- Man Utd và Chelsea bị Monaco phá đám trong thương vụ Bruma
- Van Gaal:" Mọi đối thủ đều muốn đánh bại Man Utd"
- Van Gaal:" Tôi rất muốn đưa Cris Ronaldo về Man Utd"
Lịch sử Man United không phủ nhận những đóng góp của các siêu sao ngoại quốc, nhưng lịch sử của nó cũng ghi nhận rằng chính sách mua sắm kiểu Galacticos chưa bao giờ là giá trị cốt lõi trong thành công của đội bóng vĩ đại này.
Đó là đội bóng được phát triển trên nền tảng vững chắc và những vụ mua sắm có tính toán, hơn là vung tiền bừa phứa chỉ để mang về một đội hình đầy ắp những tên tuổi. Một đội bóng tạo ra ngôi sao, chứ không phải là nô lệ của những ngôi sao.
Mua sao như Madrid
Việc theo đuổi hàng loạt tên tuổi danh tiếng cùng những cầu thủ nổi lên từ World Cup 2014 khiến cho Manchester United nhanh chóng bị gán biệt danh “Galacticos” của Real Madrid. Angel Di Maria, Falcao, Daley Blind, Marcos Rojo đều đến trong những ngày cuối của TTCN. Họ khác hoàn toàn so với Ander Herrera hay Luke Shaw – hai bản hợp đồng đã nằm trong sự theo dõi từ ít nhất một mùa giải trước đó.
Đây là mùa Hè chi đậm nhất trong lịch sử Man United, nhưng đó không hẳn là điều tạo ra giá trị cốt lõi của đội bóng này.
Dĩ nhiên, nếu vấn để chỉ dừng lại ở việc mua những ngôi sao thì chưa chắc biệt danh chua chát nói trên lại được dành cho Quỷ Đỏ. Mới đây, trang tin điện tử deadspin.com đã tiết lộ một câu nói “tày trời” của chủ tịch Florentino Perez: “Tôi chẳng biết James [Rodriguez] chơi bóng thế nào. Nhưng cậu ấy đã có một kỳ World Cup thành công nên chúng tôi muốn cậu ấy tới đây.”
Bản chất của sự đáng xấu hổ trong vụ chuyển nhượng này bị bóc mẽ trần trụi. Tuyển thủ Colombia là một cái tên hoàn toàn không cần thiết cho một hàng công vốn đã trẻ, khỏe, đủ cả chất và lượng của Real.
Cũng tương tự như vậy, sự có mặt của Radamel Falcao – cầu thủ với mức lương vĩ đại 250.000 bảng/tuần – là hoàn toàn thiếu hợp lý, nhất là trong tình cảnh United thiếu đi một cái tên hảo hạng cho hàng thủ. Rojo xem ra không phải câu trả lời, bởi anh được sử dụng ở... cánh trái, vị trí mà vốn dĩ đội chủ sân Old Trafford đã chi ra hơn 30 triệu bảng để có Shaw.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều người chỉ vào những thương vụ bom tấn mà Sir Alex Ferguson đã thực hiện trong quá khứ để nói rằng việc này không còn mới, nhưng liệu phép đối chiếu ấy có chính xác?
Chưa bao giờ là “dải ngân hà”
Đúng là đã có những khoản phí khổng lồ từng được HLV người Scotland chi ra trong 26 năm làm việc tại Manchester, ngay từ những ngày đầu tiên. Trong 4 năm đầu dẫn dắt Quỷ Đỏ, HLV Ferguson đã thay máu tối đa với 15 thương vụ, đỉnh cao là 1.8 triệu bảng cho Mark Hughes – con số “khủng khiếp” ở thời điểm đó.
Kể từ ấy tới nay, đã có nhiều lần Sir Alex vung tiền. Nhưng một điểm xuyên suốt là hầu như tất cả các tân binh được chiêu mộ đều nằm trong diện chưa vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp. Cái tên gần như duy nhất đã thực sự tỏa sáng từ trước và tới Old Trafford để... đi xuống là Juan Sebastian Veron.
Về điểm này, Sir Alex giống với Arsene Wenger và trái ngược hoàn toàn chính sách của chủ tịch Florentino Perez bên phía Real Madrid. Có những thương vụ thất bại hoàn toàn như Jordi Cruyff, Erik Nevland, Quinton Fortune, Massimo Taibi, David Bellion, Kleberson, Anderson... nhưng số cầu thủ trở thành ngôi sao của Old Trafford thì quá nhiều, với đóng góp được tính bằng hàng chục danh hiệu.
Kể ra một danh sách như Eric Cantona, Peter Schmeichel, Andy Cole, Roy Keane, Dennis Irwin, Jaap Stam, Ruud Van Nistelrooy, Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Michael Carrick... thật quá dài. Họ đến khi còn vô danh hoặc mới nổi, rồi trở thành ngôi sao.
Robin Van Persie có lẽ là một trong những “của hiếm” về Old Trafford khi đang ở thời kỳ đỉnh cao cá nhân. Rồi còn đó những cái tên mà Sir Alex đã nhìn thấy tiềm năng nhưng đành để họ ra đi, tỏa sáng ở CLB khác (Diego Forlan, Gerard Pique, Giuseppe Rossi...).
Tóm lại, chính sách của United trên TTCN vẫn là mua cầu thủ có tiềm năng phát triển, chứ chưa bao giờ là Galacticos.
Theo Thể Thao Văn Hoá