Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Những điểm nhấn sau hai chiến thắng của Man Utd trên đất Mỹ

Thứ Hai 28/07/2014 14:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong sứ mệnh chấn hưng "Quỷ đỏ" thành Manchester nhưng rõ ràng, Van Gaal đã sớm để lại dấu ấn và tạo niềm tin cho người hâm mộ sau hai kết quả khả quan trong chuyến du đấu tại Mỹ.

Ngay sau khi kết thúc hành trình World Cup 2014 cùng ĐTQG Hà Lan, nhà cầm quân 62 tuổi đã lập tức có mặt ở Old Trafford để bắt tay ngay vào công việc dẫn dắt Man Utd. Vừa làm quen với các học trò mới chưa được bao lâu, Van Gaal đã phải dẫn dắt toàn đội sang xứ sở cờ hoa thực hiện đợt tập huấn mùa hè kết hợp với thi đấu giao hữu mà nhiệm vụ không chỉ dừng lại ở chuyện quảng bá thương hiệu như mọi năm mà còn là sắp xếp lại đội ngũ nhân sự, đánh giá năng lực từng cầu thủ cũng như lên các phương án chiến thuật, thử nghiệm lối chơi hướng đến mùa giải mới. Tính cho đến nay, Man Utd đã chơi hai trận trên đất Mỹ, đều giành chiến thắng. Mở đầu là màn huỷ diệt tưng bừng LA Galaxy tới 7-0 và tiếp đó là một trận cầu khó khăn hơn gặp đương kim á quân Serie A nhưng cuối cùng, Man Utd vẫn đánh bại địch thủ đáng gờm này bằng tỷ số 3-2. Vài tín hiệu lạc quan đã xuất hiện và tất nhiên đôi vấn đề đã nảy sinh. Vậy, có thể tạm nhìn thấy gì qua hai trận vừa rồi:

rooney manchester united
Rooney và Herrera là hai cầu thủ chơi nổi bật nhất Man Utd trong hai trận giao hữu vừa qua

Wayne Rooney sớm lấy lại phong độ đỉnh cao

Thực ra, với một ngôi sao tầm cỡ thế giới như R10 thì việc mau chóng tìm lại mình sau một giải đấu thất vọng chẳng phải điều gì ghê gớm. Thêm vào đó, Rooney càng có thêm nhiều động lực phấn đấu ở Man Utd ngay từ mùa hè sau khi đội bóng thay tướng và Nemanja Vidic đã ra đi, để lại chiếc băng thủ quân đầy hấp dẫn mà Rooney chính là ứng cử viên sáng giá nhất cho vinh dự này. Quả thực, trong khi nhiều cầu thủ khác vừa tham dự World Cup 2014 vẫn đang trong thời kỳ nghỉ ngơi, kể cả khi đội tuyển của họ bị loại ngay từ vòng bảng giống Rooney thì "chàng Shrek" đã cắt ngắn kỳ nghỉ để sớm tập trung cùng toàn đội, gần như trùng thời điểm Van Gaal chính thức nhận việc. Dường như, nhận thấy khao khát của cậu học trò cũng như hẳn cũng phần nào biết về con người của Rooney thông qua "cánh tay phải" Ryan Giggs, Gaal đã mau chóng cho Rooney ra khỏi sân ngay từ trận giao hữu đầu tiên của đội bóng chứ không cất anh trên băng ghế dự bị như nhiều HLV vẫn thường làm với số cầu thủ vừa góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Và Van Gaal đã không phải thất vọng khi Rooney thi đấu đầy ấn tượng và bản thân gương mặt chủ lực của Man Utd trong nhiều năm qua đã tận dụng tối đa cơ hội được ra sân để ghi điểm với ông thầy mới. Trong cả hai trận, Rooney chỉ chơi trọn vẹn hiệp 1 và ra nghỉ ngay sau giờ nghỉ giải lao nhưng chỉ cần như thế thôi cũng là đủ. Trước LA Galaxy, anh lập một cú đúp và đến trận đấu với AS Roma thì R10 còn chơi xuất sắc hơn nữa khi duy trì được hiệu suất hai bàn, trong đó có một cú sút xa đẳng cấp. Không những vậy, Rooney còn thực hiện màn kiến tạo tuyệt diệu cho đồng đội Mata lập công. Quan trọng hơn, niềm cảm hứng, nhiệt huyết chơi bóng đã thực sự trở lại với Rooney như thể trước đó, chưa từng có chuyện gì xảy ra. Rooney cũng rất "hiểu vấn đề" khi cực kỳ phục tùng ông thầy mới, không hề thể hiện một thái độ khó chịu nào hay tỏ vẻ ta đây nhằm ra oai. Chẳng rõ có phải qua nhiều kênh thông tin, Rooney phần nào biết về con người Van Gaal mang nhiều hơi hướng của người thầy cũ Sir Alex (vô cùng nghiêm khắc, sẵn sàng kỷ luật bất cứ ai không nghe lời và tự coi mình là ngôi sao lớn nhất đội) mà đã nhã nhặn, lịch sự như vậy nhưng cách chứng tỏ mình chỉ thông qua phong độ trên sân cỏ luôn là con đường đi đúng đắn, chuyên nghiệp với bất cứ một cầu thủ bóng đá nào trên thế giới. Nếu muốn trở thành đội trưởng thì không gì khác, Rooney phải tiếp tục khẳng định cho tất cả thấy anh mãi là cái tên có tầm quan trọng bậc nhất Man Utd.

