Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Vấn đề của 9 ông lớn trước thềm World Cup 2014

Thứ Sáu 22/11/2013 07:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giành vé dự ngày hội lớn, nhưng các ứng cử viên vô địch như chủ nhà Brazil, Argentina, Đức, Tây Ban Nha và một số đội bóng lớn khác vẫn còn nhiều tồn tại có thể phương hại tới cơ hội thành công của họ hè tới.

Tây Ban Nha đau đầu vì thủ môn và tiền đạo cắm

Iker Casillas, từ đầu năm 2013, chỉ là thủ môn số hai của Real Madrid. Tình trạng thiếu thực tiễn thi đấu này, nếu kéo dài đến cuối mùa giải hiện tại, làm dấy lên những lo ngại rằng anh sẽ không giữ được phong độ tốt nhất khi Tây Ban Nha bắt đầu chiến dịch bảo vệ Cup vàng trên đất Brazil.

Casillas không có thực tiễn thi đấu ở cấp CLB, nhưng Valdes vẫn chưa được chọn dứt khoát cho vị trí số một.
Casillas không có thực tiễn thi đấu ở cấp CLB, nhưng Valdes vẫn chưa được chọn dứt khoát cho vị trí số một.

Ngay cả HLV Del Bosque cũng không dám đặt cược niềm tin vào Casillas khi thừa nhận thủ môn của Real không được đảm bảo một suất bắt chính ở ngày hội lớn hè tới. Ông đồng thời bắt đầu tạo nhiều cơ hội hơn cho Victor Valdes, chuyên gia dự bị của Casillas ở tuyển Tây Ban Nha gần 10 năm qua. Tuy nhiên, một quyết định dứt khoát từ Del Bosque thì vẫn chưa có. Và tình trạng mập mờ này bị giới chuyên môn đánh giá là không tốt cho quá trình chuẩn bị của nhà ĐKVĐ World Cup.

Trên hàng công, bài toán về một trung phong cắm vẫn là một vấn đề nhức nhối với Tây Ban Nha, vì Torres, Villa, Llorente xuống phong độ, Negredo vẫn chưa thật sự có duyên ở cấp độ ĐTQG. Del Bosque đã tính giải bài toán này khi tranh giành với Brazil chân sút mới nổi của Atletico Madrid, Diego Costa. Nhưng khi có được anh này rồi, ông lại không thể thử nghiệm trong đợt tập trung cuối cùng của năm 2013 vừa qua vì Costa dính chấn thương. Đợt tập trung gần nhất sắp tới sẽ chỉ diễn ra vào tháng tháng 3//2014, đó là thời điểm hơi muộn cho những cuộc thử nghiệm.

Đức run rẩy vì những chấn thương

Bóng đá Đức tiếp tục sản sinh ra những lứa tài năng mới, nhờ chính sách ưu tiên đào tạo trẻ của LĐBĐ nước này (DFB), nhưng nếu họ không có đủ ba tiền vệ trung tâm lành lặn và chơi đúng phong độ ở Brazil hè tới, tuyển Đức khó lòng hiện thực hóa mục tiêu giải cơn khát danh hiệu kéo dài từ Euro 1996 đến nay. Chấn thương của Sami Khedira - đứt hai dây chằng chéo trước và giữa đầu gối chân phải trong trận giao hữu hòa Italy 1-1 - là đòn nặng giáng vào công tác chuẩn bị của thầy trò Joachim Low cho World Cup 2014. Khedira sẽ nghỉ thi đấu khoảng 6 tháng và không chắc kịp bình phục, lấy lại thể lực, cảm giác bóng cần thiết để cùng cả đội tranh tài ở Brazil. Phía sau Khedira, Low thật ra vẫn còn hai phương án dự phòng đủ chất lượng với Schweinsteiger và Ilkay Gundogan. Nhưng sau khi mất ngôi sao đang khoác áo Real Madrid, ông sẽ phải cầu nguyện để bộ đôi này lành lặn tới thời điểm đi Brazil. Schweinsteiger từ hai năm qua vật lộn với một loạt chấn thương ỏ Bayern, trong khi Gundogan không còn bùng nổ ở Dortmund như mùa trước vì vết đau dai dẳng ở lưng.

