Có đôi khi, chiến thắng không phải là biểu tượng cho sức mạnh, sự hào nhoáng không thể hiện cho uy quyền, sự giàu có.
Khi vẻ đẹp chỉ là sự trần trụi, sự thật được phô bày không như bản chất, giống những bức họa kinh điển về phụ nữ đều khỏa thân, bức tượng thần Vệ nữ thành Milo nổi tiếng nhờ bị cụt 2 cánh tay, hay sau bức họa Mola Lisa bí ẩn của Leonardo de Vinci có vết bẩn màu không bao giờ xóa sạch…
Nam Mỹ đã từng đẹp theo cách đó, không màu mè và cầu kỳ, chỉ cần đơn giản là cống hiến và say mê. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Những giá trị cũ kỹ được sửa sang lại cho bóng bẩy để đánh lừa cảm giác, và những bất ngờ chỉ là sự ám ảnh của ảo tưởng.
Họa phẩm trần trụi của Maradona
Vòng loại World Cup 2010 khu vực châu Âu chỉ hấp dẫn đôi chút ở vòng áp chót, còn đến vòng cuối mọi thứ coi như đã an bài. Thậm chí, bất cứ ai cũng có thể đoán trước kết cục vòng loại ở châu Âu từ cách đây vài tháng. Nhưng ở Nam Mỹ, mọi chuyện chỉ được giải quyết ở những phút cuối cùng. Vẫn còn đó sức lôi cuốn, nhưng sự hấp dẫn đó bị cho là thảm họa chỉ bởi kẻ tham gia cuộc đua gay cấn đó lại là Argentina, một tượng đài vĩnh cửu của Nam Mỹ.
Argentina và Maradona thoát hiểm vào phút chót
Nhưng chính cuộc khủng hoảng của Albicelestes và sự ngông ngênh, điên rồ của Maradona đã tạo ra một kịch bản kịch tính nhất, ngoạn mục nhất và đáng nhớ nhất trong lịch sử các vòng đấu loại World Cup, kể từ khi Nam Mỹ sử dụng thể thức đấu vòng tròn như hiện nay (từ VL World Cup 1998). Argentina của Maradona giống như của bức họa Mona Lisa. Đẹp kiêu kỳ, bí ẩn, đầy thách thức nhưng lại có những vết màu nguệch ngoạc ở phía sau. Có thể coi đó là sự xung đột giữa Bilardo với Maradona, cũng có thể coi là sự tan vỡ của một tập thể có quá nhiều ngôi sao nhưng chỉ đóng vai trò dự bị, là những người làm nền cho những cầu thủ vô danh tỏa sáng. Nhưng dù sao, Argentina và Maradona vẫn hoàn thành vai trò lịch sử ngay trong lòng một cuộc khủng hoảng đang lan tràn. Trong tình thế đó, Maradona đang vẽ ra một tác phẩm quái dị nhưng đặc sắc và trần trụi cho riêng mình.
Vẻ đẹp của pho tượng cụt tay
Maradona khẳng định Argentina không hề sụp đổ, và quyền lực Nam Mỹ vẫn thuộc về những giá trị truyền thống. Bốn lần diễn ra vòng loại theo thể thức hiện nay (ngoại trừ vòng loại World Cup 1998, Brazil được vào thẳng với tư cách ĐKVĐ) những kết cục cuối cùng luôn có 3 cái tên xuất hiện ở 4 vị trí đầu tiên gồm: Argentina, Brazil và Paraguay. Lần này vẫn thế.
