- Van Gaal "vừa khen ngợi, vừa ra oai" với trò cưng Rooney sau danh hiệu đầu tiên
- Man Utd 3-1 Liverpool: Màn ngược dòng thuyết phục trong ngày Rooney làm thủ quân
Đẳng cấp của Van Gaal
Quả thực, nếu không phải là một chiến lược gia cao tay thì không dễ thổi luồng sinh khí mới vào một đội bóng rất bệ rạc và hỗn loạn sau một mùa giải thảm bại. Vừa chính thức nắm quyền chưa đầy 1 tháng mà Van Gaal đã phần nào vực dậy được đội bóng dù Man Utd cho đến giờ vẫn chưa cần phải trải qua cuộc thay máu triệt để như dự tính của giới chuyên môn, qua đó tạo niềm tin vững chắc cho người hâm mộ về sự trở lại hoành tráng trong mùa giải mới. Dấu ấn của vị HLV 62 tuổi là cực kỳ rõ nét. Ông không chỉ giỏi giang trong việc mau chóng giúp các học trò mới thích nghi cực nhanh vào đấu pháp 3-5-2 vốn hoàn toàn xa lạ với toàn bộ đội hình Man Ud hiện nay (ngoại trừ duy nhất Van Persie là thân thuộc nhưng đến ngày hôm qua, anh mới trở lại đội sau kỳ nghỉ hậu World Cup 2014) mà còn làm hồi sinh nhiều gương mặt tưởng hết thời và không có chỗ dung thân ở Old Trafford.Ashley Young: "Hàng thải" chơi tốt nhất từ đầu hè
Giờ đây, nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn Man Utd thi đấu vô cùng nhịp nhàng, uyển chuyển, ăn ý trong cái chiến thuật mới cứ như thể Van Gaal đã nắm đội từ lâu và nhiều người đã quá quen với cách bố trí lạ lẫm 3-5-2. Bên cạnh đó, ngoài sự thể hiện tốt của những gương mặt luôn được xem là nòng cốt của đội trong tương lai kể cả khi Van Gaal không làm HLV trưởng (như Mata, Rooney, Evans hay Jones) thì cần phải ghi nhận nỗ lực khẳng định mình của những cầu thủ từng bị đưa vào diện thanh lý. Nổi bật trong số này là Ashley Young. Có thể nói, tiền vệ 29 tuổi người Anh đã nắm bắt rất nhanh yêu cầu, đòi hỏi của Van Gaal dành cho một cầu thủ chạy cánh trong sơ đồ mới (thể lực phải tố, công thủ phải toàn diện, biết lên xuống nhịp nhàng, hợp lý) để rồi chơi ngày một hay. Trước Liverpool, khi Man Utd phải thiên về tấn công hòng gỡ hoà, Young đích thực là mối hiểm hoạ thường trực bên cánh phải bằng những quả tạt khó chịu. Đến lúc "Quỷ đỏ" cần phải phòng ngự bảo toàn tỷ số, Young đã biến thành chốt chặn không dễ vượt qua nơi khu vực do anh quản lý và có không ít những động tác cản phả chính xác như một hậu vệ thứ thiệt. Màn trình diễn của Young được tô điểm thêm bằng đường chuyền tạo ra bàn thắng thứ 3 của Jesse Lingard. Rõ ràng, Young đã ngày một hoàn thiện năng lực để có thể đảm nhận hoàn hảo vai trò "cầu thủ chạy biên (wingback)" trong sơ đồ 3-5-2 như kỳ vọng và mong muốn của Van Gaal. Không những vậy, Young còn đủ sức chơi tốt cả hai cánh (lưu ý, nếu Valencia không rời sân từ sớm thì có lẽ Young sẽ phải chơi bên cánh trái dài dài). Không còn nghi ngờ gì, Young chắc chắn sẽ chiếm được chỗ đứng chính thức trong đội hình Man Utd đầu mùa tới, một viễn cảnh hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của tất cả.