Argentina mất cân bằng giữa công và thủ

Đội về nhất vòng loại khu vực Nam Mỹ đang sở hữu một dàn sao tấn công tài năng và hùng hậu đáng mơ ước với bất kỳ đội bóng nào nuôi tham vọng vô địch World Cup. Ngoài một Messi được ví như Maradona mới, HLV Alejandro Sabella còn Di Maria, Aguero, Higuain, Tevez, Lavezzi, Pastore, Palacio, Icardi. Tuyến giữa của họ cũng được giá vào loại ổn nhờ những Mascherano, Gago, Banega, Ricky Alvarez hay Lamela. Nhưng điều tương tự không diễn ra ở tuyến dưới cùng, nơi Argentina không còn sản sinh ra những hậu vệ thủ môn chất lượng hàng đầu thế giới như trước kia. Hai biên của họ rất dễ tổn thương vì xu hướng dâng cao của các hậu vệ cánh như Zabaleta, Otamendi. Ở vị trí cặp trung vệ, người khá nhất của Argentina giờ chỉ là Ezequiel Garay, cầu thủ từng thất bại vì không thể chịu nổi áp lực ở Real Madrid. Thủ môn số một Sergio Romero thì từ đầu mùa này chỉ ngồi đánh bóng ghế dự bị ở Monaco.

Hà Lan và những rủi ro từ sự non kinh nghiệm

Nổi tiếng là một HLV thích trọng dụng các cầu thủ trẻ, sau khi trở lại nắm tuyển Hà Lan, Louis van Gaal đã tích cực áp dụng chính sách đó. Ông tạo ra một tuyển Hà Lan mới mẻ và trẻ trung với một loạt tài năng tuổi đôi mươi được gọi từ các CLB đang chơi trong nước hoặc chỉ mới xuất ngoại như Daryl Janmaat, Stefan de Vrij, Jetro Willems, Jordy Classie, Luciano Narsingh, Kevin Strootmann, Daley Blind, Siem de Jong. Động thái trẻ hóa mạnh tay đó vẫn cho kết quả tích cực ở vòng loại World Cup khi những cầu thủ mới lên tuyển bắt sóng được với các đàn anh trụ cột dày dạn kinh nghiệm như Van Persie, Sneijder, Van der Vaart, Robben. Hà Lan chắc suất nhất bảng, đoạt vé đi Brazil sớm tới hai lượt trận và kết thúc hành trình vòng loại với thành tích bất bại (thắng 9, hòa 1). Tuy nhiên, khi World Cup 2014 khởi tranh ở Brazil, đó có thể là một câu chuyện khác. Giải đấu lớn nhất thế giới, càng vào sâu, càng đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm và khả năng ứng phó với sức ép khủng khiếp. Những phẩm chất ấy chỉ được tích lũy qua rất nhiều lần được thử lửa ở những đấu trường lớn - điều mà tất cả các sao trẻ Hà Lan hiện tại chưa có, khi CLB của họ đều chơi đì đẹt tại Cup châu Âu.

Những gương mặt trẻ như Classie (áo da cam) có thể chơi tốt ở vòng loại, nhưng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ không thui chột khi được quăng vào lửa ở World Cup 2014.
Những gương mặt trẻ như Classie (áo da cam) có thể chơi tốt ở vòng loại, nhưng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ không thui chột khi được "quăng vào lửa" ở World Cup 2014.

Italy chưa định hình được sơ đồ chiến thuật

Giống Hà Lan, Italy cũng giành vé đi Brazil sớm nhất trong hành trình vòng loại khu vực châu Âu. Nhưng vấn đề của họ khi hướng đến World Cup 2014 lại là thiếu một sơ đồ chiến thuật ổn định. Riêng trong năm 2013, Italy đá 18 trận cả chính thức lẫn giao hữu. HLV Prandelli đã thử nghiệm tới tám sơ đồ khác nhau, trong đó nhiều nhất là sơ đồ 4-2-3-1 được sử dụng bốn lần. Sự thay đổi xoành xoạch đó để lại hậu quả tiêu cực rõ nhất ở hàng phòng ngự. Nếu chỉ tính từ đầu Confed Cup 2013 hồi tháng 6, Italy để lọt lưới tới 21 bàn chỉ qua 12 trận. Ngoài thủ môn Buffon xuống phong độ, việc Italy cứ thay đổi giữa sơ đồ ba hậu vệ và bốn hậu vệ được giới chuyên môn trong nước chỉ mặt như là một lý do quan trọng dẫn tới sự xuống cấp của hàng phòng ngự. Prandelli cũng loay hoay mà chưa tìm ra được một hộ công đủ chất lượng để tiếp đạn cho cặp tấn công mà ông rất ưng ý Rossi - Balotelli. Diamanti, Candreva, Marchisio, Montolivo đều đã được thử nghiệm, nhưng chưa có ai tạo cảm giác thật sự đáng tin cậy.

