Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Vua Barcelona "băng hà": Bi kịch của "tể tướng" Lionel Messi

Thứ Tư 25/04/2012 07:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nào ai có thể ngờ, "Quả bóng vàng FIFA" 3 năm liên tiếp, cầu thủ số 1 thế giới trong mấy năm trở lại đây lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết cục cay đắng của Barcelona tại đấu trường châu Âu. Sự nghiệt ngã của số phận hay rốt cục, Messi cũng chỉ là "người trần mắt thịt" chứ chẳng phải "siêu nhân" gì như những lời tâng bốc thời gian qua.

Trước trận đấu, người ta đã nhắc đi nhắc lại "lời nguyền" mà Barca cần phải xoá bỏ nếu muốn lọt vào chung kết. Đó là chuyện Lionel Messi chưa một lần làm tung lưới Chelsea trong những lần đối đầu. Rốt cục, "gã khổng lồ" xứ Catalan vẫn chưa thể giải được cái lời nguyền quái quỷ đó và hệ quả tất yếu, Barca không thể phá vỡ được quy luật "không đội bóng nào bảo vệ thành công chức vô địch Champions League" (chỉ tính từ năm 1992, khi cúp C1 châu Âu được UEFA thay đổi thể thức và mang tên mới Champions League). Đáng buồn hơn, chẳng những Messi không toả sáng mà anh còn sút hỏng quả phạt 11m mang tính chất quyết định vào đầu hiệp 2. Nếu anh thành công, chắc chắn, trận đấu sẽ sang một hướng khác và Barca sẽ không quá khó có được chiến thắng cần thiết để giành quyền đi tiếp.

Lionel Messi: Bi kịch của một thiên tài
Lionel Messi: Bi kịch của một thiên tài

Chẳng cần phải bàn cãi nhiều, Messi là một thiên tài bóng đá thuộc vào diện "trăm năm có một" và thực tế đó, không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Những thành tựu mà M10 đạt đến thời điểm này rõ ràng là quá vĩ đại, sánh ngang với những huyền thoại hàng đầu trong lịch sử làng túc cầu giáo. Anh đã phá vỡ biết bao kỷ lục, tạo ra hàng loạt siêu phẩm và luôn là nguồn cảm hứng bất tận trên mọi bước đường thành công của Barcelona. Ấy thế mà, trong hai trận bán kết Champions League vừa rồi, Messi đột ngột trở nên nhỏ bé và tầm thường. Nếu như lượt đi, Messi có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan (thi đấu trên sân khách, thiếu may mắn,...) thì đến lượt về trên cái sân đấu đã quá thân thuộc và từng chứng kiến biết bao màn toả sáng rực rỡ của Messi, rõ ràng, siêu sao người Argentina chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình. Đúng là anh đã có pha kiến tạo bàn thắng cho Iniesta nhưng như thế là quá ít so với sự kỳ vọng và tài năng của anh. Tại sao thế, "tiểu Maradona"?

Không thể phủ nhận, Chelsea đã phòng ngự quá hay, một cách chơi khiến tất cả liên tưởng tới Inter Milan do Jose Mourinho dẫn dắt cách đây hai mùa khi đã đẩy Catenaccio lên một tầm cao mới để khắc chế hoàn toàn tiqui-taka của Barca nhưng bản thân dàn chủ lực của Barca, đặc biệt Messi đã chơi không tốt. Những bước chạy của M10 không còn thanh thoát mà quá nặng nề. Phải chăng, việc phải cày quá nhiều và hầu như không được nghỉ ngơi, làm cho Messi cạn kiệt sức lực vào giai đoạn cuối mùa nên dù muốn, anh cũng đành bất lực. Cả trận, Messi không có lấy nổi một cú đột phá nào ra hồn nhằm tháo gỡ bế tắc cho đội nhà. Messi cũng không chứng tỏ được sự khôn ngoan, lọc lõi của mình, một phẩm chất quan trọng làm nên con người Messi bên cạnh nền tảng kỹ thuật và khả năng tạo đột biến cao. Trong một thế trận bế tắc, bao giờ người ta cũng trông chờ sự loé sáng của những ngôi sao tầm cỡ thế giới và lại có tầm ảnh hưởng to lớn lên toàn đội như Messi song điều đó đã chẳng bao giờ xảy ra. Không nên tiếc nuối quá nhiều vào cái tình huống Messi sút bóng dội cột dọc bởi đơn giản, đó chỉ là một cú đá cầu may từ ngoài vòng cấm mà thôi chứ các pha bóng như vậy đâu phải tạo ra thương hiệu cho Messi.

Đỉnh điểm của nỗi thất vọng và kéo theo hàng loạt hệ luỵ khác chính là tình huống sút penalty hỏng ăn của Messi ở đầu hiệp 2. El Pulga có thể không ghi quá nhiều bàn thắng từ chấm 11m như địch thủ số 1 Cristiano Ronaldo nhưng vẫn là một chuyên gia sút phạt đền có hạng. Messi đã quá nhiều lần phải đối diện với áp lực ghê gớm, thậm chí còn kinh khủng hơn thế nhiều nên kinh nghiệm ứng phó của anh hiển nhiên quá dày dạn. Vậy mà không hiểu sao, Messi lại nhằm thẳng cái xà ngang mà bắn (cần nhớ, bị thủ môn cản phá còn đỡ cay đắng hơn nhiều bởi ít ra, còn có cái cớ để mà biện minh). Thực ra, chẳng danh thủ dám tự tin quá mức khi phải đối diện với "khung thành 1 người" từ chấm 11m và "rủi ro" ngoài ý muốn không phải không bao giờ xảy ra song không sai nếu nhận định rằng, Messi đã có giây phút "yếu lòng" và kém bản lĩnh ở một khoảnh khắc không cho phép thất bại. "Rõ như ban ngày" tình huống đó mang tính bước ngoặt hơn nhiều so với lúc Ramires rút ngắn tỷ số cho Chelsea. Thật phũ phàng và nghiệt ngã khi vận mệnh của Barca chấm dứt trong tay ngôi sao sáng nhất đội.

Một triều đại hoàn toàn có thể sụp đổ trong nháy mắt nếu "tể tướng đầu triều" mắc sai sót, dù chỉ một lần duy nhất. Thậm chí, bao nhiêu công lao trước đó còn có nguy cơ bị phủ định hoàn toàn. Tất nhiên, Messi và Barca chưa đến mức rơi vào thảm cảnh này vì họ vẫn còn có cơ hội phục thù ở các mùa giải sau. Nhưng ít ra, Barca đã gần như mất tất cả trong mùa giải năm nay và giỏi lắm, chỉ có thể vớt vát cảnh trắng tay bằng chiếc cúp Nhà vua bé nhỏ (nhưng vào thời điểm này, ai dám bảo, Bilbao không thể làm nên bất ngờ). Riêng Lionel Messi khó lòng lập nên kỳ tích: đoạt "Quả bóng vàng FIFA" năm thứ 4 liên tiếp dù phải đến đầu năm sau, FIFA mới tiến hành xác định chủ nhân của danh hiệu cá nhân cao quý nhất làng bóng đá thế giới. Ngay cả ngôi vị không ngai "Cầu thủ số 1 thế giới" hẳn cũng lung lay ít nhiều. Quá bi kịch cho một thiên tài.

  • Bảo Phương

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X