Có lẽ không nên vội vàng cho rằng, tiqui-taca đã chết. Thực tế, lối chơi tấn công nổi tiếng của Barca chỉ đang bị một lỗi duy nhất ở khâu dứt điểm.
Thất bại 0-1 trước Granada là lần thứ hai liên tiếp Barca không ghi được bàn thắng. Trước đó, họ bất lực trong việc xuyên thủng mành lưới Atletico ở tứ kết lượt về Champions League. Đã gần 6 năm qua, họ mới bế tắc như vậy, kể từ mùa 2008/09, khi họ lần lượt thua Wisla Krakow tại vòng sơ loại Champions League và Numancia ở La Liga cùng với tỉ số 0-1.
Barca vẫn chơi thứ bóng đá tấn công tiqui-taca quen thuộc. Họ kiểm soát bóng đến 81% thời gian thi đấu. Họ tạo ra 29 cú sút về phía khung thành Granada. Nhưng ngần ấy lần nỗ lực bắn phá của Barca không bằng vỏn vẹn 5 cú sút trúng đích trong cả trận của Granada. Khác biệt nằm ở tính hiệu quả trong dứt điểm.
Chứng kiến sự bất lực của Barca trước Granada cũng như trước đó với Atletico, không ít người vội nghĩ đến cái chết của lối chơi tiqui-taca. Nhưng liệu tiqui-taca thực sự đã chết, hay nó chỉ đang bị mắc lỗi ở một khâu nào đó? Để có được câu trả lời, có lẽ xin trở lại với trận đấu trên sân Granada.
Ngoài việc kiểm soát bóng 81% như đề cập, Barca tạo ra tổng cộng 721 đường chuyền (so với 173 đường chuyền của Granada). Trong đó, tổng số lần đập-nhả của đội bóng xứ Catalan là 616 lần. Điều đó chứng tỏ: Tiqui-taca của Barca vẫn ổn! Đội bóng của HLV Martino vẫn vận hành đúng theo nguyên tắc của tiqui-taca. Có nghĩa là họ vẫn liên tục chuyền (tiqui) và chạy (taca). Họ vẫn lên bóng hiệu quả bằng những pha đan bóng kỳ ảo dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân cực tốt của cầu thủ.
Hay như ở trận thua Atletico 0-1 tại tứ kết lượt về Champions League, lối chơi tiqui-taca của Barca cũng vẫn hoạt động tốt. Họ cầm bóng 71%, tạo được 690 đường chuyền cả thay so với 290 của đội chủ nhà, trong đó Barca tạo ra 583 pha đập-nhả. Rõ ràng, thống kê trên cho thấy, tiqui-taca không hề chết như người ta tưởng. Nó chỉ đang bị lỗi ở một khâu quan trọng là… đưa bóng vào lưới đối phương.
Tổng cộng 29 cơ hội mà Barca tạo được không bằng 5 cú sút của Granada. Và 14 cú dứt điểm của họ về phía khung thành của Atletico Madrid hồi giữa tuần cũng không đem lại chút hiệu quả. Điều đó có nghĩa, các chân sút của Barca phải chịu phần lớn trách nhiệm trong những thất bại của đội bóng xứ Catalan.
Trên thực tế, hàng công Barca vẫn nổi tiếng về sự phung phí cơ hội. Có điều do trước đó họ vẫn ghi bàn và Barca vẫn giành thắng lợi, nên không mấy ai để ý đến sự kém hiệu quả (dựa trên tổng số lần dứt điểm và số bàn thắng) trong khâu dứt điểm của các tiền đạo Barca mà thôi.
Theo Bongdaplus.vn