Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng - "Người lái đò" tận tụy của đội bóng đất Mỏ
Phan Thanh Hùng (sinh năm 1960 tại Đà Nẵng) là cựu cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá Việt Nam. Ông từng là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia Việt Nam năm 2012.
1. Tiểu sử
Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng | |
Thông tin cá nhân | |
Ngày sinh | 30/7/1960 |
Nơi sinh | Đà Nẵng, Việt Nam |
Vị trí | Huấn luyện viên |
Thông tin về CLB | |
Đội hiện nay | Than Quảng Ninh |
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp | |
Năm | Đội |
1980-1992 | SHB Đà Nẵng |
Đội tuyển quốc gia | |
1991 - 1993 | Việt Nam |
Các đội đã huấn luyện | |
2007–2009 | SHB Đà Nẵng |
2008–2011 | Việt Nam (trợ lý HLV) |
2010–2015 | Hà Nội T&T |
2010–2012 | U-23 Việt Nam |
2012 | Việt Nam |
2016 - nay | Than Quảng Ninh |
2. Sự nghiệp
2.1 Cầu thủ
Khi còn là cầu thủ, ông là một cầu thủ đa năng, có thể thi đấu nhiều vị trí. Vị trí sở trường là tiền vệ hoặc tiền đạo, tuy nhiên khi cần ông cũng có thể chơi ở vị trí hậu vệ. Ông đã giành được chức vô địch giải bóng đá quốc gia năm 1992 với đội Quảng Nam Đà Nẵng và 1 lần giành huy chương bạc giải quốc gia. Ông cùng với đội bóng Quảng Nam Đà Nẵng lọt vào tới bán kết cúp C2 châu Á năm 1992. Đây là kết quả tốt nhất của các đội bóng Việt Nam ở sân chơi châu lục.
Năm 1991, ông được gọi vào đội dự tuyển quốc gia tham dự SEA Games 16. Tuy nhiên, ông nằm trong số 11 cầu thủ đã đào nhiệm. Do sự kiện này, ông đã bị treo giò trong một thời gian. Ông trở lại đội tuyển năm 1993 để thi đấu vòng loại World Cup 1994 khi đã 33 tuổi. Ông đã ghi một bàn cho đội tuyển Việt Nam trong trận thua trước Singapore 2-3 vào phút 77. Đây cũng là bàn thắng duy nhất của Phan Thanh Hùng ghi cho đội tuyển Việt Nam. Sau đó, Phan Thanh Hùng cũng tham gia SEA Games 17, nhưng thi đấu không thành công.
2.2 Huấn luyện viên
Trước khi chính thức dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vào ngày 1/9/2012, ông Hùng đã khá thành công từ các giải trẻ, sau đó thì kiêm nhiệm một câu lạc bộ giàu có ở vô địch quốc gia Việt Nam.
- Vô địch Giải bóng đá U14 quốc tế Yamaha năm 2004 khi dẫn dắt U14 Đà Nẵng.
- Hạng nhì vòng chung kết U17 Việt Nam năm 2006 trong vai trò huấn luyện viên trưởng U17 Đà Nẵng.
- Hạng nhì vòng chung kết U17 Việt Nam năm 2007 trong vai trò huấn luyện viên trưởng U17 Đà Nẵng.
- Vô địch giải U21 báo Thanh niên năm 2008 khi dẫn dắt U21 Đà Nẵng.
- Vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam trong vai trò trợ lý.
- Vô địch giải U21 báo Thanh niên năm 2009 khi dẫn dắt U21 Đà Nẵng.
- Hạng nhì Seagame 2009 cùng đội tuyển U23 Việt Nam trong vai trò trợ lý.
- Vô địch V-league 2010 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
- Vô địch V-league 2013 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
- Vô địch Siêu cúp Việt Nam 2010 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
- Hạng nhì V-league 2011 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
- Hạng nhì V-league 2012 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
- Hạng nhì V-league 2014 trong vai trò huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Hà Nội T&T.
Vì đội tuyển Việt Nam thi đấu không thành công tại AFF Cup 2012, ông Hùng đã từ chức huấn luyện viên trưởng.
Đầu năm 2016 Phan Thanh Hùng chuyển về làm Huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Than Quảng Ninh.
Kết thúc mùa giải 2016, ông cùng đội Than Quảng Ninh đoạt chức vô địch Cup Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia.
Đến năm 2019, ông và đội bóng đánh bại Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (2016) với tỉ số 4-2 để đứng thứ 3 chung cuộc.
