Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Italia: Giữa hai thái cực

Thứ Tư 25/06/2014 16:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Italia đã gục ngã trong trận đấu cuối cùng để quyết định tấm vé vào vòng trong. Người Italia lại một lần nữa chịu một thất bại cay đắng trong trang sử của mình, trang lịch sử đã ghi dấu những chiến thắng vang dội nhất nhưng cũng có cả những thất bại đau đớn nhất.

Con người và đất nước Italia đầy rẫy những sự mâu thuẫn và trái ngược. Người Italia có thể rất thân thiện, cái thân thiện dễ thấy của những con người luôn được hưởng ánh nắng tươi vui của bờ biển Địa Trung Hải thay vì những đám mây mù xám xịt. Nhưng đây cũng là nơi xuất xứ của mafia, của những vụ bê bối động trời trong giới chính trị. Đảo Sicilia có thể là thiên đường nghỉ mát với những bãi biển xanh và bờ cát trắng, nhưng đây cũng là nơi huyền thoại Bố già Corleone ra đời.

Bóng đá Italia cũng mâu thuẫn như vậy. Lịch sử của đội bóng áo thiên thanh ghi đậm những phút giây hào hùng với 4 lần đứng trên đỉnh thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng cũng không ít lần họ thất bại, mà không những thế, còn thất bại theo những cách cay đắng nhất. Và những thái cực vui sướng và thất vọng luôn song hành với nhau trong từng bước đi của Azzurri, dù cho họ thành công hay thất bại.

Những chiến thắng huy hoàng trên đống đổ nát

Nói đến những năm tháng đầu tiên của World Cup, không thể không nhắc tới 2 cái tên Uruguay và Italia. Trong 4 kỳ World Cup đầu tiên, cả 2 đều đã thống trị làng túc cầu thế giới với 2 lần đăng quang mỗi đội. Và đặc biệt hơn, Italia giành ngôi vô địch vào các năm 1934, và 1938, khi mà Mussolini vẫn đang cùng với Hitler đem quân đi chinh chiến khắp châu Âu trong Thế chiến II. Chiến tranh không ngăn nổi tình yêu của người Ý với bóng đá, họ vẫn đam mê bóng đá cuồng nhiệt và thậm chí tình yêu đó còn lớn lao hơn, giúp họ mạnh mẽ hơn.

ĐT Italia vô địch World Cup 1938
 

Thế nhưng khi World Cup trở lại sau 12 năm gián đoạn vì chiến tranh, người Ý đã liên tiếp phải đón nhận những thất bại. Sau thành công của những năm 30 là nỗi thất vọng tràn trề. Trong 5 kỳ World Cup tiếp theo từ 1950 đến 1966, họ thậm chí còn không một lần vượt qua vòng bảng. Đó là lúc quy luật thăng trầm của Italia bắt đầu.

Người ta nói nhiều đến một quy luật “kỳ quặc” của Italia, quy luật 12 năm. Cứ đúng chu kỳ 12 năm, Italia lại có mặt trong trận chung kết, sau đó họ thất bại, thậm chí rất thảm hại để rồi đúng 12 năm sau lại vùng dậy mạnh mẽ hơn trước và tiến thẳng tới trận đấu cuối cùng. Lần lượt những kỳ World Cup 1970, 1982, 1994 và 2006, tất cả đều có sự góp mặt của Italia trong trận chung kết, bất kể tình hình như thế nào và đối thủ của họ là ai.

Và nếu như phải chọn ra một kỳ World Cup tiêu biểu nhất cho hình ảnh hai mặt đối lập của Italia, chắc hẳn đó phải là World Cup 2006. Ngay trước thềm World Cup, hàng loạt những cái tên của ĐTQG đã dính líu tới Calciopoli, vụ dàn xếp tỷ số lớn nhất từ trước tới giờ của Italia, hơn thế, đó đều là những trụ cột của Azzurri. Khỏi phải nói, nội bộ Italia rối như canh hẹ. LĐBĐ Italia (FIGC) liên tục gửi tráp hầu toà tới các CLB, trong đó có cả những “người khổng lồ" như Juventus và AC Milan và các cầu thủ tất nhiên cũng bị liên đới, thậm chí có thể đối mặt với án tù.

