Thương hiệu tiki-taka gắn liền với Barcelona và tưởng chừng là hàng độc của riêng đội bóng chủ sân Camp Nou. Nhưng bây giờ ở Premier League của người Anh, nền bóng đá gắn liền với phong cách “kick & rush” (sút và chạy), bóng dài và bóng bổng, hàng loạt đội bóng đang chạy đua học tập đá tiki-taka. Vì sao người Anh lại thay đổi? Liệu đây có phải là xu hướng mới ở Premier League hay chỉ là một sự học đòi, một hiện tượng nhất thời?
Giấc mơ Barcelona
Phong cách tiki-taka được biết đến trên toàn thế giới khi Pep Guardiola ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên của Barcelona vào năm 2008. Và bốn năm với tiki-taka, Barca của Pep đã giành hai chức vô địch Champions League, ba chức vô địch Liga, hai Cúp Nhà Vua, ba Siêu Cúp Tây Ban Nha, hai Siêu Cúp châu Âu và hai Cúp thế giới các câu lạc bộ.Barca với tiki-taka là giấc mơ dành cho tất cả
Ai ai cũng ngưỡng mộ tiki-taka, vì nó quá đẹp, mà bản chất của con người là luôn hướng đến cái đẹp. Nhưng cả núi danh hiệu trong quãng thời gian bốn năm ấy cho thấy, tiki-taka còn mang đến quyền lực, sức mạnh và thành công. Đẹp và chiến thắng, tiki-taka được xem là biểu tượng của sự hoàn hảo. Sống trên đời, ai mà chẳng muốn hướng đến sự hoàn hảo. Barca với tiki-taka là giấc mơ dành cho tất cả. Nhưng từ giấc mơ đến sự thật là cả một chặng đường dài.
Giấc mơ ấy càng xa vời với bóng đá Anh. Dù nền bóng đá ấy đã chứng kiến sự thành công của Manchester United và Arsenal, hai đội bóng đá đẹp mắt nhất, nhưng phần còn lại vẫn đá theo phong cách “kick & rush” thuần Anh. Dù Paul Scholes với chiều cao 1m71 là một trong những người cầu thủ xuất sắc nhất kỷ nguyên Premier League, những cầu thủ cao, to và khỏe như Alan Shearer trước đây, Didier Drogba trong những năm tháng ở Chelsea hay Andy Carroll thời ở Newcastle vẫn được ưa chuộng. Những đường chuyền dài 30m, 40m mới là thước đo về kỹ thuật của cầu thủ trong khi những ai chuyền 3m, 4m chỉ thích hợp đá tiền vệ phòng ngự. Những quả tạt bổng từ hai cánh mới là vũ khí lợi hại nhất để công phá khung thành đối phương chứ không phải những pha bật tường, chọc khe thẳng vào trung lộ.
Về cơ bản, phong cách Anh gần như đối lập với tiki-taka. Thay đổi sang một thứ gần giống thì còn được, chứ xóa sạch xây dựng một thứ hoàn toàn mới thì người ta không dám làm. Đã tồn tại suy nghĩ rằng tiki-taka vốn được phát triển từ triết lý của Johan Cruyff trước đây, tức phải có nền tảng vững chắc và lâu đời thì Guardiola mới áp dụng vào Barcelona. Trên thế giới này, được mấy câu lạc bộ có được nền tảng như thế?
Người Anh tin rằng tiki-taka đáng sợ vì Barcelona sở hữu Lionel Messi, Xavi và Andres Iniesta, ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2010. Ừ thì họ muốn tiki-taka đấy, nhưng đào đâu ra 3 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới bây giờ?