3. HLV Phan Thanh Hùng - khi hạnh phúc là cả hành trình
Khởi nghiệp cầm quân không suôn sẻ, nhưng Phan Thanh Hùng vẫn là đại diện cho sức sống bền bỉ của bóng đá Việt Nam hơn 30 năm qua.
Sinh năm 1960, Phan Thanh Hùng gắn bó suốt đời cầu thủ ở quê hương Đà Nẵng. Thời còn thi đấu, ông được biết đến nhờ sự đa năng, mà theo lời của HLV giàu thành tích nhất Việt Nam này là "vứt đâu cũng đá được".
Nhưng chính vì phải chơi quá nhiều vị trí nên ông không thật sự nổi bật ở vai trò nào. Mọi thứ cứ trôi đi cho tới ngày giải nghệ, và như bao người đồng nghiệp khác, Phan Thanh Hùng đi học HLV rồi bắt đầu công tác đào tạo trẻ.
Phan Thanh Hùng (thứ hai từ trái sang) thời còn khoác áo CLB Quảng Nam Đà Nẵng những năm cuối 1980 đầu 1990. Ảnh: NVCC |
Vốn dĩ không phải người đao to búa lớn, Phan Thanh Hùng lặng lẽ khởi nghiệp ở lứa U14 Đà Nẵng. Và có lẽ, ông cũng chưa từng nghĩ rằng nghề "gõ đầu trẻ" lại có duyên với mình đến vậy.
Chức vô địch giải Yamaha quốc tế 2004 với đội U14, rồi hai tấm HC bạc liền nhau ở vòng chung kết U17 quốc gia biến Phan Thanh Hùng thành gương mặt đại diện cho Đà Nẵng trong thời kỳ địa phương này "tập" làm bóng đá chuyên nghiệp.
Nòng cốt của lứa trẻ những ngày đầu tại Đà Nẵng do một tay ông Hùng tạo ra. Vì thế, lãnh đạo tỉnh lập tức đôn ông lên đội một với mong muốn xây dựng một tập thể giàu bản sắc. Mùa đầu tiên tại V-League (năm 2007), mọi thứ về cơ bản là suôn sẻ khi Đà Nẵng kết thúc ở vị trí thứ năm.
Mùa giải khép lại cũng là lúc bóng đá Đà Nẵng khoác lên mình tấm áo mới. Theo chủ trương của thành phố, đội bóng sẽ được chuyển giao cho tập đoàn SHB đầu tư và quản lý.
Vào ngày chuyển giao, bầu Hiển - Chủ tịch tập đoàn SHB Đỗ Quang Hiển - đã nói rõ quan điểm rằng tập đoàn đầu tư với mong muốn Đà Nẵng đạt thành tích ngay, chơi là phải có danh hiệu chứ không đá cho vui. "Chỗ anh Hiển tạo điều kiện tối đa cho ban huấn luyện. Anh ấy bảo tôi cứ tiêu tiền thoải mái, mua Tây hay Ta gì cũng được, nhưng phải là cầu thủ giỏi, cầu thủ loại một", ông kể với VnExpress.
Nói là làm, nhà tài trợ phối hợp với chỗ cố chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thành lập đoàn công tác, cắt cử một phiên dịch đi cùng ông Hùng và Lê Huỳnh Đức qua Brazil một tháng tìm ngoại binh. Đoàn ở Rio de Janeiro, đi tham quan các mô hình chuyên nghiệp và tới các đầu mối tuyển trạch.
Chính chuyến đi ấy giúp Đà Nẵng phát hiện ra Roger và Almeida, hai ngoại binh đặt nền móng thời nguyên thủy cho CLB. Nhưng ý nghĩa của lần công tác đó còn vượt xa cả chuyện mua - bán, bởi nó giúp Phan Thanh Hùng mở mang tầm mắt, hiểu hơn về thế giới bóng đá bao la. Ông khẳng định rào cản lớn nhất ngăn các CLB V-League tiếp cận cầu thủ giỏi nằm ở nguyên tắc vận hành nền bóng đá.
"Lương cầu thủ Brazil ở hạng Nhất không cao đâu, ngày đó chỉ tầm 2.000 USD mỗi tháng, trong khi ở V-League, chúng ta đã chi 5.000 - 6.000 USD. Nhưng các CLB Brazil quan niệm cầu thủ là tài sản tập thể, giá chuyển nhượng theo giá thị trường toàn cầu. Lương người chơi thì thấp, nhưng giá trị của họ lên tới cả triệu USD, mình muốn cũng không mua được. Phải ra sân phủi, tìm gương mặt tiềm năng nhưng chưa kịp lên chuyên ở Brazil", ông Hùng giải thích.
