Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Đội tuyển Đức: Người Dơi để thế giới noi theo

Thứ Hai 14/07/2014 10:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 1. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tập thể siêu anh hùng truyện tranh Justice League ra mắt độc giả, hãng DC Comics tổ chức một sự kiện trưng cầu ý kiến để tìm hiểu ai là anh hùng được độc giả cho là mạnh nhất và ai là anh hùng được thần tượng nhất. Kết quả rất thú vị: Siêu Nhân (Superman) giành danh hiệu anh hùng mạnh nhất, nhưng Người Dơi (Batman) mới là anh hùng được thần tượng nhất.

Giải thích cho kết quả này, phần lớn độc giả của DC đều chung nhận định: Siêu Nhân đến từ ngoài Trái Đất, có những đặc điểm vô song của người hành tinh Krypton nên trong một cuộc đọ sức sòng phẳng, khó có nhân vật nào bì được với anh chàng Clark Kent; nhưng ngược lại, Người Dơi lại là một tấm gương thực sự bởi lòng nhẫn nại trong rèn luyện cơ thể, tu tập võ công, nghiên cứu khoa học và luôn chuẩn bị một cách tốt nhất cho mọi tình huống bằng các công cụ phù hợp nhất.

Cách chiến đấu của Siêu Nhân và Người Dơi, vì thế, rất khác nhau. Trong khi Siêu Nhân dựa nhiều vào những năng lực thiên bẩm và quá đỗi toàn diện thì Người Dơi lại có sự chuẩn bị kỹ càng cả về bài bản tác chiến chân tay lẫn tâm lý. Còn phải nhắc tới việc Người Dơi luôn có những trợ thủ đắc lực như Robin hay Nữ Người Dơi, trong khi Siêu Nhân luôn độc hành.

Thế nên không khó hiểu khi chàng Bruce Wayne được thần tượng nhiều hơn: anh là hiện thân của khát khao khoa học hóa những kỹ năng của bản thân, qua đó trở nên hoàn chỉnh hơn; ngoài ra cũng luôn tin cậy vào những cộng sự để phối hợp ăn ý trước đối thủ. Người Dơi chỉ là một thân phàm Trái Đất nhưng lại đứng ngang hàng nhưng siêu anh hùng với sức mạnh ngoài hành tinh là vì thế.

2. World Cup 2014 đã đi đến hồi kết thúc, với ngôi vương thuộc về Đức, đội tuyển đã khắc khoải 24 năm.

Trong hai lần gần nhất vô địch World Cup trước khi Brazil 2014 diễn ra, Đức đăng quang với một vị trí chiến thuật đặc biệt trong đội hình: libero. Họ có hai cá nhân kiệt suất để chơi trong vai trò ấy là Franz Beckenbauer và Lothar Mathaus. Khi không còn ai có những kỹ năng đủ đặc biệt cho vị trí đặc biệt ấy, Đức dần đi vào bế tắc trong suốt giai đoạn những năm 1990-2000.

Xét về con người, họ không có những ngôi sao đủ sức gánh vác tập thể đi lên đỉnh cao thế giới (như... Diego Maradona). Xét về chiến thuật, họ không thực sự có những cập nhật, cách tân phù hợp và cũng không sáng tạo ra những ý đồ đặc biệt (như Hà Lan). Và thế là họ ngụp lặn.

Người Đức quyết định thực hiện cải tổ: thay đổi tâm lý và phương pháp đào tạo bóng đá trẻ khi thống nhất từ từng cấp CLB – tức cải cách phần “gốc”; đưa những HLV với tư duy bóng đá hiện đại để tạo ra biến chuyển nhìn thấy được ngay – tức cải cách phần “ngọn”.

Đức đã lập kỷ lục 4 kỳ World Cup liên tiếp lọt vào bán kết. 2002, họ chứng kiến thế hệ “cổ điển” cuối cùng. 2006, đã có những sự thay đổi, dù chưa phải toàn diện. 2010, cuộc cách mạng đã gây tiếng vang. 2014, họ chinh phục tất cả.

Chiến thắng của bóng đá Đức năm nay, chính vì thế, đã mang tới hình ảnh một tấm gương tốt cho thế giới bóng đá, giống như hình ảnh một Người Dơi.

3. Liệu có ai thích Người Dơi không nếu đó chỉ là một kẻ thường xuyên bị kẻ xấu bắt nạt và chẳng thể địch lại thù địch khác, chẳng thể sánh ngang anh hùng khác? Họ rồi sẽ chỉ hướng tới những Siêu Nhân mà thôi.

Lionel Messi là một Siêu Nhân trong thế giới bóng đá. Cái cách Argentina của anh vào tận chung kết in đậm dấu ấn cá nhân anh. Tài năng của Messi là khó có thể lý giải, và người ta chỉ có thể mô tả nó bằng hai tiếng “thiên tài”.

Nền bóng đá vốn trì trệ của Argentina đã quá phụ thuộc vào một thiên tài. Xin nhắc lại, không chỉ là một ĐTQG, mà là một nền bóng đá. Điều tương tự diễn ra với Brazil – nơi mà sự “hoang dã” trong tổ chức và lối chơi vẫn được tung hô.

Sau cùng, chức vô địch của Đức sẽ mang tới một hình ảnh tích cực để các nền bóng đá khác nhìn vào. Nếu quay về 2010, người ta sẽ gạt đi và nói rằng: đó chỉ là những thằng nhóc múa đẹp chứ không phải những nhà vô địch. Giờ thì hạt giống đã trổ thành cây, cho ra những quả ngọt. Một tập thể của những cầu thủ đã “chín” đúng mùa.

Brazil cần nhìn vào Đức cho cách tổ chức nền bóng đá khoa học. Argentina cần nhìn vào Đức cho cách xây dựng một đội tuyển có thể giúp mọi cá nhân tỏa sáng bên nhau. Anh cần nhìn vào Đức cho niềm tin vào sức trẻ. Italia cần nhìn vào Đức cho sự trong sạch và hòa thuận của hệ thống giải đấu.

Nếu Đức không vô địch, người ta sẽ nhìn vào Messi, và rồi mọi người sẽ lại chăm chăm đi tìm những thiên tài của nước mình mà quên đi việc xây dựng tập thể. Còn hôm nay, Đức là Người Dơi, là tấm gương để tất cả noi theo.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X