- Van Gaal lấp lửng về khả năng chiêu mộ Cuadrado
- Rodgers lên tiếng cảnh báo Van Gaal trước thềm mùa giải mới
- Rooney tâng bốc thầy Van Gaal hết mình
Kẻ thù thực sự là ai?
Trận chung kết với Liverpool tại Champions Cup không phải là lần đầu tiên Brendan Rodgers đứng chắn trên con đường tiến thân của Van Gaal. Còn nhớ 2 năm trước, khi Liverpool cần tìm một giám đốc kỹ thuật, họ đã đánh tiếng mời chiến lược gia người Hà Lan. Cũng thời điểm đó, Brendan Rodgers ký hợp đồng dẫn dắt đội bóng thành phố Cảng. Gần như ngay lập tức, Rodgers yêu cầu Liverpool không đưa Van Gaal về Anfield.
Lý do mà HLV người Bắc Ireland đưa ra là ông không muốn "ngồi cùng mâm" hay làm việc dưới quyền với một giám đốc kỹ thuật kiêm HLV như Van Gaal. "Tôi chỉ quen làm việc với các cầu thủ, với một tập thể chứ không phải làm thân với giám đốc kỹ thuật của CLB."
Rodgers chưa bao giờ gặp Van Gaal trước đó, nhưng kinh nghiệm làm việc với Van Gaal thì Rodgers đã được nghe tâm tình từ... Mourinho. "Tôi biết ông ấy là một HLV dạn dày kinh nghiệm. Van Gaal có phương pháp riêng, kể cả cách để đào tạo nên một tài năng như Mourinho. Song tôi có lựa chọn và con đường đi cho riêng mình. Tôi đã học được những bài học từ những người giỏi nhất, và giờ là lúc tiếp tục chứng tỏ bản thân". Liverpool sau đấy chiều theo ý Rodgers và Man Utd trở thành trải nghiệm đầu tiên của Van Gaal trên đất Anh.
Từ kinh nghiệm ấy, Rodgers lớn tiếng cảnh báo: "Van Gaal chưa thể tưởng tượng nổi thứ áp lực khủng khiếp nào đang chờ ông ấy tại Premier League. Ở đây, không chỉ có một, hai đội bóng đua tranh cho chức vô địch. Bất cứ CLB nào cũng sẵn sàng đánh bại bạn khi bạn lơ là, mất tập trung". Lời nhắc nhở từ Rodgers hẳn không thừa đối với Van Gaal. Mới nhất, ông tuyên bố không dính vào bất cứ cuộc đấu khẩu nào bên ngoài sân cỏ. Van Gaal từ chối đáp trả lời tuyên chiến mà cậu học trò cũ, Mourinho, gửi tới. HLV Man Utd cho rằng mọi thứ sẽ được giải quyết thông qua những cuộc nói chuyện riêng thay vì lên báo chí nói oang oang về các quan điểm trái chiều.
Hiện Pellegrini, Wenger vẫn dành cho Van Gaal sự tôn trọng nhất định và họ có vẻ cùng chung quan điểm: "Trận đấu là cuộc đấu trí của tôi và anh, giữa cầu thủ đôi bên, chứ chẳng phải lôi nhau lên mặt báo để kể tội, xỉa xói đời tư cá nhân". Tạm thời, thái độ quân tử của Van Gaal nhận được phản ứng tích cực. Song cho đến lúc ông nhận ra kẻ thù thực sự của mình là ai, cũng như bước vào guồng quay tin đồn đáng sợ ở xứ sương mù, chưa biết chiến lược gia đầy cá tính này sẽ phản ứng thế nào.
Đội trưởng Man Utd và danh sách những kẻ thân tín
Những cầu thủ làm việc dưới thời Van Gaal kể lại rằng ông là người bị ám ảnh bởi chiến thuật. Van Gaal điểm mặt chỉ tên các cầu thủ bằng những con số, bằng vị trí trên sân. Đó có lẽ chính là thứ triết lý mà Van Gaal từng công khai thừa nhận trong buổi phỏng vấn đầu tiên trên cương vị HLV trưởng Man Utd.