Sự hoà nhập quá nhanh của tân binh Ander Herrera

Dư luận đã không khỏi hoài nghi khi Man Utd đặt niềm tin vào một tiền vệ không còn quá trẻ (sinh năm 1989) và chưa hề lọt vào nhóm những tiền vệ trung tâm hàng đầu TBN, nói gì đến phạm vi châu Âu rộng lớn hơn. Nói một cách khác, không nhiều người tin Herrera sẽ đủ sức thổi luồng gió mới vào khu trung tuyến vừa thiếu lại vừa yếu của Man Utd. Tuy nhiên, ít nhất qua hai trận đầu tiên vừa rồi, Herrera đã dần dần thể hiện cho tất cả thấy Man Utd đã không sai khi đầu tư vào anh. Cựu cầu thủ của Bilbao chính là người chơi hay nhất trước LA Galaxy và liên tục phô diễn khả năng chuyền bóng đỉnh cao trên mọi cự ly (dài, ngắn, trung bình hay chọc khe) dựa trên bộ óc sáng tạo của một "số 10" và trình độ phân tích tình huống. Với những tố chất như vậy, bảo sao Herrera vẫn có thể chuyền rất đúng địa chỉ đến nhiều đồng đội mà anh vừa làm quen chưa được bao lâu. Nhìn Herrera "lãnh đạo" tuyến giữa và góp công lớn vào 5/7 bàn thắng tung lưới LA Glaxy, hẳn nhiều Manucians đã có cảm giác duờng như tiền vệ này gắn bó với đội bóng từ lâu rồi chứ không phải chỉ là một gương mặt mới toanh.

Đến trận gặp AS Roma, do đối thủ rắn mặt hơn nên cầu thủ người TBN không còn được tự do tung tăng nhưng đổi lại, anh đã bộc lộ khả năng tranh chấp bóng, kiểm soát trung tuyến để từng bước giúp đội nhà giành lại thế trận sau khi bị AS Roma lấn át trong những phút đầu. Nếu không như vậy, tin chắc Man Utd không thể trải qua 10 phút cuối bùng nổ ở hiệp 1 và liên tiếp chọc thủng lưới đội bóng Italia đến 3 lần. Đừng quên rằng, hôm đó, trách nhiệm dồn lên vai Herrera càng nặng nề do Cleverley chơi không tốt (bằng chứng trong hiệp 2, khi Herrera đã rời khỏi sân thì Clerverley biến thành thảm hoạ. Cũng may do Van Gaal chuyển sang lối chơi thiên về phòng ngự hơn và các trung vệ chơi tập trung nên dù cho bị giành lại thế trận, Man Utd chỉ bị gỡ lại 2 bàn). Không còn nghi ngờ gì, Herrera đích thực là mẫu tiền vệ cực kỳ toàn diện và rất cần thiết cho Man Utd vào lúc này. Nếu cứ thế mà phát triển thì mùa tới, sự nghiệp của Herrera hứa hẹn sẽ được đẩy lên tầm cao mới và Man Utd chẳng cần phải tỵ nạnh với ông lớn nào về việc không có trong tay một "ông chủ tài ba" ở giữa sân, một dạng nhạc trưởng từ xa mà đang trở thành "mốt" trong làng túc cầu giáo.

Van Gaal sớm xác lập được uy quyền ở Man Utd
Van Gaal sớm xác lập được uy quyền ở Man Utd

Cá tính mạnh, "quân phiệt" của Van Gaal

"Thảm hoạ" David Moyes từng được xem là truyền nhân đích thực của Sir Alex nhưng hoá ra, cái hư danh ảo đó hoàn toàn được hình thành từ việc chính Fergie vĩ đại đã tiến cử Moyes "kế tục" mình chứ rõ ràng, Moyes chẳng giống chút nào người tiền nhiệm huyền thoại mà dễ nhận thấy nhất là tính cách, quan điểm huấn luyện. Trong khi Moyes luôn cố thể hiện sự hoà đồng, thân thiện, dễ gần, "dĩ hoà vi quý" và toàn dùng lời đường mật thì Sir Alex vốn nổi tiếng là rất kỷ luật, vô cùng nghiêm khắc, luôn biết cách thị uy đám học trò, bắt buộc họ phải nể sợ và phục tùng vô điều kiện chứ không có chuyện "ngọt nhạt" với bất cứ ai. Nói một cách khác, Sir Alex luôn tự coi mình là trung tâm của đội bóng và không bao giờ cho phép bất cứ ông sao nào được "lớn hơn" ông.

