Có sự chuẩn bị rất tốt, nhưng chiến thắng đúp của Brawn GP (Honda cũ) ở chặng mở màn tại Australia chiều chủ nhật vẫn là một bất ngờ lớn. Trong khi Jenson Button xuất sắc cán đích đầu tiên, thì cả hai tay lái của Ferrari lừng danh phải bỏ cuộc. Hamilton cũng rất nỗ lực mới giành được vị trí thứ 4.
Vì khủng hoảng kinh tế, Honda không thể tiếp tục tham gia F1. Sau nhiều tháng nỗ lực tìm đối tác để chuyển giao, đội đua đã được bán lại cho Ross Brawn – giám đốc điều hành cũ của chính đội này. Sau khi đổi chủ, đội đua mang tên Brawn GP, và sử dụng động cơ của Mercedes-Benz - giống đội McLaren của đương kim vô địch thế giới Hamilton. Vẫn với hai tay lái Jenson Button và Ruben Barrichello, song Brawn GP được chờ đợi sẽ gây bất ngờ ở giai đoạn đầu của mùa giải, chủ yếu nhờ màn khởi động ấn tượng ở Barcelona hồi đầu tháng này, cùng một số thay đổi về khí động học của xe. Và điều đó đã thành hiện thực. Hai tay lái của họ nhanh nhất vòng phân hạng, và tiếp tục phong độ cao ở cuộc đua chính thức chiều chủ nhật, qua đó giành vị trí thứ nhất và thứ hai một cách thuyết phục.
Lewis Hamilton chỉ nhanh thứ 15 vòng phân hạng, nên vị trí thứ 4 mà anh có được sau khi cuộc đua kết thúc cũng là một bất ngờ. Trong khi đó, Felipe Massa và Kimi Raikkonen của Ferrari đua phân hạng không tệ lắm (được quyền xuất phát thứ 6 và 7, nhờ hai tay đua của Toyota bị phạt), nhưng đến khi đua chính thức thì phải bỏ cuộc giữa chừng.
Mới chỉ là chặng đua đầu tiên, song F1 mùa 2009 rõ ràng đã xuất hiện một ứng cử viên mới bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc như Hamilton, Massa, Raikkonen, Alonso,…
Jenson Button thách thức các ứng viên vô địch
Ferrrari chắc chắn là đội cay đắng nhất về những gì xảy ra tại chặng mở màn này. Họ đã kết thúc mà không có một tay đua nào về tới đích, dù rằng cả Felipe Massa và Kimi Raikkonen đều là những ứng cử viên cho chức vô địch. Ngay sau những vòng đầu tiên, Massa đã nhanh chóng từ vị trí thứ 7 lên nhóm đầu để gây sức ép đối với Button và Sebastien Vettel (Barrichello bị tụt lại, do ảnh hưởng từ vụ va chạm của Kovalainen và Webber). Thế nhưng, tới vòng thứ 45 thì sự cố đã xảy ra với động cơ của tay lái này. Sau khi vào pit, anh đã không thể chạy tiếp nữa và rời khỏi xe trong buồn bã. Mùa trước, anh là á quân thế giới, thắng nhiều chặng nhất những thua điểm Hamilton. Đồng đội của Massa là Raikkonen cũng trải qua một chặng đua tồi tệ chẳng kém. Sau 55 vòng đua ở Albert Park (trong tổng số 58 vòng), “người Tuyết Phần Lan” đã khiến tất cả phải ngạc nhiên khi vào pit tới… 5 lần. Dĩ nhiên, chẳng tay lái nào có thể giành điểm với ngần ấy lần vào pit. Và Ferrari, đội đua vô địch mùa giải trước, đã rời Australia với một thất bại toàn diện.
