Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Dường như Brazil không biết đá bóng ....

Thứ Tư 09/07/2014 17:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Giá như có thể dùng những từ nhẹ hơn, nhưng thực tế, người Brazil đã phải trải qua một trận bán kết của sự nhục nhã và sụp đổ. Cuối cùng thì, sau rất nhiều những bước đi trên sợi dây mỏng manh của lợi thế chủ nhà và đôi chút may mắn, họ đã bị người Đức lạnh lùng đạp thẳng xuống vực sâu.

Sự tồi tệ trong chiến thuật của Scolari

Không hiểu Brazil đã làm gì trong 90 phút đó. Họ không hề biết mình là ai và đối thủ là ai. Rất phũ phàng, họ tràn lên với tham vọng đánh phủ đầu để rồi ngay lập tức bị tạt cho liên tiếp 5 gáo nước lạnh, quá nhiều để kịp tỉnh ngộ và sửa chữa. Tuy nhiên, nó lạ mà không phải lạ, Scolari vốn vẫn đang để lại những ấn tượng tồi ở World Cup lần này. Nếu có Neymar và Silva, tin rằng Brazil vẫn sẽ chơi như vậy, đội bóng này không hề biết chơi phòng ngự thực sự, họ chỉ biết đỡ khi bị đánh và có bóng một cái là lao lên.

Thất bại tan nát trước Đức thực sự là cú đấm vào niềm kiêu hãnh của bóng đá Brazil
Thất bại tan nát trước Đức thực sự là cú đấm vào niềm kiêu hãnh của bóng đá Brazil

Vấn đề của Brazil đã lộ ra từ đầu giải, họ chẳng thắng nổi trận nào lấn lướt, thuyết phục hoàn toàn cả, dù không phải gặp bất cứ “đại gia” nào trước Đức. Hẳn nhiều người đã nghĩ, nếu tấm vé bán kết để lại cho những Chile hay Colombia – những đội chỉ thiếu chút xíu thực lực để hạ được Brazil, thì chưa biết chừng Đức sẽ vất vả hơn nhiều lắm. Thật vậy, Đức tuy rất mạnh, nhưng ai bảo họ không có yếu điểm, không thể bị khắc chế? Nhiều đội đã phần nào làm được điều đó, như Ghana, như Algeria, hay Pháp, họ đâu có đội hình tốt bằng Brazil nhưng vẫn khiến Đức phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi để chiến thắng. Mấu chốt là ở cách đá mà thôi.

Cũng không thể biện minh rằng Brazil muốn đá đẹp, không muốn phòng thủ tiêu cực. Thừa nhận là những trận loại trực tiếp có tình trạng hai đội quá chắc lép, cẩn trọng, đôi khi làm trận đấu chán đi, nhưng có những lúc cần phải như thế. Chưa kể, bản thân Brazil cũng nào có đá đẹp? Họ cũng chơi thô bạo, cũng có khi lùi sâu bảo vệ tỷ số như ai, cũng thường xuyên đá quẩn quanh, tù túng. Mà cứ nương theo thực tế, Brazil lấy cái gì để chơi tấn công áp đặt Đức? Hàng công của họ vốn đã bấp bênh lại thiếu Neymar, trong khi Đức thừa khôn ngoan để hóa giải, song song là phản đòn như chớp giật, bắn nát khung thành của Ceasar. Marcelo, Maicon, Luiz, Dante đều là ngôi sao hạng xịn cả, nhưng họ trông cứ như không biết phòng ngự, để bị xé vụn quá nhanh chóng. Lỗi ấy thuộc về Scolari.

Người Brazil cứ như ở trên mây. Những màn cổ vũ cảm động, rồi sự tung hô thần tượng thái quá đối với Neymar bằng hàng chục nghìn chiếc mặt nạ, nó không có nghĩa lý gì với sự chuẩn bị của người Đức. Không cần một cá nhân quá kiệt xuất nổi bật lên để được các fan ca tụng, tuyển Đức cứ đều đều, mỗi người góp một chút công, tập trung làm tròn nhiệm vụ, giống như từng mắt xích trên bánh xe tăng. Họ tôn trọng tối đa sức mạnh tập thể và họ đã đúng.

Phải đổi thay theo thời đại

12 năm kể từ World Cup 2002, nơi Brazil hạ Đức để lên ngôi vô địch, bóng đá thế giới đã khác đi rất rất rất nhiều. Hai đội bóng lớn có thứ duyên kỳ ngộ rất thú vị, họ mới chỉ gặp nhau đúng hai lần ở World Cup dù rất hay vào sâu. Lần trước, đó là thời khắc lịch sử ghi tên Ronaldo de Lima và một thế hệ “vũ công” huyền thoại làm cả thế giới ngây ngất. Còn lần này, đó là sự trả thù của người Đức. Họ là những người tạo ra các kỷ lục bàn thắng khó tin vào lưới các ứng cử viên vô địch. Năm 2013 là chiến thắng 7-0 sau hai lượt của Bayern trước Barca tại Champions League, và giờ là một kỷ lục mới khác – trận bán kết có tỷ số đậm nhất của World Cup.