Chỉ qua mấy tuần đầu tại Man Utd thì Van Gaal đã sớm chứng tỏ cho tất cả thấy ông mới xứng đáng là "Sir Alex Ferguson mới" bởi cả hai có quá nhiều điểm tương đồng từ cá tính, cách quản lý nhân sự cho đến sự khắt khe trong huấn luyện. "Bông tulip thép" đã yêu cầu ban lãnh đạo phải chi tiền để nâng cấp đại bản doanh Carrington hay lắp đặt camera nhằm giám sát cầu thủ. Trong những phát ngôn đầu tiên ở buổi ra mắt, ông cũng chẳng ngần ngại đưa ra những quan điểm cứng rắn như một cầu thủ giỏi, đẳng cấp thì không liên quan gì đến vấn đề tuổi tác hay thâm niên khoác áo (tức là nhằm cảnh báo trụ cột nào, kể cả quan trọng đến mấy mà chơi vớ vẩn thì hãy coi chừng bị trừng phạt ra trò). Ở các buổi tập, ông đều quan sát chặt chẽ và không ngại chỉ bảo, mắng mỏ nếu thấy cần thiết. Các cầu thủ M.U buộc phải làm đúng yêu cầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Thậm chí có tin cho rằng vài cầu thủ không được thi đấu ở trận gặp AS Roma đã bị Van Gaal bắt phải tập thể lực trong phòng tập chứ không hề được ngồi chơi xơi nước. Tuy vậy, bên cạnh "cây gậy" cứng rắn sẵn sàng "đánh" học trò thì với bề dày kinh nghiệm của mình, Van Gaal rất biết cách thò ra "củ cà rốt" đúng thời điểm. Rooney có pha xử lý hay trong buổi tập, ông vui vẻ chạy đến ôm chầm lấy hay ra sức bênh vực thủ thành trẻ Ben Amos khi phải nhận bàn thua từ cú đá rất xa của Pjanic trong trận đấu với Roma. Nhìn chung, Van Gaal đã sớm tạo lập được cái uy cần thiết của một nhà cầm quân và khiến các học trò vui vẻ phục tùng để cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của toàn đội bởi ông luôn thực tế về tình hình đội bóng chứ không quá hoang tưởng.

Lối chơi 3-5-2 đã được định hình

Cứ cho quan điểm của Van Gaal rằng Man Utd bắt buộc phải đá 3-5-2 do quá dư thừa "số 10" (nói rộng ra là cầu thủ tấn công trung tâm) là nguỵ biện bởi ai cũng rõ, đây là chiến thuật điển hình của ĐTQG Hà Lan tại VCK World Cup vừa rồi nhưng không thể phủ nhận, Man Utd đã thích ứng quá nhanh với sơ đồ mới này dù ngoài Van Persie (nhưng cậu học trò thân cận của Van Gaal vẫn chưa có mặt ở Man Utd) thì không có thêm một cầu thủ nào khác trong đội hình Man Utd hiện nay, bao gồm cả hai tân binh, quen thuộc với lối đá thuộc vào diện "của hiếm" này trong làng bóng đá ngày nay. Ấy thế mà, nó vẫn được vận hành rất ổn. Ngoại trừ vài điểm không ổn ở hàng thủ khi các trung vệ vẫn còn lạ lẫm trong cách phối hợp, bọc lọt theo sơ đồ 3 người và Smalling thực sự có phần đuối hơn so với những đồng đội khác thì các tuyến còn lại đã dần nắm bắt được cái "cốt lõi" của sơ đồ và triển khai khá nhịp nhàng.

