Khi Balotelli tung ra cú búa bổ hạ gục thủ thành Neuer lần thứ hai cũng là lúc trên khán đài, máy quay đặc tả khuôn mặt một nữ CĐV Đức đã ở tuổi trung niên với dòng nước mắt tước dài trên gò má. Thời gian để nuôi hy vọng cho Đức vẫn còn, nhưng người phụ nữ này dường như đã cảm nhận rõ bi kịch của Mannschaft.
1. Ở đời không phải giọt nước mắt nào rơi trước một cái chết đang đến gần cũng là bi kịch. Chỉ khi nào người ta khóc cho những tài năng lớn bị vùi dập, khát vọng đẹp đẽ bị đổ vỡ… mới gợi nên những cảm xúc gắn liền với bản chất của cái bi.
Trong những hoàn cảnh nảy sinh ra cái bi, con người phải huy động mọi sức mạnh tinh thần và vật chất tiềm ẩn trong mình, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên đường dẫn đến mục đích cao cả vì sự chiến thắng… Song do những điều kiện chủ quan, nhất là những điều kiện khách quan, các nhân vật hiện thân của cái bị chưa thể thành đạt và chiến thắng. Sự hủy diệt, thất bại ở những trường hợp này tạo ra nỗi cảm thông, khâm phục sâu sắc. Cũng bởi vậy, bản chất cái bi gắn bó với cái đẹp, cái cao cả và cái anh hùng. Người Đức đêm qua là một dạng của cái bi ấy.
2. Giacinto Facchetti được coi là cha đẻ của khái niệm libero còn Franz Beckenbauer là người hoàn thiện, đưa vị trí này lên một đỉnh cao mới. Đã có thời người Đức từng thống trị cả làng túc cầu với những libero xuất sắc như Beckenbauer, Lothar Matthaeus hay sau này là Matthias Sammer.
Euro 1996 là giải đấu Matthias Sammer tỏa sáng và cùng Đức đăng quang châu Âu. Đó cũng là giải đấu cuối cùng người ta còn nhìn thấy trong lối chơi của Đức tồn tại một libero thực thụ.
Bóng đá Đức sau này không thể/chưa thể/khó có thể sản sinh ra một libero trứ danh nào nữa vì những phát triển tất yếu của lịch sử đã làm cho vị trí này không còn hợp thời. Người Đức buộc phải làm cách mạng, một cuộc cách mạng rất bài bản và triệt để. Nhưng đằng đẵng hơn một thập kỷ qua kể từ ngày libero “tuyệt chủng”, Đức chỉ là những kẻ thất bại vĩ đại khi luôn gục ngã ở cửa thiên đường.
Người ta đã nói về Đức của năm 2006 là tương lai của Euro 2008 và World Cup 2010. Thế nhưng khi những mốc thời gian tương lai đó trở thành quá khứ, những hy vọng năm xưa của người Đức vẫn chỉ là hy vọng. Giờ đây, nó phải nối dài thêm ít nhất 2 năm nữa.
3. Trong phân loại bi kịch, mỹ học chỉ ra một dạng bi. Ấy là bi kịch của nhân vật chết trước bình minh. Đây là một dạng bi kịch lịch sử, là cái bi của cái mới, cái tiến bộ đã ở thế thắng trong toàn cục, song một bộ phận nào đó của nó còn lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, khiến cho người anh hùng bị sa cơ và bị tiêu diệt.
Người Đức sẽ vẫn tiếp tục với hành trình cách mạng của mình cho tới khi có được thành quả xứng đáng. Sự ngã xuống của họ hôm nay và có thể là ngày mai nữa không phải là sự vấp ngã giữa đêm dài đen tối, mà là sự ngã xuống ngay trước ngưỡng cửa bình minh. Cái “chết” ấy có tác dụng bật tung then chốt cài im ỉm, khóa chặt nhiều năm để tất cả từ trong hầm tối tràn ra ánh sáng.
(Theo VTC)