyền bóng đá nội

Thứ Hai 20/02/2012 21:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau khi Bộ VH-TT-DL công bố kết luận thanh tra hợp đồng truyền hình giữa VFF và AVG. Chiều 20/2, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã lên tiếng giải thích những câu hỏi liên quan đến quyền lợi người hâm mộ, việc sử dụng lợi nhuận từ khai thác bản quyền bóng đá nội.

Kể từ thời điểm nổ ra “cuộc chiến” bàn quyền giữa VPF - AVG, mức giá bán 6 tỷ đồng/năm (hàng năm lũy tiến 10%) mà VFF nhận được khi ký hợp đồng kéo dài 20 năm với AVG luôn là chủ đề thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Chính lãnh đạo VPF đã nhiều lần lên tiếng khẳng định đây là mức giá quá thấp.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Phạm Nhật Vũ khẳng định mức giá chi trả 6 tỷ đồng cho VFF ở năm đầu thực hiện hợp đồng (2011) là đúng: “Hàng năm AVG chi trả cho VFF 6 tỷ đồng (chưa tính điều khoản tăng hàng năm 10%). Nhưng chi phí để biến thương quyền thành một sản phẩm hoàn thiện lại không hề rẻ…”.

Ông Vũ khẳng định sẽ không hưởng đồng lợi nhuận nào từ bản quyền

Theo tính toán được ông Vũ đưa ra. Để sản xuất 1 trận đấu, AVG phải trả 100 - 150 triệu đồng cho các khâu ghi hình, xe màu, đường truyền dẫn, lực lượng tham gia sản xuất, các chi phí phát sinh. Trong khi đó, số tiền bản quyền mà AVG thu lại từ VTV hoặc VTC trung bình chỉ 30 triệu đồng/1 trận, con số cách xa chi phí sản xuất thực.

Người đứng đầu AVG mong muốn sẽ có sự kết hợp giữa các đơn vị tham gia khai thác giải đấu để cùng nhau giảm phần chi phí sản xuất không cần thiết, nếu để nhiều đơn vị cùng vào khai thác mỗi trận đấu.

Liên quan đến giấy phép hoạt động của AVG, Chủ tịch Phạm Nhật Vũ cho biết: AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ, không phải là đài truyền hình nhưng có quyền sản xuất chương trình theo đúng quy định hiện hành. Với lực lượng 1000 người, cùng kế hoạch đầu tư lên đến 2000 tỷ đồng thì không có cơ sở để khẳng định AVG không có đủ năng lực sản xuất” chương trình.

Với việc đưa kênh NCM đưa vào khai thác, bên cạnh 5 kênh tự sản xuất và liên kết, AVG tự tin khẳng định đây là kênh chuyên về thể thao có tần suất cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng cam kết nỗ lực đảm bảo quyền lợi của người hâm mộ với mức chi phí thấp nhất, sẵn sàng liên kết với các đơn vị để cùng khai thác. Nếu khán giả không được phục vụ do các đài truyền hình không phát, đó không thuộc trách nhiệm đơn vị sở hữu bản quyền.

Bên cạnh lời cam kết đảm bảo quyền lợi khán giả, lần đầu tiên ông Vũ cho công khai những nguồn thu AVG có được từ việc khai thác bản quyền truyền hình và mục đích sử dụng. Theo lời người đứng đầu AVG, đơn vị này có 3 nguồn thu: Tiền bản quyền từ các đài truyền hình (tự sản xuất); Bán sản phẩm định hình (sóng sach); Bán sản phẩm hoàn chỉnh (có chèn quảng cáo), hiện đang cho miễn phí.

Chủ tịch AVG tái khẳng định, đơn vị này sẽ không nhận bất cứ đồng lợi nhuận nào từ việc khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp. Số tiền này được dành cho các dự án thúc đẩy phát triển thể thao và bóng đá. Sau khi đã trừ chi phí mua bản quyền, AVG dành 30% cho Quỹ hộ trợ VĐV, 30% cho các Liên đoàn thể thao, 20% cho thể thao thành tích cao, 20% cho thể thao quần chúng.

Theo lời ông Vũ, trong buổi làm việc với ban lãnh đạo VPF sáng mai (21/2) gồm có: Chủ tịch Võ Quốc Thắng, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, TGĐ Phạm Ngọc Viễn. AVG sẽ công khai nguồn thu và cách sử dụng nguồn lợi nhuận từ việc khai thác bản quyền truyền hình bóng đá nội. Chủ tịch Phạm Nhật Vũ khẳng định sẵn sàng bắt tay với tất các đơn vị, miễn là vì sự phát triển của TTVN, trong đó có VPF.

(Theo Dân Trí)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X