Balotelli phát biểu trong lễ ra mắt CLB Liverpool: “Tôi rất hạnh phúc khi được quay trở lại Premier League. Việc quay trở lại Italia là một trong những quyết định sai lầm nhất của tôi”. Một phát biểu có phần gây sốc nhưng bộc lộ rõ tính cách của một con người rất bản năng như Balotelli.
Sự thật anh bị cả nước Ý ruồng rẫy. Khi cần anh, họ tung hô anh như người hùng dân tộc, còn khi đội bóng thất bại ê chề, anh trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Ai đó có thể biện hộ rằng Ban lãnh đạo AC Milan không muốn để hình ảnh của CLB bị Balotelli làm xấu đi. Nhưng hãy ngẫm lại mà xem, mùa giải vừa qua Balo hầu như không mấy xuất hiện trên báo chí về những scandal, thay vào đó là màn trình diễn thuyết phục và một mình trục vớt con tàu đắm Milan. Thế mà người ta vẫn ruồng bỏ anh, bởi đơn giản anh mang trong mình dòng máu Ghana, bởi anh vốn đã là một đứa con hoang và mãi sẽ là đứa con hoang trên đất Ý.
Khoan đã, cụm từ “con hoang” này chẳng phải quá quen thuộc sao? Chẳng phải “King” Eric Cantona một thời cũng đã bị coi như đứa con hoang của nước Pháp đó sao? Một con người tài hoa kiệt xuất nhưng dường như đã sinh ra ở nhầm nơi. Ở Pháp người ta không coi chiếc áo cổ dựng, bộ râu xồm xoàm với cú song phi cước làm chuẩn mực. Chính bởi thế mà Cantona bị hắt hủi như một đứa con dị tật của nước Pháp hào hoa.
Thế nhưng với Premier League, Vua vẫn là Vua. Cantona cùng với HLV Ferguson phục hưng lại một đội hình Manchester United đã rệu rã. Anh tới MU vào kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 1992 và chỉ trong nửa mùa giải ngắn ngủi, anh giúp MU có chức vô địch quốc nội lần đầu tiên kể từ năm 1967, mở ra một kỷ nguyên thống trị của Quỷ đỏ ở giải đấu danh giá nhất Anh quốc.
Trở lại với Balotelli, một người cũng đang trốn chạy chính quê hương của mình để tới với xứ sở sương mù, liệu anh có thể đạt được những thành công như bậc tiền bối Eric Cantona đã làm? Có thể sẽ là hơi khập khiễng nếu như so sánh một tượng đài với một cầu thủ vẫn còn đang bị đặt nhiều dấu hỏi trong lần tái xuất giải Ngoại hạng. Thế nhưng cần nhớ rằng Premier League ngày càng trở nên khốc liệt, khái niệm đua “song mã”, “tam mã” hay thậm chí kể cả “bộ tứ” cũng đã trở nên lỗi thời.
Thời thế đã đổi thay và mọi chuyện đều có thể xảy ra trong một trận đấu tay đôi. Điều quan trọng là giữ được sự lì lợm tỏng cuộc đua đường trường, điều mà Liverpool suýt nữa đã có được, chỉ trừ giai đoạn cuối mùa giải. Giờ thì Suarez đã ra đi, liệu sẽ còn ai phù hợp hơn Balotelli để xốc lại tinh thần cho toàn đội mỗi lúc Liverpool lâm vào cảnh nguy khốn? Gerrard ư? Không, người đội trưởng tận tuỵ từ lâu đã chỉ còn là liều thuốc tinh thần của The Kop mà thôi. Hay là những niềm hy vọng Sturridge, Coutinho hay Sterling? Có thể, nhưng chỉ là trong một vài trận đấu mà thôi. Trong những tình huống cần kíp, những cầu thủ trẻ ấy vẫn chưa đủ lì đòn để kéo cả đội đi lên.
Chỉ còn lại Super Mario mà thôi. Một cú dứt điểm đẳng cấp, một cái nhìn bình thản nhưng đủ để đối thủ cảm thấy lạnh sống lưng. Từng đó là quá đủ để cả đội lại có tiếp động lực thi đấu và để người hâm mộ liên tưởng đến dáng đứng ngang tàn cùng cái cổ áo dựng kinh điển của King Eric. Đó là sức mạnh của những con người đã được trui rèn qua sự hắt hủi.
Đó cũng không còn thuần tuý chỉ còn là hình ảnh Balo với hành động khoe cơ bắp của một cậu bé mới lớn nữa, mà giờ đây trong con người Balo, người ta nhìn thấy một nội lực đủ để vực dậy cả một tập thể. Liverpool đang quá thiếu những con người gai góc để có thể chinh chiến ở một đấu trường đầy rẫy những võ sĩ và những pha vào bóng triệt hạ như ở Premier League, và hãy tin rằng Balotelli sẽ là cái tôi cần thiết cho tham vọng của Liverpool vào lúc này.
Eric Cantona đã từng giúp MU lên ngôi vương sau 25 năm chờ đợi ngay trong mùa giải đầu tiên gia nhập đội bóng. Liverpool cũng đã 24 năm chưa thể bước lên bục vinh quang, và Balotelli cũng vừa cập bến. Biết đâu đấy…
Thế Hưng