Cậu bé ấy chỉ có mỗi chân trái, nhưng một quyết định đặc biệt của những người làm bóng đá đã cho phép cậu được ra sân thi đấu như những người đặc biệt. Và ước mơ lớn nhất của cậu là được gặp thần tượng Messi...
“Messi cũng như cháu, thuận chân trái”, Francesco bảo thế. Cậu mới 13 tuổi và chỉ có mỗi một chân, chân trái. Cậu bẩm sinh đã thế. “Cháu thèm được chơi bóng, nhưng không tìm thấy ai cùng hoàn cảnh như cháu trong một giải đấu để chơi cùng. Vì cháu cụt chân và cháu dùng nạng”. Cậu có hai giấc mơ: Được chơi bóng trong một giải đấu, và được gặp Messi, thần tượng của cậu. Những giấc mơ ấy đều trở thành hiện thực.
Ban lãnh đạo của Milan biết việc này, và khi Barcelona đến làm khách trên sân San Siro trong trận lượt về ở vòng bảng Champions League và đã thu xếp cho cậu bé gặp Messi. Tuyệt vời thay, hôm ấy chính là sinh nhật của cậu và cuộc gặp với Messi ở phòng thay quần áo của sân San Siro chính là món quà đẹp nhất mà cậu nhận được trong đời từ trước đến giờ. Francesco bên thần tượng của mình, Lionel Messi...
“Cháu xúc động. Cháu không thể nói lên lời”, cậu bảo. Và rồi, chủ nhật vừa qua, Francesco hoàn thành giấc mơ đầu tiên: cậu được ra sân chơi bóng trận đầu tiên trong một giải thiếu nhi, nhờ sự can thiệp của CSI (cơ quan thể thao của Hội đồng giám mục Italia) và người đứng đầu của tổ chức này, Massimo Achini. Ông biết được câu chuyện về Francesco vào tháng 12/2011. Ông nói: “Luật lệ cần phải được thay đổi sao cho phù hợp với cuộc sống chứ không phải là đi ngược lại nó. Chúng tôi thay đổi luật của giải để Francesco và những người như cậu được chơi bóng”.
Mẹ của Francesco, bà Francesca, từng là một tiền đạo cho đội bóng nữ của Correggio, thị trấn nhỏ ngoại ô Reggio Emilia, thủ phủ xứ Emilia-Romagna ở miền bắc Italia. Bà bảo: “Tôi tin rằng, con tôi có thể đá bóng được. Khi cái thai được 8 tháng, khi chiếu 3 chiều, tôi cảm thấy nó đá tôi một cái. Tôi bảo bà bác sĩ: “Nó sẽ trở thành một cầu thủ”. Thế rồi, trong một thoáng lúng túng, bà bảo: “Thưa bà, thằng bé chỉ có một chân”. Im lặng hồi lâu. Thế rồi tôi nói: “Vậy thì nó sẽ chơi piano, như cha mình”.
Ông Stefano, cha của Francesco, rất yêu âm nhạc. Ông đánh piano rất hay. “Tôi đánh piano cho nó nghe. Tôi muốn nó theo nghiệp của tôi. Nhưng vô ích. Nó không thích”. Đấy là những bản nhạc của những năm 1970. Nhưng ông Stefano còn sáng tác các bản nhạc lễ cho nhà thờ xứ mà Francesco là một thành viên của giáo đoàn. Trong các buổi lễ, Francesco hát, còn ông thì đàn cho dàn đồng ca.
Nhưng âm nhạc không phải là đam mê lớn của cậu. “Cháu bắt đầu đá bóng khi mới lên hai. Nhưng tình yêu bóng đá với cháu chỉ thực sự trở nên nóng bỏng khi cháu được xem Messi chơi bóng”. Vị trí đầu tiên của cậu là gì? Thủ môn. Và cậu không thích thú lắm với vai trò của một kẻ chuyên nhặt bóng trong lưới, vì cậu mê ghi bàn. Giờ thì Francesco chơi cho đội thiếu nhi Mandrio, tập ba tuần một lần và bắt đầu được đá bóng thực sự, dù cậu chỉ có một chân và phải dùng nạng.
Luca, huấn luyện viên của đội, tuyên bố: “Nhưng để có một vị trí trên sân, Francesco phải chứng tỏ cậu xứng đáng như những cậu bé khác. Chúng tôi coi Francesco là một tấm gương cho các đồng đội nhí của cậu. Cậu trưởng thành và thể hiện sự khát khao tột cùng thì những đứa khác cũng sẽ trông vào và trưởng thành cùng”. Việc Francesco được đặc cách thi đấu là chuyện chưa từng có. Ở Italia, không một người tàn tật nào được chơi bóng với những người bình thường và Francesco đã lập ra một blog riêng để tập hợp những người tàn tật nhưng có đam mê bóng đá như mình.
Ngoài nước Italia, người tàn tật có giải đấu riêng. Họ đá bóng với nhau ở Anh và Đức. Francesco: “Cháu có nhiều người bạn cùng cảnh ngộ và cùng nỗi đam mê, nhưng cháu muốn chơi bóng cùng với họ, muốn lập ra đội bóng của những người dùng nạng”. Francesco mất hoàn toàn chân phải cũng như một quả thận, nhưng “cháu vẫn có thể chơi bóng được dù không có chân phải”. Nhưng Francesco bảo rằng, nếu có chân phải, chưa chắc cậu đã đá được bóng.Francesco đang chơi bóng bằng một chân và nạng
Cậu dùng nạng để làm chân trụ và dùng chân trái để kiểm soát bóng và sút bóng. “Cháu không chơi xấu. Cháu có thể phạm lỗi bằng nạng. Bằng cách nào ư? Cháu đánh các đối thủ. Nhưng cháu không làm. Còn các đối thủ thì hay phạm lỗi với cháu. Các bạn ấy lao vào cái chân duy nhất của cháu, hoặc kéo nạng của cháu. Cháu ngã xuống, nhưng cháu đứng dậy ngay sau đó. Không gì ngăn cản cháu được”.
Câu chuyện về Francesco thậm chí đã được đạo diễn Carlo Battelli quay thành phim tài liệu, có tựa đề “Một” (Uno). Bộ phim đã giành giải đặc biệt của Liên hoan phim Italia tại Cuneo, miền bắc nước này. Mẹ Francesca nói trong xúc động: “Khi nhìn thằng bé đá bóng trên sân, tôi hạnh phúc. Nó sống cuộc đời của một người tàn tật không phải với cảm giác rằng mình khác biệt với tất cả mọi người, mà với một cá tính đặc biệt. Sự phân biệt chỉ có trong đầu chúng ta, những người bình thường, mà thôi”. Francesco không nghĩ đến những gì đã xảy ra với cậu, đến những ca mổ kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ được thực hiện hai ngày sau khi cậu ra đời để giúp cậu có thể sống như những người khác có đủ thận và chân.
Nụ cười của Francesco như mặt trời tỏa nắng, giọng xứ Emilia của cậu trong trẻo, sự đáng yêu hiện lên trong ánh mắt. Mẹ Francesca kể rằng, một lần, có con muỗi đậu lên cái nạng của cậu, Francesco cười lớn và bảo: “Cậu say à? Cậu không thấy đấy là chân giả hay sao?”.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)