Old Trafford được gọi là “nhà hát của những giấc mơ” bởi đó là nơi những “nghệ sĩ” sân cỏ tạo nên biết bao “tác phẩm” nghệ thuật bằng đôi chân và trí tưởng tượng của mình. Nhưng hôm nay, “nhà hát” đã phải giã biệt với một người “nghệ sĩ”. Anh là Dimitar Berbatov…
Để nói về Dimitar Berbatov và “mối tình” của anh với MU, hãy quay ngược lại thời điểm cách đây 4 năm, đúng vào ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng mùa hè năm 2008. Ngày ấy, sau vinh quang tột đỉnh với cú đúp ở Champions League và Premier League, Sir Alex vẫn rất quyết tâm đưa chân sút người Bulgaria về với Old Trafford.
Sở dĩ ngài “máy sấy tóc” muốn đưa Berba về MU kể cả khi đang sở hữu bộ “tam tấu” RRT (Rooney - Cristiano Ronaldo - Tevez) lợi hại là bởi ông cần bổ sung vào đội hình một trung phong thực sự, điều mà “Quỷ đỏ” luôn thiếu kể từ khi Ruud Van Nistelrooy ra đi. Berbatov, với những gì đã làm được trong màu áo Bayer Leverkusen và và nhất là Tottenham trước đó, dĩ nhiên phải trở thành mục tiêu số một của MU.4 năm của Berba ở Old Trafford là quãng thời gian đầy thăng trầm nhưng vẫn rất đáng nhớ
Tuy nhiên, tham vọng của nửa “Đỏ” thành Manchester đã vấp phải hàng loạt chướng ngại vật, trước hết là từ phía vị chủ tịch lắm chiêu Daniel Levy. Ông chủ của Spurs viện đủ lí do, trong đó có cả cái cớ “MU tỏ ra ngạo mạn và thiếu tôn trọng Tottenham trong đàm phán” để giữ chân Berbatov ở lại.
Thực chất, với sự lão luyện của mình và cả kinh nghiệm từ thương vụ Michael Carrick với chính MU trong quá khứ, Levy thừa hiểu rằng ông không thể giữ được Berba ở lại White Hart Lane. Có chăng, cái Levy muốn là “két sắt” của Tottenham phải được nạp một số tiền lớn nhất mà thôi.
Và khi “giờ G” của phiên “chợ hè” 2008 đến, Daniel Levy và Tottenham đành phải xuống nước và sẵn sàng bán chủ công của họ cho MU. Dù vậy, thêm một diễn biến bất ngờ xảy ra khi Man City, sau khi được tiếp quản lại bởi tập đoàn ADUG giàu có, đã bất ngờ nhảy vào cuộc đua giành quyền sở hữu Berbatov.
Biến cố đột ngột đó đã khiến Fergie buộc phải đẩy nhanh tiến độ của vụ chuyển nhượng nhanh nhất có thể. Đích thân Sir Alex ra đón Berbatov ở sân bay và đưa thẳng về đại bản doanh để kí hợp đồng 4 năm với mức giá kỉ lục 30.75 triệu bảng.
Những câu chuyện cũ kĩ nhưng ít khi được tiết lộ đó nói lên sự kì vọng lớn lao của MU đối với Berba. Không kì vọng sao được khi mà họ đã phải rất nhọc công suốt mùa hè đồng thời bỏ ra một khoản phí chuyển nhượng khổng lồ cho chân sút người Bulgaria?
Thế nhưng, gần 1500 ngày của Berbatov ở Old Trafford là những mảng màu sáng tối xen lẫn. Công bằng mà nói, 56 bàn thắng sau tổng cộng 149 lần ra sân trên mọi đấu trường không phải là thành tích tồi nhưng so với “núi” kì vọng mà người ta từng đặt vào Berbatov, con số đó vẫn có phần khá khiêm tốn.
Vấn đề của Berbatov chính là như vậy, anh không hề chơi tệ ở Old Trafford mà chỉ đơn giản là do sự khác biệt giữa “kì vọng và thực tế”. Nhưng, sau tất cả những thăng trầm đã qua trong màu áo đỏ, cây săn bàn 31 tuổi vẫn cứ là một nhân vật đặc biệt để được nhớ đến.