Nụ cười luôn thường trực trên môi là hình ảnh thường thấy về HLV Phan Thanh Hùng trên các sân cỏ Việt Nam nhiều năm qua. Ảnh: Đức Đồng |
Với bất kỳ HLV nào ở vị trí ông Hùng lúc đấy, được nhà tài trợ ủng hộ tuyệt đối, hết mình tạo điều kiện thì chẳng có gì tuyệt hơn. Nhưng năm ấy, ông chưa tới 50, tuổi nghề còn "non", nên hóa ra, có nhiều tiền trong tay lại là thứ áp lực vô hình. Ông lúng túng, không biết xử lý sao cho đúng. Một mặt, Phan Thanh Hùng muốn giữ nguyên đội hình đã gắn bó với mình, nhưng mặt khác cứ lấn cấn chuyện bầu Hiển bảo tiêu tiền mua người mới.
Thế rồi, sự lúng túng và bối rối thể hiện rõ trong từng nét mặt, cử chỉ của ông và từ lúc nào không hay. Nó tác động tiêu cực tới hệ thống chiến thuật, cách giao tiếp và kỹ năng truyền tải tới học trò. HLV trưởng mất phương hướng, tâm lý anh em trong đội xao động bất ổn, và hệ quả là Đà Nẵng thua liền ba trận mở màn.
Lần mất việc "đầu đời" của Phan Thanh Hùng đã diễn ra trong hoàn cảnh đó. Đôi khi, ông nhìn lại và nhoẻn miệng cười, chợt nghĩ: "Chắc vì mình ngố, chưa biết xài tiền nên chuyện mới thành vậy". Nhưng đó không phải là dấu chấm hết, mà trái lại còn là sự khởi đầu cho mối quan hệ sâu sắc giữa ông Hùng với bầu Hiển, với bóng đá miền Bắc sau này.
Gọi là sa thải cho đúng "quy trình tổ chức", nhưng với tất cả những người liên quan, việc Phan Thanh Hùng rút lui khỏi vị trí HLV trưởng Đà Nẵng năm 2008 là bước đi đúng đắn cho sự nghiệp của nhà cầm quân này. Ông Hùng khẳng định giữa ông và bầu Hiển lúc bấy giờ chỉ đơn giản là chưa tìm thấy tiếng nói chung. Còn lại, từ tác phong nghề nghiệp tới tình cảm ngoài công việc, bầu Hiển luôn coi trọng ông Hùng. Chẳng thế mà trong ngày thanh lý hợp đồng, bầu Hiển gọi xuống phòng kế toán, chỉ đạo: "Hùng về lại đội trẻ, nhưng giữ nguyên lương HLV đội một".
Ở góc độ cá nhân, Phan Thanh Hùng thấy nhẹ nhõm. Về đội trẻ, ông được là chính mình, có thêm thời gian nâng cấp bản thân, trước khi nhận những nhiệm vụ mới trong tương lai.
"Nói chuyện với anh Hiển, tôi thấy mình còn non, còn nhiều thiếu sót. Tôi không phải người tự ái hay dỗi dằn, không làm được thì phải dừng lại cho người phù hợp lên thay. Huỳnh Đức là trợ lý thật, nhưng cậu ấy cá tính mạnh, tiếng nói có uy, nên Đức lên làm là chuẩn. Với lứa cầu thủ tôi dìu dắt, Đức và Đà Nẵng lập tức vô địch quốc gia. Tôi phải thoát ra thì các em mới bình tâm mà thi đấu, tôi còn ở lại thì chỉ làm tình hình thêm căng thẳng", ông Hùng nói.
Và trở về đội trẻ, cũng là cách trực quan giúp Phan Thanh Hùng khiến bầu Hiển thay đổi quan điểm làm bóng đá. Thành tích rất quan trọng, nhưng "sức bền" của một tập thể mới là giá trị cốt lõi của bóng đá. Về đội U21, ông Hùng tưởng là lùi, nhưng thực chất là tiến thêm bước dài trong sự nghiệp. Hai chức vô địch liên tiếp ở giải U21 quốc gia (2008 và 2009) đưa Phan Thanh Hùng trở lại trung tâm sân khấu, nơi bầu Hiển quyết tâm "nhấc" ông từ miền Trung nắng gió ra thủ đô dẫn dắt Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội). Đó là một quyết định mạo hiểm, nhất là với một HLV từng thất bại tại chính quê hương, nhưng đáng để thử.