Anh nhìn đâu cũng thấy vấn đề

Cứ mỗi dịp World Cup hay Euro diễn ra, dưới sự bơm vá của truyền thông, tuyển Anh luôn tự xem họ như một ứng cử viên. World Cup 2014 có lẽ cũng không là ngoại lệ, sau khi “Tam Sư” vượt qua vòng loại ở lượt đấu cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ qua hai trận giao hữu gần nhất mà họ toàn thua tại Wembley, dưới tay một Chile bình dân và một tuyển Đức chỉ sử dụng đội hình hai, đội bóng dưới trướng Roy Hodgson tỏ ra vẫn chưa khắc phục được những vấn đề muôn thuở.

Với Steven Gerrard, Frank Lampard, Jack Wilshere và Michael Carrick, họ không thiếu những lựa chọn chất lượng cho cặp tiền vệ trung tâm, nhưng sự ổn đinh và hiệu quả khi kết hợp những cái tên này lại với nhau thì lại là điều xa xỉ. Sơ đồ 4-4-2 mà Hogdson ưa chuộng cũng bị cho là quá dễ bị các đối thủ bắt bài, trong khi sau 13 năm, sự lúng túng trong việc sử dụng cặp Lampard - Gerrard như thế nào là tốt nhất vẫn chưa được khắc phục.

Dưới hàng thủ, sau khi Rio Ferdinand sa sút vì tuổi tác, Terry giã từ đội tuyển vì cay cú với FA, Anh không còn một trung vệ cứng, đủ khả năng làm hòn đá tảng, điểm tựa cho cả bộ tứ vệ. Jagielka (Everton) chỉ ổn định ở mức tròn vai, những Smalling (Man Utd), Kyle Walker, Naughton (Tottenham), Caulker (Cardiff) chưa đủ lớn để cáng đáng trách nhiệm, trong khi Gary Cahill đang có dấu hiệu sa sút từ đầu mùa. Dawson (Tottenham) và Phil Jones thiếu ổn định vì liên tục dính chấn thương. Trong khung gỗ, Joe Hart đang là lựa chọn số một, nhưng nếu anh này tiếp tục phải ngồi dự bị ở Man City đến hết mùa như một tháng vừa qua, chẳng có gì đảm bảo thủ môn này sẽ duy trì được cảm giác bóng, phản xạ để có thể sẵn sàng chinh chiến ở World Cup.

Brazil: Áp lực từ sự kỳ vọng

Với việc đưa Scolari trở lại chữa cháy kịp thời, quá trình chuẩn bị của Brazil cho ngày hội mà họ là chủ nhà đã trở lại đúng quỹ đạo, với chỉ một thất bại trong 17 trận gần nhất. Tính đến hết đợt tập trung vừa qua, Scolari gần như định hình xong bộ khung chuẩn bị cho chiến dịch tìm kiếm vinh quang hè tới, với khoảng 20 vị trí gần như chắc chỗ. Thời gian còn lại chờ đến ngày khai mạc có lẽ chỉ được Scolari dùng để rà soát lại các phương án nhân sự, chiến thuật đang có và bổ sung thêm hai hoặc ba cái tên nữa để chốt sổ.

Tuy nhiên, có một điều mà đông đảo giới chuyên môn đều cho là vấn đề nghiêm trọng của Brazil: áp lực phải đoạt Cup vàng trên sân nhà. Brazil từng vô địch ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, nhưng đăng quang trên sân nhà vẫn là giấc mơ xa xỉ. Lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay họ làm chủ nhà World Cup - 1950 - ghi dấu một nỗi buồn lớn của bóng đá Brazil khi đội tuyển của họ thua ngược Uruguay 1-2 trong trận cuối cùng. Điều tương tự, nếu lặp lại với thầy trò Scolari hè tới, sẽ là thảm kịch với quốc gia Nam Mỹ này. Người dân Brazil, đa số đang nghèo, bị chính phủ cắt giảm, hoặc chậm thực hiện các phúc lợi xã hội để lấy ngân quỹ phục vụ việc cải tạo, xây mới hạ tầng phục vụ World Cup, sẽ không thể chấp nhận mọi kết quả ngoài việc chứng kiến thầy trò Scolari nâng cao Cup vàng trên sân Maracana ngày 13/7/2014.

