Sự nở rộ của các tài năng người Anh, sự mạo hiểm với các bản hợp đồng đắt giá và trào lưu thay ngựa giữa dòng ... là những điều dễ nhìn thấy từ mùa giải vừa khép lại.
Man Utd cần một "Người Đặc Biệt" ngồi ghế nóng
Sự bảo trợ của Alex Ferguson, khao khát thể hiện tài năng và 11 năm kinh nghiệm ở Ngoại hạng Anh vẫn là không đủ để David Moyes thành công khi kế vị huyền thoại đồng hương Scotland dẫn dắt Man Utd. Nhà cầm quân này không đủ "đặc biệt", về uy tín để thu hút các ngôi sao lớn đến với Man Utd, về quyền uy để bình định phòng thay đồ vốn có rất nhiều cá tính lớn. Moyes cũng không có đủ các phương án chiến thuật cần thiết để đa dạng hóa lối chơi, khiến Man Utd càng đá càng đơn điệu, dễ bị bắt bài.
Man Utd dưới trướng ông không còn chút nào hình ảnh của nhà vô địch mùa trước, và thiết lập một loạt kỷ lục buồn. Cái giá phải trả là Moyes bị sa thải khi gần về cuối mùa, sớm hơn năm năm so với thời hạn hợp đồng, để CLB tìm kiếm một nhà cầm quân đặc biệt hơn. Louis Van Gaal, người sắp được công bố làm tân HLV trong tuần này, có thể đáp ứng những tiêu chí mà Moyes còn thiếu. Khác với Moyes, HLV người Hà Lan từng dẫn dắt những đội bóng lớn bậc nhất châu Âu và thế giới, như Ajax, Barca, Bayern và từng cùng các CLB ấy đoạt nhiều danh hiệu lớn.
Moyes (phải) không có những tố chất đặc biệt để làm tốt công việc ở Man Utd.
Các tài năng bản xứ phát tiết rực rỡ
Tỷ lệ cầu thủ người Anh ra sân ở Ngoại hạng Anh mùa này giảm đến mức thấp nhất trong năm mùa gần đây, xuống còn 31,62%. Nhưng bất chấp làn sóng ngoại binh tràn ngập, Ngoại hạng Anh mùa này cho thấy những tài năng trẻ bản xứ vẫn có đất để thể hiện và gây ấn tượng mạnh. Liverpool đi đầu trong việc tin dùng các sao trẻ người Anh, phân nửa đội hình chính thuộc về Raheem Sterling, Daniel Sturridge, Jordan Henderson và Jon Flanagan. Everton thăng hoa và trụ lại trong top 4 một thời gian dài nhờ đóng góp không nhỏ từ hai cầu thủ U20 John Stones và Ross Barkley. Southampton không thể bay bổng cán đích ở vị trí thứ tám, nếu không có tài năng của những Adam Lallana, Luke Shaw. Chamberlain, Wilshere (Arsenal), Patrick Roberts (Fulham) cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Canh bạc thay ngựa giữa dòng
Thay tướng không phải lúc nào cũng đổi vận. Chân lý đó hiện rõ ở Ngoại hạng Anh mùa này khi có tới chín đội bóng sa thải HLV trưởng để cứu vãn tình thế, nhưng không phải tất cả đều thành công. Fulham dùng HLV hao nhất, khi thay có đến ba nhà cầm quân trong một mùa giải, Martin Jol, Rene Meulensteen rồi Felix Magath, nhưng vẫn chịu thảm cảnh xuống hạng lần đầu tiên sau 13 năm. Cardiff và Norwich cũng thay tướng, nhưng vẫn chịu chung kết cục với Fulham.
West Brom cũng khó có thể gọi là một trường hợp thành công sau khi thay tướng. Bởi với Pepe Mel thế chỗ Steve Clarke, họ chẳng những không tiến bộ, mà còn chơi tệ hơn và chỉ thoát xuống hạng nhờ các đối thủ như Fulham, Cardiff hay Norwich chơi còn tệ hơn. Chỉ có hai CLB thành công nhờ thay tướng kịp thời là Sunderland và Crystal Palace. Lên thay Di Canio, Gus Poyet giúp Sunderland thoát hiểm thần kỳ khi leo từ vị trí đội sổ lên cán đích thứ 14. Palace dưới bàn tay Tony Pulis cũng lột xác so với thời Ian Holloway và trụ hạng thành công, với nguồn lực rất hạn chế.
