Chỉ một ngày trước trận chung kết, bà Silvia, mẹ nuôi của Mario Balotelli còn nói "Rất khó để làm con trai tôi rơi lệ. Hình như lần gần nhất nó phải khóc là vì Jose Mourinho". Vì Mourinho, tức là hơn hai năm trước, khi Balotelli còn khoác áo Inter. Nhưng rạng sáng qua, tiền đạo cao lớn ấy đã khóc một lần nữa, khóc thật dễ dàng. Cảm giác thất bại ở trận chung kết lớn đầu tiên trong cuộc đời, một thất bại đau đớn, rõ ràng là rất khó kiềm chế đối với một cầu thủ còn trẻ như Balotelli.
"Super Mario" đã cố gắng để không khóc. Sau tiếng còi kết thúc trận đấu, anh ngồi thụp xuống, vùi mặt vào bàn tay, nhưng không khóc. Khi Pirlo mắt đã đỏ hoe, khi Bonucci nức nở như một đứa trẻ trong sự an ủi của Buffon - người đứng lên an ủi các đồng đội, Balotelli vẫn giữ được vẻ mặt sắt đá. Nhưng khi đứng nhìn các cầu thủ Tây Ban Nha đứng trên bục chiến thắng, người đàn ông cứng rắn trong anh cuối cùng đã phải bật khóc. Nước mắt cứ thế chảy thành dòng trên gương mặt hiếm khi người ta nhìn thấy sự hạnh phúc. Rồi Balotelli ngồi bệt xuống sân, giấu mặt vào giữa đôi cánh tay. Một mình. Thời khắc ấy, có ai cô đơn hơn anh không?Chỉ có tình yêu với nước Ý mới khiến Balotelli mềm yếu thế này
Guimaraes 2004. Kiev 2012. Hai địa điểm cách nhau 3 ngàn cây số. Hai thời điểm cách nhau 3 ngàn ngày. Nhưng chúng có điểm chung là những giọt nước mắt của hai "Cậu bé hư" (Bad boy) danh tiếng nhất của bóng đá Italia thập niên qua. Năm ấy, Cassano khóc như mưa khi bàn thắng của anh vào lưới Bulgaria trở nên vô nghĩa trong một buổi tối đớn đau của người Italia. Năm nay, đến lượt Balotelli rơi lệ vì những nỗ lực vượt khó phi thường của anh, nhất là chiến công đáng nhớ trước tuyển Đức để đưa Italia vào chung kết, cũng không đem tới niềm vui cuối cùng. Hai ngôi sao ấy đều sớm trở thành những cá tính hoang tàng ở tuổi 21, nhưng họ cũng vẫn chỉ là những đứa trẻ. Cassano sinh ra trong một gia đình hạ lưu mà nếu không có bóng đá, anh có lẽ đã đi theo con đường tội lỗi. Balotelli chỉ là một đứa con nuôi của nước Ý, lớn lên trong sự kỳ thị và suốt 21 năm qua, nhận được quá ít tình yêu thương bên ngoài cánh cửa ngôi nhà của bố mẹ nuôi anh tại Brescia. Họ dồn cảm xúc và những khát khao vào trái bóng, nhưng vào những lúc thật gần hạnh phúc, giấc mơ đẹp đều chấm dứt một cách phũ phàng.
Balotelli là một người đàn ông mạnh mẽ ngay ở tuổi 21. Không nhiều người có thể đứng vững giữa trung tâm của những khinh thị và kỳ vọng đan xen như anh. Ronaldo chưa từng bị ném chuối xuống trước mặt, chưa từng phải đá dưới những khán đài vang tiếng "hú khỉ", chưa từng bị vẽ thành King Kong trên tờ báo quốc gia vốn lúc nào cũng ra rả tuyên ngôn chống phân biệt chủng tộc. Rooney cũng thế, Torres cũng vậy. Nói chung, ở EURO 2012, không cầu thủ nào được nhắc đến nhiều như Balotelli, mà hầu hết chỉ là những hoài nghi và đòi hỏi. Áp lực khắc nghiệt đã cướp đi cảm xúc của chân sút gốc Ghana này, đến mức anh chọn cách ăn mừng kỳ lạ ở trận thắng Đức chỉ vì "họ nói đã phát chán với cách mừng bàn thắng vô cảm của con" (bà Silvia tiết lộ như vậy). Ngay cả niềm vui cũng đã trở nên chai sạn với anh.
Nhưng Balotelli đã không chỉ đứng vững, mà anh còn vượt qua sức ép bằng sự trưởng thành qua từng trận đấu. Động lực để tạo ra một Mario thực sự "super" ở trận bán kết chắc hẳn là tình yêu vô bờ bến với nước Ý, là khát vọng cống hiến cho đội bóng mà anh luôn mơ ước, là những cảm xúc, suy nghĩ có thể khiến nhiều người Ý chính gốc cũng phải hổ thẹn. Trong tình yêu ấy, trái tim sắt đá của Balotelli đã trở nên yếu mềm khi anh thất vọng với chính mình. Những giọt nước mắt đàn ông đã thay anh nói biết bao điều.
Prandelli bảo "Balotelli sẽ học được cách đứng dậy từ nỗi đau hôm nay". Đấy là một lời khuyên thừa thãi, bởi "Super Mario" không phải là người dễ bị đánh gục bởi những thất bại. Không biết bao lâu nữa người ta mới lại được thấy Balotelli khóc, nhưng hy vọng, đó sẽ là những giọt nước mắt lăn xuống từ niềm hạnh phúc chiến thắng…
(Theo Thể Thao Văn Hóa)