Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Premier League: "Sô diễn" hoành tráng bậc nhất

Thứ Tư 22/08/2012 13:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nên đặt đẳng cấp chuyên môn hoặc mức độ hấp dẫn của Premier League, tức giải VĐQG Anh, vào vị trí nào? Đấy là đề tài tranh cãi, không thể có câu trả lời chính xác theo kiểu "hai năm rõ mười". Nhưng chắc chắn đấy là giải VĐQG nổi tiếng nhất thế giới. Premier League là giải VĐQG lôi kéo khán giả nhiều nhất thế giới (khoảng 643 triệu người, ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, thường xuyên theo dõi dưới hình thức phải trả tiền).

SỞ HỮU RẤT NHIỀU CÁI NHẤT

Đây cũng là giải VĐQG có giá trị cao nhất xét trên tiền bán bản quyền truyền hình (BSkyB và BT Group phải trả tổng cộng 3 tỷ bảng trong hợp đồng mới nhất, áp dụng ở mùa bóng 2013/14). Doanh thu tổng cộng của Premier League trong mùa bóng 2009/10 là 2,479 tỷ bảng, một con số "vô đối" trong thế giới bóng đá nhà nghề. Đây cũng là giải VĐQG có thâm niên lâu nhất thế giới, ra đời từ năm 1888.

Theo cơ quan quản lý du lịch VisitBritain, có khoảng 750.000 người sang Anh du lịch mỗi năm chủ yếu vì mục đích xem một trận đấu tại Premier League. Cứ 13 người Na Uy đi du lịch thì có 1 người chọn mục đích "xem bóng đá ở Premier League". Tại Trung Quốc, số người xem Premier League qua truyền hình ở mỗi vòng đấu là khoảng 100 đến 360 triệu, nhiều hơn số người xem bất cứ sự kiện thể thao nào khác bên ngoài Trung Quốc.

Những trận đấu cống hiến, ít toan tính luôn là thứ đặc sản của Premiership
Những trận đấu cống hiến, ít toan tính luôn là thứ đặc sản của Premiership

Lạ ở chỗ, Premier League không phải là nơi quy tụ các ngôi sao sáng nhất thế giới. Thành tích chuyên môn của các đội bóng ở Premier League cũng không hẳn là cao nhất. Tại đấy, không có những màn trình diễn "kinh thiên động địa", mãi mãi đi vào lòng người. Chẳng ai cho rằng Premier League nói riêng hoặc bóng đá Anh nói chung là nền bóng đá mạnh nhất hoặc hay nhất thế giới, trong lĩnh vực chuyên môn bóng đá.

Khi được yêu cầu nhận xét một cách ngắn gọn về giải Premier League, biên tập viên Oliver Kay của tờ The Times có một đúc kết rất đáng lưu ý: "Các đội bóng Anh không thể chơi thứ bóng đá hấp dẫn như Barcelona hoặc Real Madrid ở TBN, không có sân bóng tuyệt vời như các CLB Đức, cũng không giỏi về chiến thuật như các đội bóng Italia. Nhưng người Italia, người Đức, người TBN lại luôn mong ước có được một giải vô địch như Premier League".

ĐỀ CAO TÍNH GIẢI TRÍ VÀ HẤP DẪN

Người ta gọi giải Premier League là "sô diễn hoành tráng nhất trong thế giới bóng đá", và đây có lẽ là chi tiết cốt lõi làm nên tính hấp dẫn của giải này. Đã là "sô diễn" tức nó vượt xa mọi giới hạn thông thường của một giải đấu, nơi người ta chỉ thuần túy tranh ngôi vô địch và những vinh quang đi kèm.

Không có giải VĐQG nào khác thành công trong lĩnh vực kinh doanh như Premier League. Và để đạt đến đẳng cấp kinh doanh như thế, không có yếu tố nào quan trọng hơn là giá trị giải trí, tức khả năng làm thỏa mãn hàng trăm triệu người xem trên khắp thế giới.

Ngay cả trong lĩnh vực chuyên môn thuần túy, chất giải trí của Premier League đã đậm đặc rồi. Mùa trước, người ta kinh ngạc trước những tỷ số như 8-2, 1-6, 3-3, 3-5, khi các đội mạnh M.U, Arsenal, Manchester City hoặc Chelsea đụng độ với nhau. Giải đấu nào khác thường xuyên có những trận đấu đỉnh cao "vui nhộn" như thế?

Hay ở chỗ: hoàn toàn không có chuyện buông xuôi, không phải đẳng cấp "phong trào", không "phá bĩnh" hoặc vô kỷ luật khi các đội bóng mạnh nhất Premier League kết thúc trận đấu với những tỷ số như vậy. Tất cả đều đến từ tinh thần thi đấu cống hiến và đẳng cấp chuyên môn rất cao. Thế mới "đỉnh".

Tổng quát hơn, khi các đội bóng ở Premier League ra sân thì họ thi đấu không chỉ để thắng. Đội yếu không hề sợ thua, vẫn cứ tấn công ào ạt khi gặp đối thủ cực mạnh. Tinh thần của bóng đá Anh vốn đã luôn là như vậy trong hơn 100 năm qua. Và để thể hiện tinh thần ấy, người ta thi đấu ào ạt, cống hiến đến mức tối đa khả năng của mình.

Trên sân, các đội vẫn cố ghi bàn đến tận phút chót, cố vùng dậy để tiếp tục pha tấn công thay vì nằm lăn trên sân để được sút phạt đồng thời duy trì thêm chút thể lực. Cao cấp hơn, người Anh nghĩ ra thang điểm 3 cho một trận thắng, chia tiền bản quyền truyền hình cho từng vị trí đạt được trong bảng xếp hạng, hoặc vẫn dành một khoản tiền quan trọng để chia cho các đội bóng rớt hạng trong năm kế tiếp.

Tất cả đều là chi tiết quan trọng để cùng làm nên một "sô diễn hoành tráng" từ những trận đấu dễ xem, vui nhộn, với chất lượng không bao giờ tồi. Người ta có thể xem Premier League từ bất cứ thời điểm nào trong trận đấu, xem ở bất cứ trận nào, xem để nhớ hoặc xem để quên đều được. Chỉ cốt đấy là "sô diễn" xem mãi không chán!

Năm 2010, Premier League được nữ hoàng Elizabeth II trao tặng giải thưởng "Queen's Award for Enterprise" - giải thưởng cao quý nhất nước Anh trong lĩnh vực kinh doanh, được trao theo đề nghị của thủ tướng Anh. Cũng chỉ có Premier League là giải đấu có... chi nhánh bên ngoài đất nước của mình. Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói. Nhưng quả thật, giải giao hữu Premier League Asia Trophy đã được tổ chức thường niên tại Malaysia, Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc. Hiện không có bất kỳ giải VĐQG nào khác có sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu mạnh mẽ như vậy.

(Theo Bóng đá và cuộc sống)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X