Liverpool trở lại vị thế một quyền lực
Chỉ đặt mục tiêu vào top 4, nhưng càng về gần cuối mùa giải, Liverpool càng chơi hay và trở thành ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch. Dù vấp ngã ngay gần đích vì cú trượt chân của Gerrard trong trận thua Chelsea, thầy trò Brendan Rodgers vẫn có một mùa giải đại thành công khi đua tranh đến vòng cuối cùng rồi mới chịu về nhì, đoạt vé vào thẳng vòng bảng Champions League mùa tới. Liverpool không chỉ thành công về mặt thứ hạng, mà còn chinh phục người xem bằng triết lý bóng đá đẹp mà HLV của họ, Brendan Rodgers tôn thờ và áp dụng nhất quán.
Cùng với Man City, Liverpool trình diễn thứ bóng đá tấn công hấp dẫn, lôi cuốn bậc nhất tại Ngoại hạng Anh mùa này, và gieo rắc ác mộng cho các đối thủ lớn như Man Utd, Tottenham, Arsenal bằng những trận thắng rất đậm. Trừ Gerrard đã lớn tuổi, phần còn lại trong đội hình mà Liverpool sử dụng hiện tại đều đang ở độ tuổi trẻ, rất trẻ (Mignolet, Henderson, Flanagan, Sterling, Coutinho) hoặc đang vào độ chín (Suarez, Sterling, Skrtel, Agger, Johnson). Đội bóng dưới trướng Rodgers vì thế hứa hẹn sẽ còn tiến bộ hơn nữa mùa tới.
Liverpool bay cao trở lại với một lứa cầu thủ trẻ tài năng
Rủi ro từ các vụ chuyển nhượng đắt
Sai một ly đi một dặm là nhận định đúng với những đội bóng thuộc diện nhà đã nghèo, nhưng cố xài sang, đầu tư một khoản tiền lớn để rồi rước về những cầu thủ thuộc dạng của nợ. Đó là câu chuyện của Norwich với chân sút đắt giá nhất lịch sử CLB Ricky van Wolfswinkel (8,5 triệu bảng) và Fulham với bản hợp đồng trị giá 12 triệu bảng mua Konstantinos Mitroglou. Van Wolfswinkel ghi bàn ngay trận ra mắt, nhưng sau đó nhanh chóng chứng tỏ anh chưa đủ trình độ để chơi bóng ở Ngoại hạng Anh. Trong khi, Mitroglou là vụ đầu tư hoàn toàn sai lầm của Rene Meulensteen ở Fulham. Mắc kẹt với hai chân sút này, cả Norwich lẫn Fulham đều gặp vấn đề lớn trong khâu ghi bàn và chung kết cục xuống hạng.
Lỗi mốt, nhưng không lỗi thời
Tony Pulis bị Stoke cho ra đường cuối mùa trước vì cho rằng lối chơi kiểu Anh truyền thống và phòng ngự có phần tiêu cực mà ông theo đuổi đã lỗi thời, không phù hợp với xu thế chung chuộng thứ bóng đá đẹp hiện tại. Nhưng chính triết lý bị cho là lỗi mốt ấy đã giúp Pulis thành công trong việc vực dậy Crystal Palace. Pulis chứng tỏ ông biết cách phát huy tối đa nguồn lực hạn chế được thừa hưởng từ vị tiền nhiệm Ian Holloway và kết hợp nguồn lực ấy vào thứ bóng đá đề cao kỷ luật, giàu sức mạnh cơ bắp của ông để giúp Palace lột xác. Từ chỗ chết gí ở cuối bảng, Palace hồi sinh mạnh mẽ dưới trướng Pulis và trụ hạng ở vị trí thứ 11.
