Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Bao giờ người Anh hết “mót” số 10?

Chủ Nhật 09/09/2012 20:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tom Cleverley đã bộc lộ một số phẩm chất đáng quý trong lần thứ hai đá chính cho tuyển Anh, và hy vọng rằng anh sẽ giải tỏa được nỗi khát khao số 10 của nền bóng đá này. Nhưng dù anh có thành công đi chăng nữa (khả năng này vẫn là rất nhỏ nhoi), thì đó cũng không đảm bảo rằng người Anh sẽ hết “mót” số 10 trong tương lai. Giải pháp nào cho họ?

Hãy đối xử thích đáng với số 10. Người Brazil, Italia và Argentina trân trọng chiếc áo này và trao nó cho những cầu thủ vĩ đại nhất của nền bóng đá của họ, còn người Anh thì không. Với họ, cái áo đơn giản là để mặc và số áo đơn giản là để nhận diện.

Số 10 hiện thuộc về Tom Cleverley, dù anh này mới có lần thứ hai khoác áo tuyển Anh. Ở cấp CLB, William Gallas, một trung vệ, có thể được xem như số 10 “vô lý” nhất trong lịch sử bóng đá thế giới (trước khi anh ta tiếp quản vào năm 2006, nó thuộc về Dennis Bergkamp, một huyền thoại của Arsenal), còn Aston Villa trao nó cho “chân gỗ” John Carew. Ở cả cấp độ ĐTQG lẫn CLB, người Anh cũng ít khi trao nó cho một người dẫn dắt trận đấu: Paul Gascoigne, người được coi là giàu chất “số 10” nhất trong lịch sử tuyển Anh, đeo áo số 8, trong khi số 10 thì thường được trao cho những trung phong, như Geoff Hurst, hay Michael Owen.

Bao giờ người Anh mới hết số 10
Bao giờ người Anh mới hết số 10

Không biết trân trọng chiếc áo số 10, người Anh không thể khuyến khích các cầu thủ của họ cố gắng chơi như một số 10. Khi tinh thần của số áo huyền thoại ấy bị bỏ qua, nền bóng đá này mất đi một “công cụ” hữu hiệu để tạo ra những biểu tượng: Nếu số 10 được trao đúng người, và thống nhất truyền lại cho những mẫu cầu thủ như Gazza từ đời này qua đời khác, nó sẽ giúp những đứa trẻ hứng thú hơn để trở thành một số 10.

Khuyến khích sự sáng tạo và ý thức tạo ra dị biệt. Bóng đá Anh không phải môi trường kích thích sự sáng tạo và dị biệt. 4-4-2, một hệ thống tương đối cứng nhắc, là sơ đồ chiến thuật chủ đạo của tuyển Anh trong nhiều năm. Các đội bóng Anh phần lớn phủ nhận vai trò của một người dẫn dắt lối chơi trong suốt chiều dài lịch sử, và ít khi một cầu thủ của Anh được giải phóng hoàn toàn nhiệm vụ chiến thuật để thoải mái sáng tạo. Người Anh chỉ thích thú với những cầu thủ đa năng, và một cầu thủ của họ luôn phải đảm nhiệm nhiều “chức năng”: Wayne Rooney, một cá tính lớn của bóng đá Anh, thậm chí đã được báo chí Anh “tư vấn” là nên quay về đá như Paul Scholes ở tuổi 26.

Số 10 không được sản sinh từ sự cứng nhắc, và sáng tạo đôi khi đồng nghĩa với việc nới kỷ luật. Giải phóng vai trò của một cầu thủ có tiềm năng sáng tạo sẽ kích thích anh ta, một trong những nguyên tắc cơ bản để sản sinh ra một số 10.

Giáo dục kỹ thuật đúng để tạo ra số 10. Có một trận đấu gần đây cho thấy nền tảng kỹ thuật yếu kém của người Anh: Trận gặp Italia tại tứ kết EURO 2012, họ chỉ kiểm soát bóng 37% thời lượng, tung ra 8 cú sút (so với 31 của Italia). Một mình Andrea Pirlo đã chuyền chính xác chỉ ít hơn cả đội Anh… 3 đường chuyền, và thủ môn Joe Hart là người chạm bóng nhiều nhất bên phía tuyển Anh.

Các cầu thủ nhí của Anh không được đào tạo để chiếm quyền sở hữu bóng bằng kỹ thuật. Cầu thủ trẻ duy nhất hiện tại của họ mang hơi hướm này là Jack Wilshere thật ra là một sản phẩm của HLV Arsene Wenger tại Arsenal. Người Anh đã giáo dục sai lầm: Họ thậm chí để cầu thủ dưới 14 tuổi chơi trên một sân đấu có kích thước quy chuẩn cho người lớn, dẫn đến những kỹ năng sai, khuyến khích sức mạnh và tốc độ hơn là kỹ thuật và nhạy cảm vị trí. Mà một số 10 thì tất nhiên phải làm chủ được hoàn toàn kỹ thuật của mình và chơi bằng cái đầu. Mới đây, FA đã thay đổi mô hình đào tạo trẻ, và hy vọng là chưa quá muộn.

Gõ cửa “vay” số 10. Nếu không đủ kiên nhẫn để nhào nặn số 10, họ có thể “vay” số 10 từ các nền bóng đá khác. Như BĐN đã từng “vay” người đạo diễn lối chơi Deco từ Brazil. Nhưng người Bồ thì chẳng khác gì lắm so với người Anh: Suốt 20 năm qua, họ chỉ có một số 10 gốc Bồ đúng nghĩa là Manuel Rui Costa, và sau Deco, thì đến giờ, Bồ vẫn “mót” số 10.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X