Brazil chào mừng Argentina… theo chân họ đến Nam Phi bằng bức họa Dunga cùng Maradona “trượt cỏ” bằng ngực đúng kiểu HLV Argentina ăn mừng bàn thắng của Palermo vào lưới Peru. Chỉ có điều, Brazil kín đáo chế giễu đối thủ của mình bằng lời chú thích đại ý: “Bóng đá có những việc cần phải… làm cùng nhau”, với cách thể hiện đầy ngụ ý về nét mặt hai HLV. Dunga tươi rói rất thông cảm nhìn Maradona khổ sở đến thương tâm. Nếu Brazil nói Argentina khủng hoảng thì phải lật lại lịch sử, bởi chính họ cũng từng suýt bị loại khỏi World Cup 2002 (có 30 điểm, bằng đội thứ 4 là Paraguay) với hành trình y hệt Argentina bây giờ: thua kình địch Argentina, liên tục thảm bại và chỉ tồn tại nhờ thắng lợi ở vòng cuối (Venezuela 3-0). Ai cũng nói Brazil khi đó khủng hoảng, sụp đổ và hoang tàn. Argentina lúc đó cũng giễu cợt đối thủ bằng những bức ảnh ghép các ngôi sao Brazil vào thân hình những chú lùn trong chuyện cổ tích. Nhưng tại World Cup 2002, Brazil vô địch bằng sức mạnh kinh hoàng. Argentina hoàn toàn có thể tái hiện lịch sử, bởi họ đang sở hữu tiềm lực cực lớn với một HLV điên rồ nhưng đầy cá tính, mạo hiểm và dám đương đầu. Khi đó, sức hút Nam Mỹ giống như bức tượng Vệ nữ thành Milo, một bức tượng không hoàn hảo lại tạo nên vẻ đẹp huyền thoại!
Quyền lực, câu chuyện mới và cái kết cũ
Và rồi, dường như Nam Mỹ chẳng có gì thay đổi. Có chăng chỉ là lớp vỏ bọc che đậy sự thật vốn dĩ. Nam Mỹ không trần trụi như xưa mà đã khoác lên sự thực dụng và hình ảnh kỳ lạ, từ Brazil đến Argentina và cả Paraguay, Chile, Uruguay. Họ đã dùng lớp vỏ bọc xù xì ấy để đảm bảo quyền lực, sức mạnh của mình, dù chẳng hấp dẫn nhưng cũng hợp với xu thế. Chỉ có điều, chẳng biết ở Nam Phi, Nam Mỹ có lấy lại sự thống trị bằng vẻ đẹp truyền thống của mình?
Thống kê chung cuộc
Vào thẳng VCK World Cup 2010: Brazil, Paraguay, Chile, Argentina.
Đá play-off: Uruguay (gặp Costa Rica trong 2 lượt ngày 14 và 18/11 tới).
Con số
0: Brazil đã không thua trận nào trên sân nhà tại vòng loại World Cup 2010 khu vực Nam Mỹ.
1: Bàn thắng duy nhất của Mario Bolatti vào lưới Uruguay là pha lập công đầu tiên của anh trong màu áo ĐTQG Argentina, giúp Albiceleste giành vé vào thẳng VCK World Cup 2010.
3: Đây là lần thứ 3 liên tiếp, ĐT Uruguay lọt vào vòng đá play-off. Trong 2 lần trước, Uruguay đều gặp Australia với kết quả thắng 1, thua 1.
5: Bóng đá Uruguay từng nổi tiếng một thời bởi lối chơi thô bạo. ĐT Uruguay đã nhận đến 5 thẻ đỏ, nhiều nhất khu vực Nam Mỹ.
9: Paraguay là đội bóng duy nhất đánh bại tất cả 9 đối thủ còn lại ở vòng loại ít nhất 1 lần. Đây là thành tích mà ngay cả Brazil cũng không đạt được (bị Colombia cầm hòa cả 2 trận với cùng tỉ số 0-0).
21: Paraguay đã giành được 21/27 điểm tối đa trên sân nhà, cao nhất vòng loại.
33 & 36: Brazil là đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất tại với 33 bàn, Chile chỉ kém Brazil đúng 1 bàn. Ở khía cạnh ngược lại, Bolivia để lọt lưới nhiều nhất với 36 lần vào lưới nhặt bóng.
Các chân sút hàng đầu
10 bàn: Suazo (Chile)
9 bàn: Fabiano (Brazil)
7 bàn: Forlan (Uruguay), Joaquin (Bolivia)
6 bàn: Maldonado (Venezuela), Cabanas (Paraguay)
5 bàn: Martins (Bolivia), Suarez và Gallo (Uruguay), Valdez (Paraguay), Kaka và Nilmar (Brazil).
(Theo báo Bóng Đá)