Cơn đau đầu mang tên các ông chủ ngoại quốc
Ngoại hạng Anh nói riêng, và bóng đá Anh nói chung, được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn đầu tư lớn của các tỷ phú nước ngoài. Nhưng trong các ông chủ ấy, không phải ai cũng là Roman Abramovich ở Chelsea. Vincent Tan, mùa trước, làm các CĐV Cardiff phát điên khi đổi sắc áo xanh truyền thống của đội sang màu đỏ, nhưng họ bỏ qua khi nhờ tiền của Tan, Cardiff đổi đời, giành quyền lên chơi Ngoại hạng Anh lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng đến khi Tan bất đồng với Malky Mackay và sa thải HLV có công đưa đội thăng hạng này, rất đông CĐV Cardiff đã công khai phản đối ông chủ người Malaysia.
Shahid Khan không đụng đến truyền thống của CLB, nhưng lại thể hiện sự non kém trong cách dùng người, thể hiện qua việc Fulham dùng đến ba HLV khác nhau, nhưng vẫn xuống hạng. Người hâm mộ Fulham đang lo rằng việc đội bóng xuống đá ở Championship sau 13 năm liền dự Ngoại hạng Anh sẽ làm Khan nản lòng và sang tên CLB cho một ông chủ khác. Ở Hull City, ông chủ Assem Allam được tung hô khi đặt niêm tin đúng chỗ ở HLV Steve Bruce, và đầu tư đúng đắn với các vụ tuyển mộ Nikica Jelavic, Shane Long hồi tháng 1, giúp đội trụ hạng thành công. Nhưng tỷ phú gốc châu Á này cũng bị phản ứng tiêu cực vì định đổi tên CLB thành Hull Tigers - ý định bất thành do bị Hội đồng FA phủ quyết.
Roberto Martinez - món hời của Everton
Khi Everton chọn Martinez kế vị David Moyes, đã có không ít cái nhíu mày ngờ vực. Martinez giúp Wigan đoạt Cup FA mùa trước, nhưng đồng thời không thể trụ lại Ngoại hạng Anh. Kinh nghiệm dẫn dắt một đội bóng tiệm cận top 4 như Everton cũng là con số không tròn trĩnh với HLV trẻ người Tây Ban Nha. Nhưng những nghi ngờ ấy đã tan biến theo thời gian khi Martinez giúp Everton lột xác hoàn toàn, từ bỏ thứ bóng đơn điệu kiểu Anh truyền thống để trình diễn lối chơi giàu tốc độ, kỹ thuật, giàu cảm xúc và bùng nổ hơn. Về mặt thứ hạng, Everton cán đích thứ năm, giành vé trở lại Europa League và đạt điểm số tốt nhất trong lịch sử các lần CLB dự Ngoại hạng Anh. Thầy trò Martinez thậm chí còn đua tranh vị trí dự Champions League cho đến hết vòng 36.
Man City hoàn toàn xứng đáng vô địch
Ranh giới giữa thành công và thất bại đôi khi rất mong manh, nhưng đội chiến thắng luôn là đội chơi tốt nhất. Ở Ngoại hạng Anh mùa này, Man City chính là đội bóng ấy. Liverpool, cho đến khi khựng lại vì cú trượt chân của Gerrard, là đối trọng lớn nhất với Man City xét về lối chơi tấn công và cảm hứng dạt dào mà hai đội mang lại cho người xem. Nhưng Liverpool, với một đội ngũ hạn hẹp hơn, dựa nhiều hơn vào cảm hứng, đã gục ngã vào thời điểm quyết định nhất, còn Man City thì không. Kinh nghiệm của Pellegrini và triết lý bóng đá mà ông kiên định theo đuối kết hợp với một đội ngũ giàu chất lượng chiều sâu đã cho trái ngọt. Man City là đội có thời gian chiếm giữ đỉnh bảng ít nhất trong các đội top 4, nhưng lại là đội chiến thắng cuối cùng, nhờ biết tận dụng tốt thời cơ khi các đối thủ sa chân.
Theo Vnexpress