Chiếc băng đội trưởng, do đó, cũng chỉ được quyết định thông qua màn trình diễn trên sân. Bất cứ ai cũng có thể vươn ra nắm lấy cơ hội làm Quỷ đầu đàn. Nhưng chỉ có Rooney hoàn thành bài kiểm tra ấy thật trọn vẹn. Lần đầu tiên được Van Gaal tin tưởng giao cho chiếc băng đội trưởng ở trận chung kết gặp Liverpool, Rooney chơi tuyệt hay. Anh chứng tỏ gánh nặng mà Vidic để lại không khiến mình chùn chân, trái lại, nó là thứ động lực kéo cả con tàu Man Utd băng về phía trước.
Rooney, từ chỗ khó chịu vì bị Van Persie cướp mất vị trí, đã lên tiếng đòi lại những gì xứng đáng thuộc về mình. Trong lúc Van Persie được cho nghỉ sau khi hao tổn trí lực tại World Cup, Rooney đã nhanh chóng khảo lấp mình vào vị trí số 1 trong danh sách những kẻ thân tín mà Van Gaal muốn gầy dựng ở Old Trafford. Ngoài Rooney, Mata và phần nào là Ashley Young đã thuyết phục được Van Gaal cho phép họ chơi đúng sở trường trong sơ đồ 3-5-2 mà ông tính áp dụng mùa này.
Muốn cứu Man Utd, cứ phải từ từ
Van Gaal tới và gieo cho Quỷ đỏ niềm tin vào một cuộc hồi sinh mãnh mẽ nhất kể từ thời Sir Alex Ferguson. Dù thực tế, việc gầy dựng lại Man Utd, xây dựng đội ngũ kế cận chất lượng cao, ở thời điểm này, là vô cùng khó khăn. Van Gaal thừa nhận ông cần mua thêm ít nhất 1 tân binh "khủng" nữa trong mùa hè, đồng thời đẩy đi 4-6 cầu thủ không phù hợp với triết lý bóng đá cá tính của mình.
"Tôi đã quá quen với việc biến những đội bóng trung bình thành những nhà vô địch. Man Utd đứng thứ 7 mùa trước, và như một đống đổ nát tôi được thừa hưởng. Tôi chẳng cảm thấy chút áp lực nào về điều đó. Tất cả sẽ nhận được câu trả lời từ thành tích của CLB". Van Gaal cũng đặt ra mốc thời hạn 3 tháng để "hòa mình" vào CLB. "Đấy là quãng thời gian để các cầu thủ hiểu tôi muốn gì ở họ, để học cách xử lý bóng bằng đầu thay vì bằng chân".
Đó cũng là khoảng thời gian mà Van Gaal dùng để nhắc nhở ban lãnh đạo CLB đừng can thiệp vào công tác chuyên môn của ông ở Carrington. Ông thẳng thừng tỏ thái độ khó chịu khi Man Utd liên tục phải đi du đấu xa nhà thay vì tập trung rèn luyện cho mục tiêu vô địch. Ẩn ý sau những tuyên bố cứng rắn ấy là gì? "Man Utd có thể cách Man City 10m hay 10km, tôi không quan tâm. Muốn Man Utd hồi sinh, tôi cần được nắm toàn quyền cũng như cần thời gian đủ để làm nhiệm vụ nặng nề đó".
Man Utd, theo cách so sánh có phần hài hước của Van Gaal, có nét giống với Á quân thế giới Hà Lan vào thời điểm ông tiếp nhận lại từ Van Marwick: đủ đầy danh hiệu và đang đi xuống đáy của đồ thị hình sin. Chỉ có thay đổi triệt để, từ con người tới triết lý bóng đá, mới đủ sức đưa đội bóng vào quỹ đạo thành công mới. Và Man Utd, muốn thành công cứ phải... từ từ.
Theo VTC