Những thành tích tồi tệ và việc đang dần cạn kiệt những ngôi sao đẳng cấp khiến ĐT Anh ngày càng kém sức hấp dẫn với giới mộ điệu.
Có một chi tiết đáng chú ý trong trận Anh - Ukraine vừa qua là ở tầng thứ 3 (trên cùng) của khán đài nằm ở phía Nam sân Wembley xuất hiện một khoảng trống mênh mông màu đỏ. Đó là màu của những chiếc ghế không có CĐV nào ngồi. Ở tầng 2, cũng có khá nhiều ghế bị bỏ trống. Theo dự kiến của BTC, sẽ có khoảng 70.000 người đến xem trận Anh - Ukraine. Nhưng con số chính thức chỉ là 68.102.
Wembley là SVĐ lớn nhất của nước Anh với số ghế ngồi lên tới 90.000. Trong những sự kiện lớn, có nhiều sức hút để khán giả mua vé vào sân, những khán đài của nó thậm chí còn chứa được 105.000 người, với 10.500 người phải đứng. Thật khó để tin có một trận đấu nào đó của ĐT Anh tại Wembley khiến các CĐV của họ sẵn sàng đứng ở trên khán đài nhằm theo dõi.
Sự thật là những người dân Anh không còn quan tâm tới ĐTQG nước họ nhiều như trong quá khứ. Một tuần trước trận Anh - Ukraine, 80.000 người đã có mặt tại Wembley để cổ vũ các VĐV khuyết tật tranh tài tại Paralympic 2012. Quả là một thực tế bi hài đối với ĐT Anh vì độ hấp dẫn của các trận mà họ thi đấu không bằng so với các môn thi của Paralympic.
Đây không phải phép so sánh duy nhất cho thấy các trận cầu của đội bóng xứ Sương mù ngày càng bị NHM quay lưng. Nhớ lại trận đầu tiên vòng loại World Cup 1998, ĐT Anh gặp Moldova trên sân khách, các khán đài của sân Republican (đã bị phá hủy vào năm 2007) có 13.500 người, với gần 4.000 người là fan của Tam sư. Trong khi đó ở trận đầu tiên vòng loại World Cup 2014 khi ĐT Anh cũng phải hành quân tới Moldova, số người vào sân Zimbru chỉ là 10.250, trong đó có 918 người là CĐV của Tam sư.
Moldova là một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu nằm kẹp giữa Ukraine và Romania. Di chuyển đến một nơi xa xôi hẻo lánh như thế quả là một thử thách lớn đối với bất kì người dân Anh nào. Nhưng tại sao so với cách đây 16 năm, số lượng fan người Anh nhiệt tình sang tận Moldova cổ vũ cho đội bóng quê hương họ lại chỉ bằng 1/4?
Câu hỏi này có lẽ không khó để đưa ra câu trả lời. 16 năm về trước, ĐT Anh vừa trải qua một kì EURO 1996 thành công với việc thua rất thiếu may mắn trước Đức tại bán kết. Thời điểm đó, Tam sư vẫn còn khá nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới, đang ở giai đoạn chín nhất của sự nghiệp như Alan Shearer, Paul Gascoigne… hay những ngôi sao trẻ đang lên như David Beckham, Gary Neville…
Giờ thì khác. ĐT Anh có một chiến dịch EURO 2012 tệ hại. Cách Tam sư thua Italia trên chấm penalty tại tứ kết khác hẳn cách họ nhận thất bại trước người Đức cũng ở loạt đá luân lưu định mệnh tại bán kết năm 1996. Đừng quên, Steven Gerrard và Frank Lampard đều đã qua thời kì đỉnh cao. Wayne Rooney thì chấn thương và còn đang đánh mất hình ảnh của mình. Những Alex Oxlade-Chamberlain, Tom Cleverley hay Danny Welbeck đương nhiên không thể bằng Beckham hay Neville nếu xét về tài năng.
Thử hỏi một ĐT Anh yếu ớt và thiếu vắng những cái tên thực sự hot như hiện tại làm sao có thể kéo khán giả đến sân xem họ? Và nếu đoàn quân dưới quyền Roy Hodgson tiếp tục có thêm những kết quả đáng thất vọng như trận hòa 1-1 với Ukraine, chắc chắn sẽ có thêm nhiều NHM nữa quay lưng với họ.
(Theo báo Bóng Đá)