Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Real chờ đợi gì ở Modric: Los Blancos cũng cần một Xavi

Thứ Bảy 01/09/2012 15:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khái niệm tiền vệ xây nền lối chơi đã bị Real Madrid bỏ qua trong nhiều năm, nhưng với thương vụ kỷ lục Luka Modrid (36 triệu bảng), Bernabeu đang cố tìm ra một phương án chống lại hàng tiền vệ với quá nhiều cầu thủ xây dựng lối chơi kiệt xuất của Barcelona.

Ở trận đấu gần nhất giữa hai đội, thất bại 2-3 của Madrid tại Siêu Cúp Tây Ban Nha lượt đi, Barca tiếp tục chứng tỏ sự vượt trội về quyền kiểm soát bóng (70% so với 30%), số cơ hội và cả bàn thắng. Nếu thủ môn Victor Valdes không mắc sai lầm, Madrid sẽ phải nhận một kết quả thua đậm hơn, xứng đáng hơn với màn trình diễn hoàn toàn lép vế của họ.

Sự khác biệt ở trận đấu nói trên, cũng như hàng loạt các trận kinh điển trong vài năm trở lại đây, nằm ở tuyến tiền vệ, hay cụ thể hơn là những cầu thủ dạng “số 8” như Xavi và Andres Iniesta. Barca tạo được nền lối chơi vững chắc bằng những mẫu tiền vệ tổ chức xuất sắc nhất và phù hợp nhất với triết lý bóng đá mà đội bóng này theo đuổi. Ngược lại, Madrid từ nhiều năm qua không sử dụng một người xây nền như thế, ngay cả khi họ không thiếu những tiền vệ đủ phẩm chất để đóng vai trò một tổng công trình sư trên sân.

luka modric
 

Cầu thủ gần nhất ở Bernabeu giữ vai trò như thế là Fernando Redondo, tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất của Madrid trong thập niên 1990. Anh phong tỏa đối phương bằng cách phán đoán hướng phát triển bóng, áp sát hạn chế không gian chơi bóng của họ, đồng thời giữ bóng và giúp Madrid chơi theo ý mình bằng những đường chuyền ngắn lẫn trung bình kết hợp di chuyển linh hoạt và liên tục xung quanh vòng tròn giữa sân. Với Redondo, Madrid có một bệ đỡ vững chắc cho những đợt công phá ở 30 mét cuối cùng, và vai trò của anh trong sơ đồ 4-4-2 khi ấy tương tự như Xavi ở Barcelona hiện tại.

Sau Redondo, Madrid không còn ai nữa. Claude Makelele, tiền vệ phòng ngự hay nhất của Madrid trong kỷ nguyên Galacticos 1.0, đơn thuần là một cầu thủ đánh chặn và trả lại bóng một cách nhanh chóng cho các tiền vệ công. Đó là giai đoạn mà Zinedine Zidane cũng có thể giữ vai trò một tiền vệ tổ chức, nhưng anh đã tự thu hẹp phạm vi hoạt động của mình (thường xuất phát từ biên trái) so với cách chơi ở tuyển Pháp. Zizou vẫn lĩnh xướng hầu hết các đợt tấn công trong 30 mét cuối cùng, nhưng anh không đảm nhiệm vai trò xây dựng lối chơi tư vòng tròn trung tâm.

Madrid sau kỷ nguyên Redondo ưa chuộng cách chơi nhanh, mạnh, trực diện, với hướng phát triển bóng theo chiều dọc và chú trọng khai thác hai biên. Ngược lại, Barca thường phát triển bóng theo chiều ngang bằng mạng lưới đường chuyền để tiếp cận khung thành đối phương, và liên tục hoàn thiện lối chơi ấy kể từ thời điểm Pep Guardiola còn là cầu thủ cho đến khi ông ngồi lên ghế huấn luyện viên trưởng. Đến thời điểm này, trong khi Madrid đã bỏ quên một vị trí cốt lõi ở khu vực giữa sân trong nhiều năm, thì Barca thậm chí còn đào tạo ra những mẫu cầu thủ như thế.

Modric và quan niệm thay đổi của Madrid

Hiện tại, Madrid cũng đang chơi mà không cần một tiền vệ tổ chức. Thế trận tấn công dựa nhiều vào các tiền đạo cánh, đặc biệt là Cristiano Ronaldo, chỉ đòi hỏi các tiền vệ trung tâm đánh chặn và phát triển bóng ra hai biên tốt. Ở tuyến giữa của Madrid hiện tại, Xabi Alonso là người chuyền bóng chất lượng nhất ở đủ mọi cự ly và đặc biệt hiệu quả trong những tình huống phất bóng dài, nhưng cách di chuyển nặng nề và thiếu linh hoạt của anh không phù hợp với vai trò của một tiền vệ xây dựng lối chơi thực thụ. Lassana Diarra là một tiền vệ phòng ngự thuần túy, còn Esteban Granero và Sami Khedira đều thuộc mẫu tiền vệ con thoi cần cù, nhưng nhãn quan chiến thuật chưa đủ sắc bén để giữ vai trò lĩnh xướng.

Luka Modric có thể đảm nhận nhiệm vụ này ở Bernabeu. Tiền vệ tổ chức của Tottenham có tầm hoạt động rộng, khả năng giữ, chuyền bóng và đưa ra các quyết định về hướng tấn công lẫn phương pháp tấn công hiệu quả. Tại London, anh có thể chơi lùi khá sâu, tiếp nhận bóng từ các hậu vệ và phát triển lên tuyến trên, lẫn tham gia vào các đợt tấn công gần khung thành. Trong bốn mùa chơi cho Tottenham, Modric đều đảm bảo hiệu suất ghi bàn và kiến tạo khá ổn định (mùa trước là năm bàn và sáu đường kiến tạo), trong khi vẫn đảm nhận một cách khá thoải mái vai trò xây dựng lối chơi. Anh có thể đá cặp với Diarra, hoặc Khedira ở vòng tròn trung tâm, và Madrid có thể tự tin với những nắm đấm trực diện từ trung lộ và khả năng cầm giữ bóng của mình.

Sự có mặt của Modric khẳng định rằng đã đến lúc Madrid cần một vũ khí để chống lại sự lấn lướt của Barca trong các trận kinh điển, cũng như tạo ra nhiều phương án tấn công có chiều sâu hơn. Ronaldo cũng cần những “giá đỡ” thực sự để có thể cạnh tranh sòng phẳng với kình địch Lionel Messi, người đã được Xavi và Iniesta tạo bàn đạp để trở thành cầu thủ hay nhất thế giới.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X