Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Bốc thăm VCK World Cup 2010: Brazil rơi vào bảng Tử thần, Anh và Tây Ban Nha gặp bảng dễ

Thứ Bảy 05/12/2009 01:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Hầu như kỳ World Cup nào cũng có những bảng đấu tử thần và VCK World Cup 2010, lần đầu tiên được tổ chức ở Lục địa Đen, không phải là ngoại lệ. Những lá thăm may rủi đã đưa 3 đại diện Brazil, Bờ Biển Ngà, Bồ Đào Nha vào chung bảng G. Đó xứng đáng được coi là bảng hấp dẫn và căng thẳng nhất nhất của VCK với sự đối đầu đáng mơ ước giữa 2 Galacticos Ronaldo và Kaka.

Vận đen dính vào Brazil, thử thách cho "Cỗ xe tăng" Đức

Đội tuyển giàu thành tích nhất qua các kỳ World Cup, Brazil (5 chức vô địch) đã đứng trước những thử thách vô cùng khó khăn ngay từ vòng bảng của VCK World Cup 2010 khi bị "chọn" vào bảng đấu mang nhãn hiệu mà không ĐT nào mong muốn: bảng Tử thần với những đối thủ sừng sỏ như Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà và ẩn số CHDCND Triều Tiên. Dù chỉ giành vé tham dự VCK qua "cửa hậu" đá play-off nhưng Bồ Đào Nha vẫn là ĐT có số má trên thế giới và biệt danh của họ chính là ... "Brazil của châu Âu". Ronaldo và Kaka đang trên con đường trở những những đối tác ăn ý ở CLB Real Madrid và chưa đầy một năm sau, cả hai sẽ phải đứng trên 2 đầu chiến tuyến với cuộc chiến "một mất một còn". Tại kỳ WC 2006, hẳn nhiều người vẫn còn nhớ như in hai người bạn thân hồi đó ở MU, Ronaldo và Rooney đã có tình huống xích mích trên sân (Rooney ăn thẻ đỏ với những lời phàn nàn của Ronaldo) và suýt chút nữa dẫn đến sự đổ vỡ về mặt tình cảm ở CLB. Năm sau, rất có thể, Ronaldo và Kaka sẽ "không thèm nhìn mặt nhau" khi cả hai phải chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Năm sau, tình bạn chớm nở giữa Ronaldo và Kaka sẽ đứng trước thử thách

Bờ Biển Ngà với những hảo thủ đầy tài năng đang chinh chiến ở các CLB hàng đầu châu Âu như Didier Drogba, Kalou (Chelsea), Yaya Toure (Barcelona), Kolo Toure (Manchester City) dĩ nhiên sẽ luôn nhận được những ánh mắt tôn trọng và lo ngại. Dường như, Bờ Biển Nga rất có duyên với bảng Tử thần khi cách đây 4 năm ở lần đầu được tham dự một VCK World Cup, đại diện của châu Phi rơi vào bảng có sự hiện diện của Argentina, Hà Lan và Serbia. Lần đó, họ đã thất bại nhưng lần tới, mọi chuyện có thể sẽ khác bởi Bờ Biển Nga đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn ở đấu trường đỉnh cao. Còn CHDCND Triều Tiên là một ẩn số không dễ có lời giải. Vào WC 1966, họ từng gây chấn động làng túc cầu giáo khi đánh bại ĐT hùng mạnh Italia và xuất sắc lọt vào tứ kết. Biết đâu đấy ở WC 2010, Brazil hay Bồ Đào Nha sẽ là nạn nhân tiếp theo của ĐT đến từ châu Á. Chưa biết kết cục của bảng G thế nào nhưng chắc chắn người hâm mộ sẽ được chứng kiến những trận cầu nảy lửa, hấp dẫn với sự so tài trên sân cỏ của những ngôi sao hàng đầu thế giới ngay từ vòng bảng.

Kém cạnh hơn một chút có lẽ là bảng D với những cái tên Đức, Serbia, Ghana và Australia. Đội tuyển 3 lần VĐTG, "Cỗ xe tăng" Đức nghiễm nhiên được đánh giá cao nhất bảng đấu nhưng nếu không cẩn thận, rất có khả năng, họ sẽ bị Serbia, Ghana hay bất ngờ nhất là Australia hất cẳng khỏi VCK. Với truyền thống được kế thừa từ ĐT Nam Tư cũ cùng một lực lượng khá mạnh và đồng đều với những ngôi sao như Stankovic (Inter Milan), Vidic (MU), Ivanovic (Chelsea), Serbia không phải đến Nam Phi với tư thế của "kẻ rong chơi". Ghana của Essien từng vượt qua vòng bảng ở WC 2006 (cũng là lần đầu họ tham dự), trên những ĐT giàu kinh nghiệm hơn như CH Séc hay Mỹ. Vì thế, đừng nên coi thường tiềm lực của Ghana. Australia được coi là đội lót đường ở bảng D nhưng chính cái "vị thế" đó sẽ khiến Australia thi đấu với tinh thần vô cùng thoải mái và có khả năng làm nên bất ngờ.