Brazil có thể sụp đổ vì sức ép kỳ vọng khủng khiếp.
Brazil có thể sụp đổ vì sức ép kỳ vọng khủng khiếp.

Bồ Đào Nha lệ thuộc vào Cristiano Ronaldo

Đội bóng Nam Âu này rồi cũng giành được vé đi Brazil sau khi thắng Thụy Điển thuyết phục trong hai lượt trận play-off. Nhưng cách họ vượt qua chướng ngại chót trên hành trình vòng loại này một lần nữa cho thấy rõ hơn sự lệ thuộc của Bồ Đào Nha vào Cristiano Ronaldo, chủ nhân của cả bốn bàn thắng vào lưới Thụy Điển. Với Pepe, Bruno Alves và Ricardo Costa, Moutinho, Veloso, Meireles có chất lượng đồng đều ở giữa sân, HLV Paulo Bento không quá lo ngại về hai tuyến dưới. Nhưng trên hàng công, phía sau Ronaldo là một khoảng trống đáng lo ngại. Hugo Almeida, Helder Postiga chưa bao giờ được xem là những tiền đạo giỏi, Nani là một tài năng lớn, nhưng chưa bao giờ thể hiện đúng trình độ cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG. Gánh nặng vì thế dồn cả lên vai siêu sao đang khoác áo Real Madrid.

Sự lệ thuộc ấy đồng nghĩa với việc Bồ Đào Nha sẽ đối mặt với rủi ro lớn nếu chẳng may Ronaldo gặp chấn thương - điều hoàn toàn có thể diễn ra trong bảy tháng còn lại trước World Cup. Trong trường hợp Ronaldo lành lặn đến với World Cup 2014, Bồ Đào Nha cũng chưa chắc có thể tiến sâu. Ronaldo có chói sáng đến mấy, anh vẫn có những trận đấu bị đối phương bắt bài, vô hiệu hóa. Điều đó từng xảy ra ở World Cup 2010, khi Ronaldo “tắt điện” trước Brazil ở vòng bảng (Bồ Đào Nha hòa 0-0) rồi Tây Ban Nha ở vòng 16 đội (thua 0-1). Tại Euro 2012, dù Ronaldo tỏa sáng kéo Bồ Đào Nha đến tận bán kết, họ cũng dừng bước trước Tây Ban Nha, trong trận cầu mà siêu sao số một bị các hậu vệ đối phương kiềm tỏa.

Pháp: Rủi ro từ những quả bom nổ chậm

Bất kể nhờ sự trợ giúp của trọng tài và chính đối thủ, hay nhờ nỗ lực của chính họ trong trận play-off lượt về thắng Ukraine 3-0, Pháp cũng đã đạt được mục tiêu lớn nhất trong năm 2013 là giành vé đi Brazil. Nhưng làm thế nào để đội quân dưới trướng ông thể hiện rõ vị thế của một ông lớn ở World Cup 2014 lại là bài toán hóc búa với HLV Didier Deschamps. Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012 đều để lại những ấn tượng rất xấu về tuyển Pháp, đặc biệt trong vấn đề kỷ luật nội bộ. Đỉnh điểm của ô nhục là lần Anelka chửi thẳng mặt HLV Domenech ở World Cup 2010 rồi bị đuổi về dẫn đến việc cả đội bỏ tập để phản đối ở đồi Knysna, Nam Phi. Anelka đã kết thúc sự nghiệp quốc tế, nhưng Pháp vẫn còn đó những cái tôi lớn có thể gây bất ổn như Nasri, Ribery, Benzema, Evra. Evra được cho là kẻ cầm đầu màn biểu tình ở Knysna ba năm trước, Nasri từng mắng HLV ở Man City, Ribery, Benzema hơn một lần lườm nguýt, không hài lòng với các quyết định của HLV.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X