 

Thế nhưng vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo, Italia càng chơi càng hay. Những Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Federico Balzaretti, Mauro Camoranesi, Andrea Pirlo hay Alessandro Del Piero chơi như thể họ đã rũ bỏ hoàn toàn những vướng bận của CLB một khi đã khoác lên mình chiếc áo thiên thanh. Năm đó Italia vô địch, họ vượt qua chủ nhà Đức hừng hực khí thế, vượt qua Pháp với Zidane đá như “lên đồng” ở tuổi 34 và vượt qua cả chính bản thân họ. Có người nói rằng chiến thắng đó không xứng đáng bởi Materazzi đã khiêu khích Zidane để rồi huyền thoại người Pháp có cú “thiết đầu công” và lãnh trọn thẻ đỏ. Nhưng có hề gì? Italia vẫn vậy, chiến thắng trong những hoàn cảnh xấu xí nhất.

Những thất bại khi đang được kỳ vọng

Lịch sử cũng không ít lần ghi nhận những thất bại khó nuốt trôi của ĐT Italia, những thất bại mà có lẽ nhiều khi chính họ cũng không hiểu lý do. Kể từ thời điểm “đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio thất bại trên chấm luân lưu và dâng cúp vàng cho Brazil ở World Cup 1994, đó dường như là một dấu hiệu khởi đầu cho những vận đen của Italia.

 

Liên tiếp sau đó là những chuỗi thất bại của Italia dù đội bóng đã có những khởi đầu như mơ. Họ thua Pháp 1-2 trong trận chung kết Euro 2000 sau bàn gỡ hoà ở những giây cuối cùng của Silvain Wiltord và cú vô lê thần sầu của David Trezeguet, một người vẫn đang ăn cơm Ý, ở nhà Ý trong màu áo Juve. Họ thất bại đầy tức tưởi trước Hàn Quốc ở vòng 16 đội tại World Cup 2002 với sự thiên vị đến “thô thiển” của trọng tài. Họ lại gục ngã một lần nữa ở Euro 2004 khi Đan Mạch và Thuỵ Điển hoà nhau đúng với tỷ số 2-2 với bàn ấn định tỷ số gần như không tưởng của Jon Dahl Tomasson. Dường như Italia luôn gặp một vận đen nào đó mà họ không thể lý giải nổi.

Và năm nay, sau khi đã trải qua một kỳ Euro 2012 thành công ngoài mong đợi khi lọt vào chung kết và có bước chạy đà tương đối ổn ở Confed Cup 2013, Italia đang rất quyết tâm để xoá đi ký ức buồn của World Cup 2010. Và sự thật là họ cũng đã có khởi đầu không thể tuyệt vời hơn khi đánh bại ĐT Anh 2-1. Người Ý đã bắt đầu mơ đến vòng sau.

Thế nhưng 2 thất bại liên tiếp trước Costa Rica và Uruguay đã một lần nữa cho thấy một thực tại phũ phàng, hy vọng và thất vọng vẫn sánh đôi trên mỗi bước đường của Azzurri. Họ có thể trách thời tiết không ủng hộ? Có thể trách trọng tài đã rút thẻ đỏ với Marchisio và không làm điều tương tự với cú “cẩu xực” của Suarez? Không, họ chỉ có thể tự trách chính mình vì đã không thể tận dụng được cơ hội và một chút gì đó là sự không may, họ phải chấp nhận nó như một phần của cuộc chơi và cũng là một phần trong lịch sử đầy thăng trầm của mình.

Và tương lai…

Italia đã lần thứ hai liên tiếp về nước ngay sau vòng bảng World Cup. Họ sẽ thất vọng và chỉ trích? Tất nhiên rồi. Họ sẽ buông xuôi? Không bao giờ. Người Ý đã quá quen với việc đứng lên từ thất bại. Họ đã từng 5 kỳ World Cup liên tiếp không thể vượt qua vòng bảng, đã tận mắt chứng kiến một tượng đài sụp đổ trên chấm phạt đền, đã trải qua những vụ bê bối rúng động cả đất nước. Chẳng điều gì có thể làm họ chùn chân được nữa.

 

“Nhạc trưởng Pirlo” đã chính thức chia tay ĐTQG, nhưng vẫn còn đó dàn cầu thủ cực kỳ tiềm năng và trải đều cả 3 tuyến. Những De Sciglio, Verrati, Immobile, Cerci, họ còn đều rất trẻ và đầy nhiệt huyết, chắc chắn đây sẽ chỉ là một cú vấp làm họ trưởng thành hơn. Và World Cup 2018 là dấu mốc tròn 12 năm sau khi họ đăng quang năm 2006, biết đâu chu kỳ sẽ lặp lại và Buffon sẽ lại nâng cúp ở tuổi 40 như huyền thoại Dino Zoff đã từng làm?

Vì thế việc cần làm bây giờ là nhìn lại quá khứ để mạnh mẽ hơn và tiến tới tương lai, và để các CĐV lại một lần nữa được hô vang khẩu hiệu vô địch "Italia campione del mondo!".

Thế Hưng

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X