Wayne Rooney quá đủ tiêu chuẩn cho chức vụ thủ quân Man Utd
Phải đến trận giao hữu cuối cùng trên đất Mỹ, R10 mới Van Gaal trao băng đội trưởng đúng như ước nguyện cháy bỏng của "chàng Shrek". Sau trận đấu, mặc cho vị HLV người Hà Lan giải thích rằng sở dĩ ông chọn Rooney là bởi ngay từ ban đầu, ông định cho tiền đạo người Anh chơi cả trận (thực tế Darren Fletcher, tiền vệ đã làm đội trưởng Man Utd trong 3 trận, chỉ chơi đúng hiệp 1) chứ chẳng phải ông đã có quyết định cuối cùng về vấn đề ai sẽ chính thức làm thủ quân Man Utd mùa tới thì hẳn trong lòng, Van Gaal rất hài lòng về sự thể hiện của cậu học trò. Hiệp đầu, dù Man Utd lâm vào bế tắc và gần như không công phá nổi hàng thủ đối phương thì Rooney vẫn rất nổi bật trên sân. Anh tả xung hữu đột, thi đấu lăn xả, tích cực di chuyển kiếm bóng cũng như phối hợp với đồng đội. Nhiều lúc, có cảm giác Rooney còn đảm đương cả công việc tổ chức, dẫn dắt lối chơi vốn thuộc về Juan Mata, "số 10" chơi không quá nổi bật trận vừa rồi.
Không những vậy, Rooney còn thể hiện vai trò lãnh đạo của mình khi liên tục đưa ra chỉ dẫn cho đồng đội cũng như sẵn sàng "ăn thua đủ" với đối phương trong các pha tranh chấp dựa vào phẩm chất máu lửa, nhiệt tình sẵn có cùng vẻ ngoài "dữ dẵn". Đó là chuyện chưa từng xảy ra khi Fletcher hay Cleverley làm đội trưởng bởi đơn giản, họ quá hiền lành, tiếng nói lại không có trọng lượng với toàn đội. Bước sang hiệp 2, chính Rooney chứ không phải ai khác là người mở màn cho cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của đội bóng bằng pha dứt điểm khá tinh tế, qua đó vực dậy tinh thần cho cả đội. Làm tốt cả hai nhiệm vụ nặng nề, sẽ là bất ngờ cực lớn nếu Rooney không được tiếp tục nhận trách nhiệm đội trưởng Man Utd trong trận mở màn Premier League mùa giải mới gặp Swansea, nhất là khi một ứng cử viên sáng giá khác cho cương vị này (Robin Van Persie) không chắc đã được ra sân, chưa nói đến việc Percy không thi đấu một phút nào trong đội hình Man Utd phiên bản mới kể từ đầu hè còn Rooney có mặt trong mọi trận. Rooney xứng đáng làm thủ quân Man Utd
Triển vọng tươi sáng của hai tân binh
Tuy không còn để lại ấn tương cực mạnh ở Man Utd như mấy trận đầu tiên, đặc biệt là màn huỷ diệt LA Galaxy 7-0 ở ngày ra mắt của Van Gaal song tiền vệ Ander Herrera vẫn ngày một xác lập chỗ đứng của mình nơi tuyến giữa đội bóng. Chính xác, Man Utd chỉ bị lép vế trong khoảng 20 phút đầu và bị chọc thủng lưới, còn lại họ đã luôn khống chế được cục diện, chủ yếu nhờ vào cặp tiền vệ trung tâm với hai sự kết hợp khác nhau, trong đó tiền vệ người TBN được thi đấu lâu nhất (gần 80 phút). Chừng đó, cũng đủ khẳng định, Herrera đã chơi tốt đến mức nào, nhất là trong hiệp 2 khi Liverpool không còn gây ra được sức ép mạnh lên cầu môn De Gea. Sở hữu thể hình nhỏ con vốn là bất lợi không nhỏ cho những tiền vệ trung tâm chơi bóng tại giải đấu thiên về sức mạnh như Premier League song đổi lại, cầu thủ 25 tuổi biết vận dụng đầu óc vào phán đoán tình huống, bao quát trận đấu để đưa ra quyết định chuẩn mà không bị tốn quá nhiều sức.