Hiện thực Swansealona
Khi Barcelona vừa đánh mất sự thống trị Liga vào tay Real Madrid, khi Camp Nou chất đầy nỗi lo lắng rằng tiki-taka sẽ theo gót Pep Guardiola mà ra đi thì ở tận nước Anh, phong trào tiki-taka lại đang nổi lên. Chứng kiến Chelsea thắng Reading 4-2, các nhà bình luận ở Anh lập tức nhận định thứ bóng đá mà các học trò của huấn luyện viên Roberto Di Matteo thể hiện mang bóng dáng tiki-taka. Từ ngày ông chủ Roman Abramovich đặt chân đến Stamford Bridge, Chelsea nổi tiếng là đội bóng đá khô khan, xấu xí, thực dụng với những cầu thủ cao to, đá thiên về thể lực.
Hàng xóm của Chelsea là Arsenal thì khỏi phải bàn. Họ luôn xem mình là đội bóng có phong cách gần giống Barcelona nhất. Trận gặp Liverpool ở vòng ba Premier League mùa này, khi đã dẫn trước 2-0, Arsenal đã thực hiện những pha phối hợp, bật tường ở cự ly gần rất tiki-taka.Swansea là đội đầu tiên của Premier League đá tiki-taka
Chính Liverpool đã công khai ý định đá tiki-taka. Từ thời Gerard Houllier cho đến nay, Liverpool được xem là ông lớn đá buồn ngủ nhất Premier League. Mùa trước, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Kenny Dalglish, họ vẫn còn chơi bóng nặng phong cách Anh cổ điển. Nhưng mùa này, họ lại nói rất nhiều về tiki-taka, như lời tuyên bố của hậu vệ trái người… Tây Ban Nha, Jose Enrique: “Tất nhiên, tiki-taka còn phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ, nhưng chúng tôi đang cố gắng. Ở đây (Premier League) chưa được chứng kiến thứ bóng đá này vì chưa ai dám thử”.
Enrique có chút nhầm lẫn. Swansea dưới sự dẫn dắt của Brendan Rodgers, huấn luyện viên của chính Liverpool hiện tại, đã dám thử đá tiki-taka sau khi họ thăng hạng ở mùa trước và được thừa nhận là đội đầu tiên của Premier League đá tiki-taka.
Với những cầu thủ vẫn còn vô danh, với quỹ chuyển nhượng cực kỳ hạn chế, Swansea kết thúc mùa giải đầu tiên ở Premier League với vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng. Họ đã chơi thứ bóng đá đẹp mắt, quyến rũ. Khi xét về thời gian kiểm soát bóng suốt mùa giải, Swansea chỉ kém Manchester City và Arsenal mà thôi. Đỉnh cao của Swansea là chiến thắng 3-0 trước Fulham ngay tại Craven Cottage. Trận ấy, tỷ lệ kiểm soát bóng của Swansea là 62% so với 38% của đội chủ nhà. Họ thực hiện tổng cộng 613 đường chuyền, gần gấp đôi số đường chuyền của Fulham. Họ có ba cầu thủ thực hiện trên 100 đường chuyền, khiến người ta phải liên tưởng đến bộ ba Xavi, Iniesta và Messi của Barcelona.
Hiện tượng Swansea đã làm thay đổi tư duy của nhiều đội Premier League. Trước đó, tiki-taka của Barcelona quá xa vời đối với họ. Nhưng rồi Swansea đã khiến họ tin rằng tiki-taka hoàn toàn nằm trong tầm với. Swansea nhỏ bé, với những cầu thủ thấp kém về đẳng cấp đá tiki-taka được tại sao những Chelsea, Liverpool lại không? Chelsea lập tức đưa về những ảo thuật gia ở khu vực giữa sân như Eden Hazard, Oscar, Marko Marin (chưa kể Juan Mata đến từ mùa hè năm ngoái). Liverpool chiêu mộ luôn kiến trúc sư Rodgers, kèm theo hai gương mặt quen thuộc của Swansea là Joe Allen và Fabio Borini. Mẫu cầu thủ không thích hợp với tiki-taka như Andy Carroll lập tức bị thanh lý.