Anh, Italia, Argentina, Tây Ban Nha mừng ra mặt

Các đội tuyển hạt giống khác của VCK World Cup 2010 đều không giấu nổi sự hài lòng sau lễ bốc thăm khi may mắn rơi vào những bảng dễ dàng và chỉ cần không đột nhiên thi đấu quá kém cỏi, sẽ khó có chuyện họ về nước sớm từ vòng bảng. Ngon nhất có lẽ "Tam sư" Anh và "Những chú bò tót" Tây Ban Nha. Fabio Capello và các học trò chỉ phải gặp Hoa Kỳ, Algeria và tân binh mới toanh Slovenia. Xét về mọi mặt, cả ba ĐT này không thể sánh nổi với quê hương của môn Thể thao vua. ĐT Anh dưới sự dẫn dắt của Don Fabio đang được đánh giá là một trong những ứng cử viên cho ngôi vô địch nên những trở ngại tầm như Hoa Kỳ hay Slovenina là quá đơn giản với họ.

Fabio Capello mừng ra mặt sau lễ bốc thăm

Tây Ban Nha cũng gặp bảng đấu dễ dàng so với thực lực của các nhà ĐKVĐ châu Âu. Những Xavi, Torres, Alonso, Casillas, Iniesta không cần thi đấu với 100% phong độ cũng thừa sức ăn đứt Thuỵ Sĩ, Chile hay Honduras. Khả năng đội tuyển số 1 thế giới hiện nay bị loại ở vòng bảng gần như chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích mà thôi, thậm chí ngôi đầu bảng gần nắm chắc trong tay họ. Huyền thoại Diego Maradona hẳn vui sướng không kém gì lúc ĐT của ông giành vé tham dự sau một hành trình đầy khó nhọc và không kém phần may mắn bởi Argentina có thừa cơ hội vượt qua vòng bảng khi thách thức lớn nhất chỉ là "Những chú Đại bàng xanh" Nigeria mà so với những năm trước, ĐT này đã không còn được coi là hiện tượng. Phép nhiệm màu của "phù thuỷ" Otto Rehhagel đã mất hết tác dụng ở Hy Lạp và cựu vô địch châu Âu đã trở về đúng với vị trí tương xứng của mình. Còn Hàn Quốc ư? Nếu WC 2010 được tổ chức trên sân nhà của họ như hồi WC 2002 thì hãy xét đến khả năng của Park Ji Sung và các đồng đội.

Trong khi, con đường bảo vệ chức VĐTG của Italia khá rộng mở ở điểm xuất phát. Nếu không thắng nổi bậc "đàn em" như New Zealand hay Slovakia (lần đầu tham dự) thì tốt nhất thày trò Lippi nên xem lại tư cách nhà vô địch của mình. Paraguay là trở ngại khó khăn nhất nhưng ĐT này chỉ có thể "hoành tráng" trong nội bộ khu vực Nam Mỹ còn ra đến đẳng cấp thế giới, đừng mơ đến chuyện gây bất ngờ cho Italia. Mục tiêu khả dĩ nhất của Paraguay có lẽ là cạnh tranh vị trí thứ 2 với Slovakia vì New Zealand quá yếu (được tham dự chẳng qua là vì Australia đã chán nền bóng đá thấp kém của châu Đại Dương để gia nhập châu Á).

Tại hai bảng còn lại, "Những chú gà trống Gôloa" Pháp vừa trải qua một vòng loại thiếu thuyết phục sẽ phải đối đầu với chủ nhà Nam Phi, ĐT 2 lần vô địch thế giới Uruguay và đại diện của Bắc Mỹ, Mexico. Sẽ chẳng có gì đáng nói về khả năng đi tiếp của Pháp ở bảng A nếu người ta không phải chứng kiến một bộ mặt kém cỏi của nhà VĐ France 98 tại vòng loại. ĐT áo Lam có thừa những cầu thủ giỏi nhưng vấn đề lớn nhất của họ là sự bất tài của chiến lược gia đương nhiệm Raymond Domenech. Nếu không có sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện, thảm hoạ của WC 2002 rất có thể sẽ lặp lại với người Pháp. Còn "Cơn lốc màu Da cam" cũng tràn đầy cơ hội vượt qua vòng bảng vì Đan Mạch, Cameroon hay Nhật Bản là thừa tầm với họ.

Trận khai mạc của VCK World Cup 2010 sẽ là cuộc đối đầu giữa Nam Phi và Mexico ở bảng A vào ngày 11 tháng 6 tại Johannesburg (cũng là thành phố sẽ tổ chức trận chung kết nhưng trên một SVĐ khác). Và sau đúng 1 tháng, nhà vua mới của thế giới sẽ được xác định. Brazil, Italia, Argentina, Đức, Anh hay một nhân tố mới nào sẽ đăng quang. Tất cả sẽ có câu trả lời trên đất Nam Phi sau đây gần 8 tháng nữa.

8 bảng đấu tại VCK World Cup 2010

Bảng A: Nam Phi, Mexico, Uruguay, Pháp

Bảng B: Argentina, Nigeria, Hàn Quốc, Hy Lạp

Bảng C: Anh, Hoa Kỳ, Algeria, Slovenia

Bảng D: Đức, Australia, Serbia, Ghana

Bảng E: Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Cameroon

Bảng F: Italia, Paraguay, New Zealand, Slovakia

Bảng G: Brazil, CHDCND Triều Tiên, Bờ Biển Ngà, Bồ Đào Nha

Bảng H: Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Honduras, Chile

  • Đức Tuấn

Có thể bạn quan tâm

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Nhân dịp Arsenal đang đạt được vị thế một ứng cử viên cho chức vô địch Premier League mùa giải này dựa trên “nền móng” là cặp trung vệ Gabriel Magalhães và William Saliba, sẽ rất thú vị nếu chúng ta tiến hành một cuộc “điều tra” về tình trạng hiện tại của các tổ hợp trung vệ còn lại ở giải đấu này.

Xem thêm
top-arrow
X