Để nói về phong cách chơi bóng của Berbatov, hãy diễn tả ngắn gọn trong hai cụm từ: lãng tử và khác thường. Tính cách của Berba cũng giống như cách anh trình diễn trên sân cỏ: đủng đỉnh, trầm lặng dù đôi lúc tỏ ra hơi lười biếng. Cái chất trầm lặng của Berbatov (và cả biệt danh của anh) một phần xuất phát từ ảnh hưởng của nhân vật Vito Corleone trong loạt phim yêu thích “Bố già”, thứ mà tiền đạo này đã dùng để học tiếng Anh nhằm phục vụ cho việc thi đấu.
“Tôi là một chàng trai thoải mái. Tôi chơi bóng theo cách của mình và tôi không thể thay đổi nó được. Tôi xem nhiều trận đấu và thấy các cầu thủ như hoảng loạn lên với trái bóng còn tôi thì bình tĩnh. Tôi biết trước những gì mình sẽ làm khi trái bóng đến và Sir Alex bảo tôi đừng thay đổi gì cả, ông ấy cho tôi sự tự do để thể hiện khả năng của mình”, Berba từng tâm sự như vậy về lối đá chậm rãi nhưng đầy tính nghệ sĩ của anh.
Rõ ràng cái cách Berbatov chơi bóng (theo đúng nghĩa của từ này) cũng là tấm gương phản chiếu con người anh. Ở MU 4 năm qua, anh chính là một người nghệ sĩ trên sân cỏ thực thụ (và hiếm hoi). Những pha bóng của Berba trong một ngày cảm hứng thăng hoa không chỉ đẹp mắt mà còn rất hiệu quả. Cú hat-trick siêu hạng vào lưới Liverpool mà trong đó có pha ngả bàn đèn tung lưới Pepe Reina hay 5 bàn thắng vào lưới Blackburn xứng đáng được xem là “show diễn” đáng đồng tiền bậc nhất trong lịch sử “nhà hát”.
Cựu tiền đạo của Tottenham có thể chưa đáp ứng được tất cả những gì mà “Quỷ đỏ” trông chờ ở anh song sự chuyên nghiệp của Berbatov vẫn là điều rất đáng trân trọng. Từ vị thế của một “vua phá lưới” cách đây 1 năm, chân sút người Bulgaria đã phải ngồi dự bị trong hầu hết mùa bóng 2011-2012 nhưng chưa bao giờ có một lời phàn nàn hay làm mình làm mẩy nào được Berba thốt ra. Nếu đổi lại đó là một ngôi sao khác như Tevez chẳng hạn, thật khó tưởng tượng được El Apache sẽ làm loạn đến mức nào.
Dimitar Berbatov đã trải qua 4 năm được xem là đẹp nhất của đời cầu thủ (từ 27 tuổi đến 31 tuổi) cùng màu áo đỏ, dù không thật sự thành công nhưng theo lời anh, đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Ngày anh đến với Old Trafford, phía sau lưng Berba là áp lực khổng lồ của sự kì vọng, của cái giá chuyển nhượng 30.75 triệu bảng. Mọi thứ giờ đây sẽ thay đổi bởi đến với Fulham, nơi sức ép không lớn như ở MU, chỉ với mức phí 5 triệu bảng và được làm việc với ông thầy cũ Martin Jol, Berbatov hẳn sẽ trở lại là một tiền đạo đáng sợ như ngày nào.
Như một người nghệ sĩ già, Berbatov đã trải qua những năm tháng đỉnh cao để cống hiến cho MU và rồi giờ đây, anh đã phải nói lời giã biệt với “nhà hát” trong tiếc nuối. Dù không trọn vẹn nhưng “mối tình” Berba - MU cũng đã để lại nhiều dư vị đẹp trong lòng các Manucians. Đến từ xứ sở của hoa hồng, chân sút đó cũng giống như một đóa hoa đem đến chất “thơ” cho “nhà hát”, điều mà sẽ rất lâu nữa người ta mới lại được thấy tại đây.
Chợt nhớ đến những câu thơ mở đầu cho bài “Hoa hồng Bulgaria”: “Hoa hồng Bulgaria - Ôi loài hoa kì diệu - Hoa ở đâu chẳng biết - Theo người hay gió bay…”, có lẽ Berbatov cũng thuộc bài thơ này chăng?
(Theo Daan Tris)