Nền tảng quan trọng nhất của 3-5-2 chính là sự tuỳ biến, có thể chuyển đổi nhanh sang xu thế tấn công hoặc phòng ngự theo diễn biến cụ thể trên sân. Để làm được như vậy, đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển linh hoạt, chịu khó hoán đổi vị trí và có được sự ăn ý cao để không dẫm chân lên nhau. Chẳng hạn hai hậu vệ cánh mà dâng lên quá cao tham gia hỗ trợ tấn công thì buộc một tiền vệ phải lùi về để hỗ trợ phòng ngự. Hoặc nếu tuyến giữa bị lép vế thì cầu thủ đảm nhận vai trò hộ công phía dưới cặp tiền đạo sẽ phải biết chơi thấp, ngang hàng với hai tiền vệ trung tâm để tăng khả năng giành bóng ở tuyến giữa. Hay như hàng công mà không nhận được sự trợ giúp từ phía dưới, đặc biệt là hai biên thì có tiền đạo sẽ buộc phải dạt cánh. Những ai theo dõi hai trận vừa rồi của Man Utd đều có thể nhận ra các cách triển khai, các phương án này ở Man Utd trong những thời khắc nhất định. Tại trận thắng LA Galaxy, khi đối thủ quá yếu và Man Utd được mặc sức tấn công thì bầy "Quỷ đỏ" đã tổ chức lên bóng đa dạng từ nhiều hướng và các vị trí đều được phân bổ hợp lý (như có người dạt ra cánh thì sẽ có người bó vào trong). Đến trận thắng AS Roma, khi đối thủ mạnh hơn và nhiều thời điểm chơi lấn át, kiểm soát được tuyến giữa thì Mata chơi như một tiền vệ trung tâm thứ 3 và Rooney, Welbeck cũng tích cực lùi sâu để tranh chấp bóng. Rõ ràng, tuy có hơi lạ và còn phải hoàn thiện nhiều thì 3-5-2 vẫn có thể trở thành món "đặc sản" tuyệt hảo của Man Utd mùa tới.

"Quỷ đỏ" vẫn cần phải chiêu mộ thêm tinh binh

Dù Van Gaal từng tuyên bố sẽ cố gắng khai thác tối đa số cầu thủ nắm trong tay và phải thật sự cần thiết mới tiến hành bổ sung nhân lực từ bên ngoài cũng như ông vốn rất giỏi "khai quật" tài năng trẻ song rõ ràng, đội hình hiện tại bị mất cân bằng và thiếu chiều sâu để có thể đủ lực cạnh tranh cho danh hiệu vô địch Premier League. Vào lúc này, có thể tạm thời vẽ ra đội hình mạnh nhất của Man Utd theo đúng sơ đồ 3-5-2 của Van Gaal như sau: De Gea; Smalling, Jones, Evans; Rafael Da Silva, Herrera, Carrick, Mata, Shaw; Rooney, Van Persie. Đương nhiên xét trên mọi mặt, đội hình này không tệ nhưng không đến nỗi quá khủng khiếp, chưa kể tồn tại khoảng cách không nhỏ với số "dự bị chiến lược. May ra hàng tiền đạo và vị trí tiền vệ tấn công là tạm ổn, không cần phải tăng cường, thậm chí bán bớt đi vài người cũng chẳng sao. Một trong những điểm yếu dễ nhận ra nhất là thiếu trung vệ. Sau khi Ferdinand và Vidic ra đi thì hiện trong đội 1 Man Utd, còn đúng 3 trung vệ đã liệt kê phía trên đồng nghĩa, nếu Van Gaal không mua thêm ai thì chắc chắn sẽ phải đôn lên vài gương mặt trẻ để làm dự bị. Đúng là Michael Keane, Tyler Blackett hay Reece James đều khá tiềm năng, giàu triển vọng nhưng kỳ vọng vào sự trưởng thành vượt bậc của họ trong mùa tới là quá mạo hiểm.

Ngoài ra, ở tuyến giữa, về cơ bản, Carrick và Herrera có lối chơi khá giống nhau khi mang nhiều hơi hướng của một tiền vệ thủ lĩnh và không phải là dạng tiền vệ đánh chặn điển hình. Thêm vào đó, Carrick lại quá già, thể lực yếu nên xem chừng chẳng thể quá yên tâm nếu Herrera lên cao bởi một mình cầu thủ đã 32 tuổi người Anh không dễ quán xuyến nổi khu vực giữa sân. Bởi thế, Van Gaal mà sở hữu một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa thì năng lực của Herrera hoặc Carrick sẽ được phát huy tối đá hơn. Thực ra, Fletcher hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của Herrera bởi anh giàu kỹ năng phòng ngự nhất đội song chẳng có gì đảm bảo, mùa tới, tiền vệ người Scotland có thể ra sân thường xuyên khi mà anh từng trải qua hơn 2 năm chống chọi với bệnh tật liên quan đến đường ruột và Fletcher cũng đã 34 tuổi, lại nhìn hơi "mỏng cơm" và không hầm hố cho lắm, vốn là đặc trưng dễ nhận thấy ở các cầu thủ đánh chặn hàng đầu thế giới. Xem ra,  việc Van Gaal phải móc hầu bao là khó tránh khỏi, trừ phi trong giai đoạn này, đột nhiên ông lại đưa ra được phát kiến nào vĩ đại dựa trên đội ngũ hiện tại.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X