Hàng loạt câu lạc bộ chạy đua đá tiki-taka. Đại gia thì có Arsenal, Manchester City, Chelsea và Liverpool. Dù mất Rodgers, Swansea vẫn trung thành đá tiki-taka với Michael Laudrup, thậm chí thể hiện sức mạnh đáng sợ hơn khi đang xếp thứ hai sau ba vòng, ghi đến 10 bàn, nhiều nhất Premier League. Những đội bóng trung bình yếu như West Brom, Wigan hay tân binh Southampton cũng không ngần ngại kiểm soát bóng nhiều khi gặp các ông lớn.
Bài học Liverpool
Có hai yếu tố cơ bản tạo nên tiki-taka kiểu Barcelona. Thứ nhất, họ kiểm soát bóng thật chắc chắn nhờ đội hình gồm những cầu thủ có khả năng giữ bóng tốt. Thứ hai, khi mất bóng, họ lập tức đẩy cao đội hình, gây sức ép lên đối phương, đoạt bóng càng nhanh càng tốt, đôi khi chỉ cần vài giây. Manchester City hiện là đội duy nhất của Premier League có thể làm được điều này, tất nhiên chưa đến tầm Barcelona.
Swansea thuần thục với lối chơi này, nhưng họ chỉ giỏi ở yếu tố thứ nhất, chứ chưa thể làm được nhiệm vụ thứ hai. Ngay cả ở yếu tố nhứ nhất, mục đích kiểm soát bóng của Swansea chỉ là giữ bóng thật lâu ở khu vực giữa sân và chờ đối phương sơ hở để tung đòn chứ không phải gây sức ép liên tục để buộc đối phương phải phạm sai lầm như Barcelona.
Arsenal sở hữu những cầu thủ chuyền bóng tốt, phối hợp đẹp mắt, ăn ý. Nhưng bao năm nay, những pha phối hợp của họ chỉ có một mục đích: hướng lên phía trước. Họ vẫn thiếu mẫu cầu thủ biết giảm nhịp khi cần thiết, biết chuyền về để điều tiết trận đấu, tạo sự cân bằng giữa công và thủ. Cesc Fabregas, sản phẩm của lò đào tạo Barcelona, cũng không phải là mẫu cầu thủ như thế.
Chelsea và Liverpool thì chỉ mới bắt đầu ở mức ý tưởng và còn cả chặng đường dài phía trước. Ngay từ vạch xuất phát, họ đã phải trả những cái giá cực đắt. Chelsea bị Atletico Madrid vùi dập 4-0 trong trận Siêu Cúp châu Âu, trận đấu mà họ hoàn toàn mất phương hướng, muốn đá tiki-taka nhưng không thể kiểm soát bóng, muốn quay trở lại phong cách cũ thì lại không còn những gương mặt quen thuộc như Drogba.
Rodgers có thể triển khai tiki-taka ở Swansea. Nhưng sang Liverpool, một đội bóng với sức ép lớn hơn rất nhiều, lại là chuyện khác. Chỉ sau ba trận Premier League, với vỏn vẹn một điểm, tương lai của Rodgers đã bị nghi ngờ. Ở trận thua Arsenal tại Anfield, Liverpool kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng... chẳng để làm gì. Nửa cuối hiệp hai, đội chủ nhà thậm chí đá tốt hơn khi sử dụng chiến thuật Anh cổ điển là lật cánh đánh đầu. Giai đoạn đầu mùa này, Liverpool phòng ngự cực tồi, các cá nhân liên tục phạm sai lầm. Nguyên nhân là Rodgers khuyến khích các hậu vệ, thậm chí là thủ môn tích cực chuyền bóng qua lại hoặc chuyền về chứ không phất dài lên cho tiền đạo. Thay đổi triệt để một phong cách phải cần rất nhiều thời gian. Nhưng liệu ban lãnh đạo Liverpool có chấp nhận mạo hiểm và kiên nhẫn chờ Rodgers?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)