Không khó nhận ra, so với năm 2002, Brazil yếu đi, còn Đức mạnh hơn. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy toan tính, bóng đá đã tiến những bước dài để thoát xa bản năng và đến gần khoa học. Sự đẹp đẽ nóng bỏng của tuyển Brazil ngày nào giờ đang thui chột, nhưng họ lại vẫn đá cứ như đang ở trên đường phố, bắt gặp một tuyển Đức đỉnh cao của tính kỷ luật, tràn đầy ý tưởng, lại đủ ngôi sao để vận hành, đương nhiên Brazil “hồn nhiên” đó sẽ dễ dàng lạc lối. Lúng túng tìm hướng chuyền, cô độc trong những vòng vây, chạy hùng hục lên rồi chuyền hỏng lại chạy về, Brazil chứng minh rằng, sự chuẩn bị của họ đến ở những lá cờ, những khán đài, những màn quảng cáo rầm rộ, nhiều hơn là chuyên môn hiện đại của một môn thi đấu tập thể.

Khác biệt là rất rõ. Với những cơ hội hãm thành, Đức luôn tỏ ra sẵn sàng, nhuần nhuyễn, chuẩn chỉnh, sút là trúng, còn Brazil thì lóng ngóng, thiếu dứt khoát ở những cú ra chân, như thể họ phải gặp tình huống mới bắt đầu suy nghĩ vậy. Mỗi cầu thủ của Đức đều xoay xở rất gọn gàng, đơn giản, độ kết dính cao, còn bên phía Brazil có nhiều những pha xông xáo cá nhân, vặn vẹo khổ sở đầy lạc lõng, bất kể động tác với bóng của họ trông đẹp mắt hơn, uyển chuyển hơn.

Đội tuyển này không thật lung linh như các lớp tiền bối, nhưng Brazil không thua vì lực lượng kém. Ngoại trừ thiếu một số 9 đích thực và một nhạc trưởng đẳng cấp, Brazil vẫn đầy rẫy nhân tài, họ thừa sức khỏa lấp sự thiếu sót đó ở một mức độ hợp lý, chắc chắn là nguyên liệu của Scolari còn hơn hẳn những đội như Pháp, Hà Lan. Kỳ thực, ông cũng đã gạt bỏ kha khá những cầu thủ đặc biệt để chọn lấy những con người mình muốn, để rồi khi xem cách ông sử dụng họ ở World Cup, ai cũng phải ôm đầu thất vọng.

Đúng là Brazil vẫn có thể trông chờ nhiều vào khả năng cầm bóng, tố chất tấn công, kỹ thuật tốt của đa số các cá nhân, song lối chơi tập thể của họ chẳng hề có hình hài. Neymar có thể đột phá và dứt điểm hay, Luiz có thể đá phạt đẹp, nhưng những pha bóng mang tính hiếm hoi ấy chẳng dễ gì tái hiện trước các đối thủ lớn. Brazil phụ thuộc rất nhiều vào sự ngẫu hứng, yếu tố tinh thần. Trong khoảng nửa đầu hiệp hai trước Đức, họ tạo ra nhiều đường lên bóng đẹp với tốc độ xử lý cao, nhưng nó cũng chỉ rộ lên trong một vài lúc, có lẽ năng lượng của lòng kiêu hãnh, sự tự ái dân tộc đã giúp các đôi chân táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn. Lúc ấy đã muộn lắm rồi, người Đức thì cứ bình tĩnh chống đỡ và thi thoảng lại đâm thêm một nhát kiếm.

Thất bại này sẽ khiến không chỉ bóng đá mà cả đất nước Brazil đứng trước nhiều hỗn độn sau World Cup, khi người dân có quyền giận dữ về một giải đấu quá tốn kém nhưng đầy thất vọng. Chắc chắn, cần phải có những bước chuyển sâu sắc trong tư tưởng của các nhà làm bóng đá nơi đây. Không ai bắt Brazil phải từ bỏ lối chơi tấn công cống hiến, nhưng hệ thống chiến thuật của họ thực sự quá thô sơ và lỗi thời, thiếu tính khả dụng, trong khi các đội tuyển khác phải liên tục update để không bị thời đại bỏi rơi. Có thể, cú ngã đau hôm nay sẽ là động lực để Brazil trở lại năm 2018. Với một đất nước thần kỳ như thế, 4 năm là rất đủ để sinh ra những con người đặc biệt. Đừng buồn lâu quá, Brazil.

Theo Bongda

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X