Sáu năm dẫn dắt Hà Nội là giai đoạn thành công nhất của ông Phan Thanh Hùng trong sự nghiệp cầm quân. Ảnh: Đức Đồng |
Sáu năm ở Hà Nội, Phan Thanh Hùng tạo nên một triều đại của riêng ông. Hai chức vô địch V-League, một Siêu Cup Quốc gia và trên tất cả, là một đội bóng có bản sắc, có triết lý không thể nhầm lẫn. Nhà cầm quân người Đà Nẵng rất tâm đắc về điều này. Ông kể: "Quan điểm của tôi là ở những nơi mình đi qua phải tạo được bản sắc, phải có dấu ấn rõ rệt. Dấu ấn ấy không chỉ là thành tích, là kết quả mà còn là lối chơi, là hình ảnh đội bóng của mình truyền tải tới khán giả để sau này, dù đi đâu về đâu thì người ta vẫn luôn nhớ đây là đội bóng của Phan Thanh Hùng, là tập thể được Phan Thanh Hùng gây dựng".
Năm 2015, Phan Thanh Hùng xin từ chức. Là đột ngột với nhiều người, nhưng với cá nhân ông, đó lại là một quyết định đã được cân nhắc rất kỹ. Rời Hà Nội chỉ đơn giản là vì, ông muốn làm mới bản thân. Cũng giống như chuyện đá bóng nay thắng mai thua, ông biết rõ giới hạn năng lực, nếu tiếp tục ở lại đội bóng thủ đô.
"Rồi một ngày, nếu không thể vô địch hay đứng trong Top 3, tôi sẽ ra sao? Sẽ là những ngày tâm trạng thất thường, lên xuống theo kết quả trận đấu chỉ để nhận ra, mình không còn nhiều ý tưởng để thay đổi đội bóng này nữa à? Nó là một suy nghĩ gây mệt mỏi, giống như việc nhìn vào quả lắc và lắc lư từ trái sang phải theo nó vậy", những suy nghĩ như thế cứ len lỏi trong đầu chiến lược gia này.
Trước mắt ông là hai lựa chọn. Một bên là Bình Dương, "Chelsea của Việt Nam" vốn chưa bao giờ phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Bên kia là Quảng Ninh, ngựa ô mới nổi của giải đấu, nhưng nói cho cùng, mới chập chững lên chuyên, vẫn đang ở giai đoạn "hồng hoang" và xưa nay chịu tiếng là đội "không dám lên hạng".
Một lần nữa, câu hỏi vui được đặt ra: Nếu là một HLV theo số đông, bạn sẽ chọn đội nào? Bình Dương đương nhiên là câu trả lời thuận logic hơn, nhưng không, với ông Hùng, Quảng Ninh mới là môi trường lý tưởng nhất.
Chọn về Quảng Ninh có mấy yếu tố tác động tới Phan Thanh Hùng. Ngày xưa khi còn đá bóng, ông là fan của đội bóng vùng than. Thế hệ anh Hùng A, Hùng B, anh Uy, anh Tòng, anh Ái không phải ngôi sao quốc gia ghê gớm, nhưng chơi kỹ thuật, cống hiến, khán giả yêu mến. Đấy là truyền thống của bóng đá Quảng Ninh, "gu bóng đá" được định hình rõ ràng ở đấy, nên ông thấy hứng thú.
"Anh Hùng, chủ tịch CLB, còn là người năng nổ với bóng đá. Anh ấy cho thấy tiềm năng của đội bóng này và vạch ra chiến lược rõ ràng. Cầu thủ của Quảng Ninh cũng khéo léo thông minh, phù hợp với triết lý phong cách của tôi. Tôi cũng biết trước đấy đội có đàm phán với ông Miura, nhưng bất thành. Cơ hội tới, đúng người đúng thời điểm nên tôi cũng không đắn đo gì để gật đầu trước lời đề nghị của chị Giang trưởng đoàn", ông Hùng nói về lý do ông chọn làm HLV Quảng Ninh.
Phan Thanh Hùng luôn điềm đạm, cư xử chừng mực, luôn kiên định và bền bỉ với phong cách riêng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng ông thành công cũng là dễ hiểu. Sự ngưỡng mộ ấy càng được tô điểm, khi ông là người miền trong hiếm hoi khẳng định tên tuổi ở bóng đá miền Bắc - mảnh đất bị xem là lành ít dữ nhiều.
Nhưng đôi khi, góc nhìn của người trong cuộc lại không giống số đông. Vậy thì, bí quyết nào giúp Phan Thanh Hùng theo nghề và có thể gắn bó lâu dài với những đội bóng đi qua? Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn được nghe ông trực tiếp giải đáp. Là mảng miếng, bài vở chiến thuật, là nghệ thuật quản trị phòng thay đồ, hay là tổng hòa của mọi yếu tố?
