- ĐT Pháp: Hỏa mù cho Didier Deschamps
- Andrea Pirlo & Steven Gerrard: Nghệ sĩ đối đầu đấu sĩ
- World Cup sẽ tôn vinh hay hủy hoại Ronaldo?
VUA PHÁ LƯỚI, ANH LÀ AI?
Robert Lewandowski (Ba Lan) và Zlatan Ibrahimovic (Thuỵ Điển), 2 trong số những chân sút hay nhất châu Âu, phải làm khán giả. Rồi chấn thương khiến “Mãnh hổ” Radamel Falcao không thể cất tiếng gầm ở rừng già Amazon. Thế nhưng cuộc đua Chiếc giày vàng không vì thế mà kém hấp dẫn, bởi trên đất Brazil vẫn còn rất nhiều anh tài sẵn sàng tranh đua danh hiệu cá nhân ấy.
Có những đội có đến 2 hoặc 3 ứng viên. Uruguay có Luis Suarez và Edinson Cavani, TBN có David Villa và Diego Costa, Đức có Thomas Mueller và Miroslav Klose trong khi Argentina có bộ 3 Lionel Messi, Kun Aguero và Gonzalo Higuain, ai cũng sáng giá. Tất nhiên cũng không thể bỏ qua những Wayne Rooney, Daniel Sturridge, Mario Balotelli...
Một câu hỏi thú vị: có khả năng một cầu thủ vừa giành Chiếc giày vàng lại vừa giành luôn Quả bóng vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất hay không. Câu trả lời: vẫn có thể. Trong lịch sử, có 4 lần một cầu thủ độc chiếm cả 2 giải thưởng danh giá này. Đấy là Leonidas tại World Cup 1938, Garrincha (World Cup 1962), Mario Kempes (1978) và Ronaldo (2002).
Điểm chung của 4 ngôi sao vừa nêu là gì? Họ đều là người Nam Mỹ, trong đó có đến 3 người Brazil. Dễ hiểu vì những chân sút Brazil luôn là những cầu thủ ưu tú nhất trong đội hình và có thể một mình xoay chuyển cục diện trận đấu. Vì thế, cầu thủ sáng giá nhất cho “cú đúp” danh hiệu năm này tất nhiên phải là Neymar, ngôi sao của đội chủ nhà Brazil.
CƠ HỘI VÀNG CHO MESSI
Theo Gary Lineker, chân sút từng giành danh hiệu Chiếc giày vàng tại Espana 1986 thì vua dội bom không nhất thiết phải là cầu thủ giỏi nhất. Lineker tự mô tả mình và những tiền đạo khác là những người may mắn nhất: “Tôi giành danh hiệu ấy với 6 bàn thắng, đều là 6 pha đệm bóng đơn giản sau khi các đồng đội đều làm xong những công việc khó khăn nhất”.
6 bàn mà Lineker ghi được ngày ấy có cú hat-trick vào lưới Ba Lan ở vòng bảng. Đấy cũng là một yếu tố quan trọng có thể định đoạt cục diện cuộc đua. Nói cách khác: Vua phá lưới World Cup thường là “hay không bằng may”. Như Miroslav Klose, anh giành danh hiệu này năm 2006, nhưng 4/5 bàn thắng của chân sút người Đức được ghi ở vòng bảng, nơi các đối thủ tất nhiên phải “dễ xơi” hơn ở vòng loại trực tiếp.
Cá biệt Oleg Salenko của Nga, giành Chiếc giày vàng World Cup 1994 với 6 bàn thì có 5 bàn ghi trong trận Nga thắng Cameroon 6-1. Salenko thậm chí không cần vượt qua vòng bảng. Vì cái lý hay không bằng may ấy mà Vua phá lưới những giải gần đây thường là những cái tên không thật sự sáng giá trước khi vào giải, chẳng hạn: T.Mueller (World Cup 2010), Davor Suker (1998), Salenko (1994) hay Salvatore Schillaci (1990).
Sau khi cân đo đong đếm các yếu tố, có thể thấy Argentina có cơ hội lớn sở hữu Chiếc giày vàng. Họ có hàng tấn công rất mạnh, lại có 2 đối thủ dễ xơi là Iran và Nigeria. Chỉ cần lập một cú hat-trick ở 1 trong 2 trận này là thấy... ngon lành.
Số 6 kỳ lạ
6 bàn thắng là con số có thể đảm bảo cho một chân sút giành Chiếc giày vàng. Đã có đến 15 kỳ World Cup mà Vua phá lưới ghi tối đa 6 bàn. Cũng thêm một sự trùng hợp với con số 6: đúng 6 lần Vua phá lưới là cầu thủ của đội chủ nhà (1930, 1950, 1962, 1978, 1990 và 2006). Ngoài ra, cũng có 6 lần Vua phá lưới World Cup đã giành danh hiệu dội bom tại giải VĐQG vừa kết thúc trước đó.
Theo Bongdaplus.vn