Trong khi đó, Luke Shaw không còn "vừa đá vừa thở" như mấy lần trước được Van Gaal sử dụng. Một khi lấy lại thể lực tốt nhất thông qua sự chuyên cần trên sân tập, thần đồng bóng đá Anh sinh năm 1995 đã cho thấy anh có thể cai quản cánh trái tốt như thế nào khi mà với nhiều người, sơ đồ 3-5-2 vô cùng phù hợp với Shaw, một hậu vệ vừa toàn diện lại vừa mang gốc gác Anh quốc (nên có nhiều ưu điểm về mặt thể lực, tốc độ so với hậu vệ các nước khác). Shaw phòng ngự rất hiệu quả, phối hợp tốt với đồng đội chứ không còn "một mình một phách", khiến Liverpool không thể công phá nhiều bên cánh do sao trẻ này phụ trách. Ngoài ra, các đợt lên tham gia tấn công tuy không quá nổi trội như đàn anh Ashley Young bên cánh đối diện nhưng vẫn cho thấy tiềm năng của một "wingback" theo tiêu chuẩn Van Gaal. Chính Shaw đã đẩy bóng cho Juan Mata ghi bàn thứ hai. Khi mà Van Gaal không có quá nhiều lựa chọn "xịn" cho cánh trái (tức là cần phải thuận chân trái) thì Shaw hiển nhiên sẽ được ưu ái, miễn là anh phải tiếp đà thăng tiến và không được chững lại trong giai đoạn "bản lề" quan trọng này trước mùa giải mới
Man Utd vẫn cần chiêu mộ cầu thủ
Dù thầy trò Van Gaal đã thắng cả 5 trận giao hữu trên đất Mỹ và đa phần đều rất thuyết phục cũng như thể hiện sự khởi sắc, tươi mới rõ rệt về nhiều mặt (từ lối chơi, nhân sự cho đến tinh thần) thì vẫn chưa thể kết luận: Đội hình hiện tại của Man Utd đã đạt đến độ hoàn hảo, thừa sức cạnh tranh ngôi vương Premier League mà không cần phải tăng cường thêm. Dễ nhận thấy nhất, "Quỷ đỏ" thành Manchester phải bổ sung người vào vị trí trung vệ và tiền phòng ngự. Đúng là bộ ba Jones - Smalling - Phil Jones đã dần làm quen và không còn nhiều bỡ ngỡ trong hệ thống phòng ngự mới song chưa hoàn toàn xuất sắc. Nhiều bận, họ để các cầu thủ tấn công Liverpool vượt qua khá dễ dàng, lại thiếu sự bọc lót cho nhau. Không những vậy, phía sau họ là khoảng trống to đùng bởi cả Blackett hay Michael Keane dù từng được Van Gaal khen ngợi nhưng rõ ràng họ chưa đủ tầm để đứng vào hàng ngũ đội chính Man Utd mùa tới. Quan trọng hơn, một mấu chốt trong sơ đồ hậu vệ 3 người là cần phải có một thủ lĩnh tài ba thường sẽ chơi ở trung tâm (hai trung vệ còn lại có xu hướng dạt cánh). Hiệp đầu Evans đảm nhận trọng trách này và đến hiệp 2 vai trò được chuyển giao cho Smalling song cả hai giỏi lắm chỉ hoàn thành nhiệm vụ đơn thuần của một cầu thủ phòng ngự mà gần như chẳng chỉ huy, điều phối được gì. Như vậy, Man Utd cần phải mua một trung vệ chẳng những đã thành danh mà còn phải mang tư chất lãnh đạo.
Tiếp theo là vấn đề ở tuyến giữa. Để có thể khai thác tối đa năng lực cũng như bù đắp những thiếu hụt của Ander Herrera thì đối tác bên cạnh tiền vệ này cần phải là chuyên gia đánh chặn thứ thiệt, sở hữu lợi thế về mặt thể hình, sức khoẻ, qua đó làm chỗ dựa cho Herrera chơi "thăng hoa" hơn. Nhu cầu bức thiết này được phần nào khẳng định ở hiệp 2 khi Tom Cleverley chơi khá ổn trong vai trò "máy quét", tranh chấp bóng quyết liệt và giành giật trung tuyến với đối phương. Tuy nhiên, sự ổn định và bứt phá mãnh liệt của tiền vệ này luôn là một dấu hỏi lớn khi mà anh vẫn chơi khá phập phù từ đầu hè. Darren Fletcher từng là tiền vệ phòng ngự hàng đầu Premier League nhưng bây giờ, anh đã 30 tuổi, thể lực không còn được như xưa và đừng quên anh có quãng thời gian hơn 2 năm vật lộn với căn bệnh bí hiểm liên quan đến đường ruột. Chẳng có gì đảm bảo nó sẽ không tái phát trong tương lai, nhất là khi các cầu thủ bóng đá luôn phải vận động với cường độ cao. Trong khi, phong cách Carrick lại na ná như Herrera thì gần như họ chẳng thể bổ trợ cho nhau được gì, thậm chí không cẩn thận còn dẫm chân lên nhau. Kể ra, Van Gaal mà chịu thử nghiệm Fellaini thì chưa biết chừng gặt hái được chút ít thành quả nhưng vào lúc này, tiền vệ người Bỉ coi như đã đặt một chân khỏi Old Trafford. Bởi thế, nếu không mua được tiền vệ phòng ngự mới thì có lẽ tuyến giữa của Man Utd sẽ khá bất ổn, đặc biệt khi phải chạm trán những đội toàn "hàng khủng" ở trung tuyến như Chelsea, Man City(Liverpool thực ra không nằm trong số này bởi cả Gerrard hay Henderson mang thiên hướng tấn công khá mạnh chứ không phải cao thủ đánh chặn đúng nghĩa).
Thiên Bình