Trái lại, Jenson Button đã gây bất ngờ thực sự bằng sự ổn định của anh. Tay lái người Anh này mùa trước bị coi là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất và chìm nghỉm so với đồng hương Lewis Hamilton. Nhưng tại Melbourne lần này, Button đã bảo vệ được lợi thế giành pole xuất phát trước sự đeo bám quyết liệt của tài năng trẻ Sebastien Vettel, tay lái mới chuyển từ Toro Rosso tới Red Bull. Sau 58 vòng đua, tay lái người Anh đã cán đích đầu tiên với thành tích 1 giờ 34 phút 15 giây 784. Chiến thắng của Brawn GP càng trở nên lung linh hơn bởi lão tướng Barrichello âm thầm trở lại vào những vòng đua cuối cùng để kết thúc chặng mở màn ở vị trí thứ nhì, với 0,807 giây nhiều hơn đồng đội.
Thực ra đã có yếu tố không nhỏ góp phần tạo nên cú đúp của bộ đôi Button - Barrichello tại Albert Park. Đó là vụ va chạm ở những vòng đua cuối cùng giữa Robert Kubica (BMW) và Sebastian Vettel (Red Bull). Tại góc cua thứ 3 của vòng 55, Kubica đã chèn tay lái trẻ của Red Bull sát vào đám cỏ ven đường, thậm chí còn bị bật tung bánh trước bên phải. Nhưng ngay sau đó, anh đã phải trả giá khi không giữ được tốc độ ở góc cua sau đó và bị đâm vào tường chắn. Trong khi Vettel vẫn cố lết tới hết vòng 56, thì Kubica bị thiệt hại nặng hơn khi bật tung cả hai bánh xe và phải dừng cuộc chơi ở vòng 55. Cờ vàng được phất lên và xe an toàn lại phải vào sân.
Trong bối cảnh ấy, Button vẫn giữ được vị trí dẫn đầu và anh còn an toàn hơn vì có đồng đội Barrichello ở phía sau hỗ trợ. Đây mới là chiến thắng chặng thứ hai trong sự nghiệp của tay lái người Anh (trước đó anh từng đăng quang ở Hungary Grand Prix 2006). Trong khi đó, đồng hương của Button là Hamilton rất quyết tâm trong những vòng cuối, nhưng cũng chỉ đủ khả năng giành được vị trí thứ 4. Dẫu sao, so với những Alonso, Raikkonen hay Massa thì khởi đầu này của nhà đương kim vô địch cũng không đến nỗi tệ.
Mùa giải mới khai mạc, song với khởi đầu đầy bất ngờ và nhiều xáo trộn như thế này, F1 2009 hứa hẹn sẽ còn có nhiều hấp dẫn. Chủ nhật tuần sau, những bánh xe F1 sẽ lăn ở châu Á với đường đua Sepang (Malaysia).
Kết quả Grand Prix Australia (58 vòng)
Vị trí | Tay đua | Đội | Thời gian đua | Điểm |
1 | Jenson Button | Brawn | 1 giờ 34 phút 15,784 giây | 10 |
2 | Barrichello | Brawn | 1:34:16.591 | 8 |
3 | Jarno Trulli | Toyota | 1:34:17.388 | 6 |
4 | Lewis Hamilton | McLaren | 1:34:18.698 | 5 |
5 | Timo Glock | Toyota | 1:34:20.219 | 4 |
6 | Alonso | Renault | 1:34:20.663 | 3 |
7 | Nico Rosberg | Williams | 1:34:21.506 | 2 |
8 | Buemi | Toro Rosso | 1:34:21.788 | 1 |
9 | Bourdais | Toro Rosso | 1:34:22.082 | 0 |
10 | Adrian Sutil | Force India | 1:34:22.119 | 0 |
11 | Nick Heidfeld | BMW | 1:34:22.869 | 0 |
12 | Fisichella | Force India | 1:34:23.158 | 0 |
13 | Mark Webber | Red Bull | 0 | |
Bỏ cuộc | Sebastian Vettel | Red Bull | bỏ cuộc, sau 56 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Robert Kubica | BMW | va chạm, sau 55 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Kimi Raikkonen | Ferrari | bỏ cuộc, sau 55 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Felipe Massa | Ferrari | bỏ cuộc, sau 45 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Nelson Piquet Jr | Renault | va chạm, sau 24 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Kazuki Nakajima | Williams | va chạm, sau 17 vòng | 0 |
Bỏ cuộc | Kovalainen | McLaren | bỏ cuộc, 0 vòng | 0 |
(Theo Vnexpress)