Ông Hùng thẳng thắn thừa nhận, nghề huấn luyện đem tới sự mệt mỏi nhiều hơn là thoải mái. Tính phức tạp của nghề nghiệp khiến một HLV phải sắm nhiều vai, từ người cầm sa bàn, tới chuyên gia tư vấn tâm lý, giúp cân bằng bầu không khí tập thể.
Nói về công việc hàng ngày của một HLV, ông bộc bạch nghề huấn luyện bắt nguồn từ chuyên môn. Nhưng bóng đá còn là cuộc sống của cả tập thể, là mối quan hệ lợi ích giữa ba bên, gồm cầu thủ, HLV và CLB. "HLV phải ở giữa cân đối, trách nhiệm cao nhất là hướng tới mục tiêu cao nhất của tập thể. Phải giúp cầu thủ thấy thoải mái, khiến họ nghĩ cùng chí hướng với mình thì công việc mới trôi chảy. Mỗi lúc sắm một vai chứ không thể cứ đi theo lối mòn mình tự vạch ra mãi được", ông Hùng nói.
Về chiến thuật, ông Hùng khẳng định đấy là một định nghĩa tổng quát rất mơ hồ. Ông vẫn nhớ như in lời dạy của giảng viên người Ấn Độ trong khóa học HLV bằng A đầu tiên ở Việt Nam: "20 HLV đi học chung một lớp, kiến thức nền tảng ai cũng tiếp nhận như nhau, nhưng mỗi người cần định hình một phong cách, một triết lý rõ ràng thì mới thành công. Chẳng hạn như khi nói về 4-4-2 hay 4-3-3, 20 HLV là 20 cách triển khai chiến thuật khác nhau. Nó chỉ là hình tượng mô phạm, còn chơi bóng thế nào là ý đồ của từng HLV".
Giải thích về chiến thuật bóng đá, ông Hùng cắt nghĩa: "Không phải cái gì cũng tính được trong bóng đá, sẽ có những sai số nhất định. Bóng đá không phải khoa học, chỉ là khoa học giúp bóng đá hoàn thiện hơn thôi. Sẽ có những khoảnh khắc như là lúc một cầu thủ ghi siêu phẩm, đấy là khi anh ta dứt điểm theo bản năng chứ đâu có HLV nào dạy được phải sút kiểu này kiểu kia. Giờ tôi muốn anh A đá phạt góc tới chỗ anh B, nhưng cảm giác bóng của anh A không tốt vào ngày thi đấu, vậy thì biết trách ai?".
Cả đời người gắn liền với trái bóng, có một câu chuyện diễn ra ở tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008 luôn nhắc nhở Phan Thanh Hùng về ý nghĩa thật sự của bóng đá, của nghề huấn luyện. Và đó, cũng chính là kim chỉ nam, dẫn lối ông trong công tác huấn luyện sau này, để dù cho chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, ông luôn giữ được tâm thế và ngọn lửa trong công việc.
Năm đó, ông Hùng là cánh tay phải của HLV Henrique Calisto trong hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam. Vào giải, Việt Nam thua Thái Lan ở trận mở màn. Trước lượt hai gặp Malaysia, ông Calisto gọi các trợ lý và HLV thủ môn Trần Văn Khánh lên sân thượng khách sạn. Calisto cảm nhận được gì đó bất an và bảo: "Sau trận này, tôi sẽ từ chức".
Nếu thua nữa, Việt Nam sẽ bị loại. Sắc mặt thầy Tô lúc ấy trong trí nhớ của ông Hùng là "rất tệ". Phan Thanh Hùng vốn nền tính, cũng chỉ biết động viên "Phải đá mới biết chứ". HLV thủ môn Văn Khánh đứng bên lấy hay tai chắp, cầu khẩn mong trận này ông trời sẽ phù hộ cho Việt Nam.
HLV Phan Thanh Hùng thời làm trợ lý cho HLV Calisto ở tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Đức Đồng |
Những trải nghiệm như thế của một đời HLV khiến Phan Thanh Hùng mệt mỏi trong những năm đầu. Rồi sau này ngẫm lại, ông hiểu rằng bóng đá giống như một bộ phim. Ông có thể tua lại để xem chỗ nào ổn, chỗ nào chưa ổn và rút ra kinh nghiệm giúp cân bằng cuộc sống. Và rồi ông nghiệm ra, thắng hay thua cũng là diễn biến tất yếu của bóng đá. Thắng thì vui một chút, còn thua thì không buồn quá, cũng không trách móc cầu thủ vì ông luôn tâm niệm, thắng và thua thì ngày mai vẫn phải thức dậy, phải làm việc và hướng tới mục tiêu cao hơn.